Trung thu này - Còn mãi những nét xưa

GD&TĐ - Với mong muốn đem đến cho những đứa trẻ thành thị một Trung thu đậm chất Việt, cuối tuần qua, tại Không gian Giao lưu văn hóa Hà Nội 1010 (32 Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Trung thu này - Còn mãi những nét xưa”.  

Trung thu này - Còn mãi những nét xưa

Khơi dậy nét văn hóa dân gian

Đến tham gia chương trình, các bạn trẻ và các em thiếu nhi có cơ hội được tìm hiểu về Tết Trung thu xưa qua các món đồ chơi truyền thống, lời kể của các nghệ nhân. Đặc biệt, các em còn được trải nghiệm thực tế các công đoạn làm ra một món đồ chơi dân gian truyền thống như đèn ông sao, tiến sỹ giấy, mặt nạ giấy bồi...

Tham gia trải nghiệm, Hoàng Diệu Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thích thú chia sẻ: “Đến tham dự chương trình em rất vui. Đây là lần đầu tiên em được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một chiếc đèn ông sao và ông tiến sỹ giấy. Các công đoạn đều rất tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được”.

Chị Chu Hà Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con gái và cháu gái tới tham gia, chia sẻ: “Trong dịp này, nếu tổ chức cho các bé chơi thì có lẽ không ai không đưa các bé đến những nơi này. Từ trước, tôi vẫn muốn mua các nguyên liệu dạy các con tự làm đồ chơi, nhưng bản thân mình không khéo léo cho lắm, đến đây có nghệ nhân hướng dẫn, các cháu cũng hào hứng hơn, hiểu hơn về đồ chơi truyền thống của dân tộc”.

Cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường đồ chơi cho thiếu nhi dịp Trung thu cũng thay đổi rất nhiều. Phần lớn trên thị trường là đồ chơi ngoại nhập, trong khi đó các mặt hàng đồ chơi truyền thống đã từng một thời gắn bó với biết bao thế hệ trước đây đang dần vắng bóng tại thị trường này.

Tuy vậy đâu đó tại những góc phố nhỏ của Hà Nội, vẫn còn đó những người thợ cặm cụi ngày đêm để làm ra những món đồ chơi cổ truyền độc đáo như mặt nạ giấy, tàu thủy sắt tây, đèn ông sao, đầu lân sư tử… với mong muốn gìn giữ những nét tinh hoa của ông cha ta từ các thế hệ trước đã lưu giữ lại.

“Giữ lửa” đồ chơi truyền thống

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Hoài Đức – Hà Nội), người duy nhất hiện nay vẫn đang gìn giữ và lưu truyền nghề làm đèn ông sao, tiến sỹ giấy ở Hà Nội, cho biết: “Tết Trung thu bao giờ cũng trùng với dịp học sinh bắt đầu một năm học mới. Xưa kia, các bậc phụ huynh thường mua ông tiến sỹ giấy để tặng cho các con, biểu thị tấm lòng của mình, mong cho con ngoan hiền, học giỏi, đỗ đạt.

Trong mâm cỗ Trung thu, ông tiến sỹ giấy thường được đặt ở mâm cao hơn mâm ngũ quả. Bên cạnh ông tiến sỹ, còn có 2 ông múa gậy, là người túc trực, bảo vệ ông tiến sỹ. Đêm Trung thu, trẻ em sẽ rước đèn ông sao đi theo các đoàn múa lân, đến đêm, khi mâm cỗ được phá, ông tiến sỹ giấy được treo ngay tại bàn học, vừa mang ý nghĩa cầu chúc học hành, thi cử đỗ đạt, vừa giúp các em thư giãn, vui mắt khi học”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết, mặt nạ giấy bồi là một thứ trò chơi lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô; song đến nay không mấy người còn gắn bó với đồ chơi này nữa.

Theo ông Hòa, mặt nạ giấy bồi có nhiều hình dạng khác nhau như: Tôn Ngộ Không, Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, con hổ, con trâu… Năm nay, ông Hòa còn sáng tạo ra nhiều hình mẫu mới như người nhện để phục vụ nhu cầu khách hàng.

“Đã có những lúc tưởng chừng phải bỏ nghề vì sự xâm lấn của các đồ chơi Trung Quốc với những mẫu mã đa dạng hơn, đẹp hơn. Nhưng bằng lòng say mê, tôi vẫn bám trụ với nghề. Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là sự mai một của nghề có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Hòa chia sẻ.

Chị Đào Ngọc Phương Linh- đại diện BTC chương trình - cho biết: Thông qua chương trình, chúng tôi muốn các bạn trẻ, các em thiếu nhi có dịp tiếp cận với những món đồ chơi dân gian xưa. Từ đó, có thể hiểu hơn về văn hóa truyền thống, về ngày Tết Trung thu cũng như sự vất vả, yêu nghề của các nghệ nhân. Qua đó, hy vọng trong tương lai, các bạn trẻ, nhất là các em thiếu nhi có được niềm đam mê, yêu thích với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ