Thiếu hụt khoáng chất có thể gây tuyệt chủng nhiều loài

Phần lớn những cuộc đại tuyệt chủng từ trước đến nay trên Trái Đất xảy ra bởi sự thiếu hụt những khoáng chất thiết yếu trong lòng biển.

Thiếu hụt khoáng chất có thể gây tuyệt chủng nhiều loài
Thiếu hụt khoáng chất có thể gây tuyệt chủng nhiều loài - 1

Nguồn: newscientist.com

Một lý thuyết mới đây cho thấy phần lớn những cuộc đại tuyệt chủng từ trước đến nay trên Trái Đất có thể bị gây ra bởi sự thiếu hụt những khoáng chất thiết yếu trong lòng biển. Điều này làm cho các sinh vật biển yếu dần rồi chết đi hàng loạt, từ các loài sinh vật phù du cho đến bò sát.

Trong quá trình lịch sử, Trái Đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng. Hai cuộc đại tuyệt chủng tàn khốc nhất trong số này đã tìm ra được nguyên nhân rõ ràng. Đầu tiên là các loài khủng long đã bị quét sạch khỏi Trái Đất vào thời điểm khoảng 66 triệu năm trước bởi một thiên thạch có kích thước cực lớn rơi xuống vùng đất hiện nay là Mexico. Trong khi một cuộc đại tuyệt chủng khác diễn ra vào cuối kỉ Pecmi đã tiêu diệt hơn 90% tổng số giống loài trên Trái Đất vào thời điểm 252 triệu năm trước, gây ra bởi sự phun trào của một siêu núi lửa vùng Siberia.

Tuy nhiên, vẫn còn lại 3 cuộc đại tuyệt chủng mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được nguyên nhân rõ ràng. Họ cho rằng đó là một quá trình khá phức tạp và có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng tạo ra cuộc đại tuyệt chủng. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy sự dao động của các khoáng chất trong lòng đại dương đóng một vai trò rất quan trọng nhưng vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, trong giai đoạn nước biển có chứa tỷ lệ các khoáng chất cao – như kẽm, đồng, mangan và selen – cũng đồng thời trùng hợp với giai đoạn các loài sinh vật sinh sản và phát triển nhanh chóng. Ví dụ cụ thể nhất là ở giai đoạn bùng nổ sinh sản Cambri, khi phần lớn các loài động vật đầu tiên bắt đầu được thành hình.

Giờ đây, các nhà khoa học đang chỉ ra các bằng chứng cho thấy sự tụt giảm những khoáng chất quan trọng kể trên có liên quan đến những cuộc đại tuyệt chủng. Họ tập trung vào nghiên cứu chất selen, một khoáng chất quan trọng hàng đầu. Và nhận thấy rằng, vào giai đoạn cuối kỷ Ordovic, Devon và Triass – khi ba vụ đại tuyệt chủng diễn ra mà hiện nay vẫn chưa có lời giải thích – thì tỷ lệ chất selen trong nước biển bị tụt giảm hai bậc lớn so với hiện nay. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt selen và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các loài động vật.

Các khoáng chất cực kì thiết yếu và quan trọng, vì không có chúng, các loài động vật sẽ chết. Sự sống là một sự cân bằng rất tinh vi giữa rất nhiều mặt khác nhau. Nếu sự thiếu hụt diễn ra, mọi thứ sẽ sụp đổ.

Việc thiếu hụt khoáng chất có lẽ không phải là câu trả lời duy nhất cho các cuộc đại tuyệt chủng. Vẫn còn những yếu tố khác có liên quan vẫn đang được nghiên cứu.

Sự dao động của tỷ lệ khoáng chất gây ra một số tác động khác nhau. Một lý thuyết cho rằng, khi nồng độ khí oxy trong khí quyển tăng lên, các khoáng chất trên đất liền sẽ bị oxy hóa nhiều hơn và bị rửa trôi xuống lòng sông và đại dương. Chính vì thế, nếu tỷ lệ khí oxy giảm cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt các khoáng chất.

Sự suy giảm các hoạt động kiến tạo cũng là một trong các nguyên nhân gây ra vấn đề. Khi các thềm lục địa dịch chuyển, chúng sẽ phóng thích một lượng lớn chất trầm tích vào đại dương.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, nếu sự suy giảm nồng độ khoáng chất diễn ra trong một khoảng thời gian dài, thì các cuộc đại tuyệt chủng lại diễn ra khá đột ngột. Chính vì thế, khoảng thời gian diễn ra các cuộc đại tuyệt chủng cần phải được nghiên cứu chính xác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thiếu hụt selen thường bắt đầu hàng triệu năm trước khi các cuộc đại tuyệt chủng thật sự diễn ra. Nhưng hiện nay mọi thứ đã khác. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Và cho dù có hay không chất selen thì con người vẫn sống tốt vì chất này không đóng vai trò gì quan trọng trong cơ thể chúng ta.

Phan Thanh (New Scientist)
Theo khampha.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ