Thiếu cả điều kiện cần và đủ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đầu năm học 2021 - 2022, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, sách giáo khoa điện tử được xem là cứu cánh...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Lí do là nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên trong điều kiện không thể mua được sách giấy.

Sang năm học này, dù vẫn có tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ tại một số địa phương, nhưng trong các giải pháp được phụ huynh và nhà trường lựa chọn, gần như vắng bóng việc khuyến khích sử dụng sách giáo khoa điện tử. Dù không đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng nhiều phụ huynh chọn cách photo sách cho con học nếu không “lùng” mua được sách giáo khoa giấy, nhất là sách giáo khoa của lớp 4, lớp 8 và lớp 10.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản phải số hóa sách giáo khoa theo dạng PDF gửi đến các nhà trường để nghiên cứu, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị năm học mới. Từ đó, đại diện nhà trường sẽ gửi tệp để phụ huynh tải về cho con hoặc in ra thành sách. Sử dụng bản PDF không cần có kết nối Internet nhưng học sinh chỉ có thể mở thứ tự từng trang để tìm đến bài học và không có phần mở rộng, luyện tập.

Việc tìm kiếm bài học và củng cố kiến thức vì vậy không thuận tiện và trực quan như trên web. Hoặc phụ huynh, học sinh có thể vào trang web của các nhà xuất bản để đọc sách online miễn phí. Với cách này, buộc phải có kết nối Internet, chất lượng đường truyền đủ mạnh và thường khó sử dụng trên điện thoại di động.

Sử dụng sách giáo khoa điện tử, điều kiện bắt buộc là học sinh phải có thiết bị đi kèm, tối thiểu là điện thoại thông minh hoặc iPad có kết nối Internet. Vì vậy, khi học sinh đến trường học trực tiếp, gần như sách giáo khoa điện tử không thể vào trường học vì nội quy của hầu hết các nhà trường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động.

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) cho biết, nếu học sinh sử dụng sách giáo khoa điện tử phải báo với giáo viên để nhà trường nắm được thông tin. Thế nhưng, học sinh đều được phụ huynh trang bị sách giáo khoa giấy, nếu có sách điện tử cũng chỉ để dùng tham khảo thêm ở ngoài nhà trường.

Gần như các trường công lập đều không khuyến khích học sinh sử dụng sách giáo khoa điện tử vì cần một sự đồng bộ trong cơ sở hạ tầng như chất lượng đường truyền Internet, điều kiện trang bị thiết bị học tập của học sinh… Nhưng trên tất cả là với điện thoại thông minh và iPad, trò không chỉ đơn thuần là dùng để xem sách giáo khoa điện tử mà còn có thể truy cập vào những nội dung khác và giáo viên rất khó để kiểm soát.

Tâm lý và thói quen của phụ huynh và học sinh trong quá trình học tập cũng là một rào cản để phát triển sách giáo khoa điện tử. Mới đây, khi các trường tiểu học ở Đà Nẵng thông báo học sinh nghỉ học để phòng chống bão, phụ huynh đều đem hết sách vở về để con tự học bài ở nhà. Lo lắng việc sử dụng thiết bị điện tử để học tập trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh không mặn mà với sách giáo khoa điện tử.

Tại các phòng học của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đều được cài sẵn sách giáo khoa điện tử ở bảng thông minh. Giáo viên vì vậy rất thuận tiện trong sử dụng phương tiện hỗ trợ như audio, video, đồ họa… để làm phong phú thêm bài giảng. Học sinh của nhà trường có sử dụng sách giáo khoa điện tử nhưng chủ yếu là dùng để tra cứu trong quá trình tự học.

Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, muốn phát triển sách giáo khoa điện tử, trước mắt, các trường học phải đầu tư mạnh mô hình thư viện điện tử. Từ tra cứu học liệu điện tử, học sinh và giáo viên sẽ hình thành thói quen sử dụng sách giáo khoa điện tử trong quá trình dạy – học. Điều này có thể minh chứng rõ nét ở môi trường giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc thư viện, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nhận xét, để trang bị sách ngoại văn sẽ rất tốn kém, chưa kể là thủ tục đấu thầu cũng là một rào cản trong khi sách chuyên ngành kinh tế bây giờ rất ít người dịch và xuất bản. “Do vậy, xu hướng đầu tư sách điện tử sẽ giúp thư viện nhà trường cập nhật được các tài liệu mới mà lại rẻ”. Cấu trúc của thư viện của nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có sự chuyển hướng trong các dịch vụ cung cấp từ khu vực nghiên cứu im lặng truyền thống trở thành không gian sống động, linh hoạt phù hợp với học tập theo nhóm và xã hội, có thêm phòng đọc đa phương tiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ