Thiết tha với tình yêu nghề

GD&TĐ -  “36 năm trôi qua, nhưng tình yêu và niềm đam mê đối với nghề dạy học trong tim tôi chưa bao giờ đổi khác”, thầy Nguyễn Đức Nhuận, GV Trường THCS Kim Đồng (huyện Núi Thành, Quảng Nam) chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đức Nhuận với học sinh
Thầy Nguyễn Đức Nhuận với học sinh

Tình yêu lớn

Năm 1983, tốt nghiệp bộ môn Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, thầy Nhuận quyết tâm về quê dạy học. Đối với thầy Nhuận, mỗi tiết dạy là một niềm vui, mỗi khi đứng trước các em để giảng bài là một hạnh phúc. Chính vì thế mà tâm hồn, trí tuệ trong thầy đã thăng hoa cùng năm tháng. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, đến năm thứ hai (chưa hết thời gian tập sự), thầy Nhuận đã đạt được danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp huyện”.

Từ đó cho đến nay, thầy liên tục đạt được các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp, nhiều lần được UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng bằng khen. Với bộ môn Tiếng Anh, nhiều học sinh nhờ sự kèm cặp hết lòng của thầy đã thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam). Nhiều học sinh của thầy nay đã trưởng thành, thành công trong cuộc sống, nhiều em vì ảnh hưởng lòng yêu nghề của thầy mà nay cũng trở thành giáo viên, giảng viên đại học...

Bí quyết nào đã giúp thầy Nhuận thành công trên con đường “khai tâm mở trí” cho lớp trẻ? Trước hết, đó là một tình yêu lớn với sự nghiệp trồng người. Tình yêu ấy là điểm tựa vững chắc, là bệ phóng giúp thầy vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống để say sưa, miệt mài nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ.

“Những ngày ấy, sau mỗi tiết dạy tôi ngồi ngẫm lại những gì mình đã thực hiện, rồi ghi chú dưới mỗi trang giáo án để rút kinh nghiệm. Trong những ghi chép đó là những nội dung chưa hay, chưa hấp dẫn trong bài giảng, và có cả tên của học sinh chưa hiểu bài. Từ đây, tôi rút ra kinh nghiệm, phương pháp giảng bài cho phù hợp với từng tiết, từng lớp, từng học sinh. Nhờ đó, tôi đã tìm ra phương pháp giảng dạy đại trà, phương pháp cá biệt hóa cho từng nhóm, từng học sinh, cộng với kỹ thuật lên lớp trở thành nghệ thuật để thổi hồn vào bài giảng nhằm thu hút các em trong từng kiến thức nhỏ” - thầy Nhuận chia sẻ.

Những năm đầu tiên đi dạy của thầy là lúc cuối của thời “bao cấp” và cũng là những năm đầu huyện Núi Thành được thành lập nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, sách nghiên cứu rất hiếm. Với quyết tâm vượt khó, thầy Nhuận tiết kiệm từ những đồng lương để mua sách hay về giáo dục, về bộ môn Tiếng Anh để học hỏi.

Thầy Nhuận tâm sự: “Tôi rất may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học. Cha mẹ tôi rất trọng chữ, nên dù có khó khăn đến đâu cũng lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Sáu anh chị em trong gia đình đều công tác trong ngành Giáo dục và y tế. May mắn nữa là vợ tôi cũng cùng ngành nên luôn có sự thấu hiểu, tương hỗ lẫn nhau trên bước đường sự nghiệp”.

Thầy Nguyễn Đức Nhuận cùng học sinh
Thầy Nguyễn Đức Nhuận cùng học sinh

Không ngừng đổi mới

Suốt 36 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Nhuận luôn tận tụy với công việc. Là người có trình độ chuyên môn vững vàng, tinh thông nghiệp vụ nhưng thầy vẫn luôn khiêm tốn học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, tích cực tìm tòi đổi mới phương pháp, sáng tạo trong giảng dạy. Những giờ dạy của thầy luôn thu hút được học sinh tham gia học tập. Thầy luôn quan tâm tìm hiểu khả năng, sở trường của từng học sinh trong lớp để giúp các em đúng cách.

Chính vì vậy, dù được phân công chủ nhiệm và giảng dạy ở khối nào thì lớp của thầy cũng luôn dẫn đầu về mọi mặt thi đua. Quá trình công tác, thầy luôn là giáo viên cốt cán, thành viên chuyên môn của phòng GD&ĐT. Với uy tín ấy, thầy Nhuận được các cấp quản lý đặt niềm tin cử tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức để về bồi dưỡng lại cho đội ngũ thầy cô giáo ở địa phương.

Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, thầy Nhuận cho rằng “đổi mới quản lý tổ chuyên môn là góp phần đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Vào đầu năm học, thầy Nhuận luôn chủ động lên kế hoạch và tham mưu với hiệu trưởng về hoạt động chuyên môn để đa dạng các hình thức nội dung sinh hoạt tổ. Theo đề xuất của thầy, tổ chuyên môn tiến hành thảo luận thiết kế bài giảng, vận dụng phương pháp dạy học cho hợp lý, lồng ghép tích hợp liên môn các nội dung liên quan đến bài học.

Sau đó, các thành viên cùng nhau tìm hiểu, thảo luận, nghiên cứu cách giải các đề thi để từ đó rút ra cách dạy, hướng dẫn học sinh cách làm bài. Cuối cùng, thầy động viên đồng nghiệp tích cực sinh hoạt chuyên môn trên trường học kết nối. Trong sinh hoạt chuyên môn, thầy luôn tôn trọng, kèm cặp giúp đỡ giáo viên trẻ để họ sớm tích lũy kinh nghiệm dạy học.

“Là giáo viên giỏi sẽ không bao giờ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn trong việc sử dụng các phương pháp dạy học mà phải luôn sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống để phù hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng. Là người quản lý, không tạo áp lực, gây ức chế, áp đặt suy nghĩ của bản thân khi dự giờ hoặc kiểm tra hoạt động sư phạm của đồng nghiệp, mà phải biết tranh luận, phản biện về các vấn đề dạy học để thấy cái hay nhằm phát huy, và cái hạn chế, cái bất cập để tìm phương án khắc phục.

Là người thầy, mình không nên tự mãn với những gì đã làm được, còn rất nhiều điều mình chưa biết, chưa làm tốt trong nghề nghiệp. Trước học trò, giáo viên phải luôn lạc quan để tâm hồn, trí tuệ trong sáng cùng với các em” - thầy Nguyễn Đức Nhuận chia sẻ.

Là giáo viên giỏi sẽ không bao giờ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn trong việc sử dụng các phương pháp dạy học mà phải luôn sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống để phù hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng. Là người quản lý, không tạo áp lực, gây ức chế, áp đặt suy nghĩ của bản thân khi dự giờ hoặc kiểm tra hoạt động sư phạm của đồng nghiệp, mà phải biết tranh luận, phản biện về các vấn đề dạy học để thấy cái hay nhằm phát huy, và cái hạn chế, cái bất cập để tìm phương án khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ