Dạy ngoại ngữ cho trẻ miền núi: Khơi dậy niềm đam mê

GD&TĐ - Với khó khăn đặc thù về đối tượng học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, việc dạy - học ngoại ngữ của thầy trò Trường THCS Him Lam (TP Điện Biên Phủ) vẫn còn nhiều trắc trở. Phải Làm gì để học sinh có thể học ngoại ngữ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, luôn là băn khoăn của ban giám hiệu cũng như đội ngũ giáo viên trong trường. 

Các em học sinh hào hứng tham gia Ngày hội tiếng Anh. Ảnh: TG
Các em học sinh hào hứng tham gia Ngày hội tiếng Anh. Ảnh: TG

Vượt khó

Mặc dù trải qua quá trình thi tuyển chặt chẽ nhưng đối tượng học sinh đa dạng, nhiều em là người dân tộc nên trình độ không đồng đều, sĩ số lớp học quá đông gây nhiều trở ngại cho dạy học ngoại ngữ tại Trường THCS Him Lam. Học sinh, nhất là trẻ miền núi còn tâm lý e ngại khi giao tiếp với thầy cô, thậm chí nhiều em sợ môn học này… Từ đó dẫn đến chất lượng GD chưa cao.

Trước thực trạng trên, ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên ngoại ngữ dày công tìm ra phương pháp nhằm mang đến niềm đam mê tới học sinh. Cô Cao Thị Đại, Hiệu trưởng nhà trường là người tiên phong trong việc dự giờ, tìm ra điểm yếu của học sinh, phương pháp dạy chưa hấp dẫn. Từ đó, ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo xây dựng thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

“Là giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ, chúng tôi đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường bằng nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả mà không tốn kinh phí như hoạt động tập thể giữa giờ trên nền nhạc tiếng Anh, bài hát về truyền thống của trường bằng tiếng Anh, thi viết bằng tiếng Anh.... Ngoài ra, giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, xã hội trong việc tạo điều kiện và môi trường học tiếng Anh tốt nhất có thể cho học sinh”, cô giáo Nguyễn Hải Lệ, giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Him Lam cho biết.

“Chúng tôi xác định, để thực hiện tốt việc dạy ngoại ngữ, đầu tiên cần kiện toàn hoạt động chuyên môn dưới sự chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho giáo viên bộ môn sáng tạo và áp dụng các giải pháp: Tích hợp kiến thức nhiều môn học, lồng ghép nhiều kỹ năng; áp dụng phương pháp ngữ cảnh hóa ngôn ngữ và các phương pháp dạy học tích cực (kỹ thuật khăn giải bàn, dạy học theo dự án, workshop...) nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học tốt môn Tiếng Anh theo định hướng năng lực học sinh” - cô Cao Thị Đại cho biết.

Từ quyết tâm của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, hoạt động dạy - học ngoại ngữ tại Trường THCS Him Lam đã có sự chuyển biến tích cực. Giờ học trên lớp, ngoại khóa được tổ chức phong phú, đa dạng. Sự ra đời của CLB tiếng Anh tạo môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh cho cả thầy và trò. Bên cạnh đó, Ngày hội tiếng Anh, hội nhóm lồng ghép tiếng Anh được giáo viên, nhà trường tổ chức định kỳ giúp học sinh giao tiếp, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với bạn bè, thầy cô...

Với đội ngũ nhà giáo, ban giám hiệu yêu cầu thầy cô tự học, rèn kỹ năng vận dụng thực hành qua sách vở, trau dồi kiến thức qua Internet. Tận dụng tối đa điều kiện tại chỗ của nhà trường và công nghệ thông tin để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng tiếng Anh.

Đồng hành cùng học trò

Cô Cao Thị Đại, Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam. Ảnh: TG
Cô Cao Thị Đại, Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam. Ảnh: TG 

Ngoài hoạt động dạy trên lớp, cán bộ, giáo viên ngoại ngữ trong trường còn hướng dẫn học sinh tự học ở nhà bằng cách giới thiệu một số website học tiếng Anh trực tuyến; hướng dẫn các em tham khảo ở một số ứng dụng như Ucan; Tiếng Anh 123; Fun easy English; Learn English free online. Không chỉ giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cũng đồng hành cùng các em. Theo cô Đại, trường ưu tiên phòng học chức năng dành cho môn Tiếng Anh; Viết khẩu hiệu trong trường bằng song ngữ, trong các lớp học đều có góc học tập tiếng Anh.

Song song với đó, giáo viên bộ môn Tiếng Anh còn giúp đỡ học sinh thực hiện phần Project trong mỗi đơn vị bài học một cách rõ ràng, giao nhiệm vụ để các em làm việc theo nhóm ngoài giờ học trên lớp và kiểm tra, đánh giá kết quả của các nhóm một cách công bằng, khách quan, tạo động lực để các em làm tốt nhiệm vụ được giao.

“Chúng tôi đã tạo nhiều sân chơi cho học sinh. Các hoạt động giáo dục tập thể theo chủ điểm được lồng ghép cả tiếng Anh và tiếng Việt như dẫn chương trình, hát tiếng Anh, thi vẽ tranh và trình bày bằng tiếng Anh, diễn kịch bằng tiếng Anh. Ban đầu, các em ngượng ngùng, rụt rè nhưng lâu dần trở thành thói quen giao tiếp nên hào hứng tham gia những hoạt động này”, cô giáo Cao Thị Đại cho biết thêm.

Với nỗ lực không ngừng của ban giám hiệu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách tổ chức dạy học trong Mô hình Trường học mới của đội ngũ nhà giáo, chất lượng dạy - học tại Trường THCS Him Lam tiến bộ vượt bậc. Hàng năm, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt của toàn trường luôn đạt xấp xỉ 90%. Không có học sinh hạnh kiểm trung bình và yếu. Mỗi năm, khoảng 60% học sinh có học lực giỏi, trường không có học sinh yếu. Ngày càng nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp và luôn đạt thành tích cao.

Sau thời gian nỗ lực với nhiều đổi mới, trình độ ngoại ngữ của cả thầy và trò Trường THCS Him Lam đều được cải thiện, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và yêu thích bộ môn ngoại ngữ hơn. Sự lo sợ, ngại ngùng, thiếu tự tin khi đứng trước đám đông của học sinh được thay bằng niềm đam mê.

“Dạo một vòng qua lớp học, dễ dàng nhận thấy các em biết dùng ngôn ngữ thứ 2 để biểu đạt được tình cảm, cảm xúc, quan điểm của mình với thầy cô, bạn bè”,cô Đại vui vẻ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ