Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và người nhà khi điều trị phục hồi chức năng là những giá trị mà nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hướng tới khi nghiên cứu dự án "Thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến".
Chủ nhân của dự án là các em: Đào Xuân Huy (lớp 11 Hóa 1), Hoàng Nam Khánh (lớp 10 Toán 1), Tô Khánh An (lớp 8C), Bùi Quang Minh (lớp 8B).
Chia sẻ về ý tưởng, trưởng nhóm Đào Xuân Huy cho biết: Theo tìm hiểu của chúng em, tại Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 người mắc tai biến mỗi năm. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Hệ quả của tai biến để lại đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là rất nặng nề.
Trong khi đó, hiện nay, trên thị trường, đa số các sản phẩm hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến có giá thành cao do nhập từ nước ngoài về, không phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết cho việc tạo ra các sản phẩm phục hồi và tái luyện chức năng cơ bắp.
Dự án xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024. |
Bắt nguồn từ nguyên nhân đó, nhóm học sinh đã “thai nghén” ý tưởng về thiết bị tích hợp nhiều yếu tố công nghệ và kỹ thuật hiện đại hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến.
Ở giai đoạn 1, dự án tập trung ứng dụng một số công nghệ làm nên sự khác biệt của sản phẩm như: Tích hợp các cảm biến để thu thập tình trạng sức khỏe và vận động của người dùng. Điều khiển bằng bảng điều khiển hoặc ứng dụng di động...
Về tính độc đáo của sản phẩm, Hoàng Nam Khánh - thành viên dự án cho biết: Thiết bị có giá cả phù hợp, độ chính xác cao, liên tục cập nhật những tính năng mới, dễ dàng tiếp cận và sử dụng, tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân, phù hợp với từng bệnh nhân, giảm chi phí phục hồi chức năng.
Thiết bị góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị của những phương pháp điều trị phối hợp khác, dễ dàng di chuyển và sử dụng tại nhà, giảm tải số lượng người bệnh cần phục hồi chức năng trực tiếp tại bệnh viện, nâng cao chất lượng phục hồi dựa theo số liệu thu thập thực tế.
Để đề tài sớm đi vào thực tế, nhóm sẽ có kế hoạch phát triển và phân phối sản phẩm, đưa sản phẩm vươn tới thị trường quốc tế.
Nhóm học sinh trong thời gian thực hiện dự án. |
Là người đồng hành cùng các em học sinh từ những ngày đầu tiên thực hiện dự án, cô Nguyễn Thùy Linh - giáo viên môn Vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Thực hiện dự án khởi nghiệp, các em đã lên ý tưởng thực hiện dự án từ khá sớm, từ đầu năm 2023 và nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo trong trường.
Mặc dù chỉ trong độ tuổi học sinh nhưng các em đã có cái nhìn rất sâu sắc, nhân văn với một vấn đề nóng của xã hội là hỗ trợ quan tâm đến nhóm người yếu thế - người bị liệt sau tai biến. Đây không chỉ là ý tưởng mang tính nhân văn mà còn rất thực tế khi số lượng người bị tai biến ngày càng tăng, nhu cầu hỗ trợ phục hồi rất lớn
Trong quá trình thực hiện dự án, các em gặp nhiều khó khăn. Ngoài kiến thức cơ bản về Vật lý, Công nghệ, Kỹ thuật, các em còn phải tìm hiểu về y học, gặp các bác sĩ hỏi han về triệu chứng, biểu hiện mà người bệnh gặp phải sau tai biến. Đó là khối lượng kiến thức lớn và là trải nghiệm đáng nhớ.
"Đạt được kết quả cao nhất từ cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp là niềm tự hào của thầy trò nhà trường. Từ những bước đi ban đầu, nếu tiếp tục phát triển, dự án sẽ đem lại giá trị lớn cho cộng đồng" - cô Nguyễn Thùy Linh nói.