Thiết bị đốt dầu thải không khí độc

GD&TĐ - Dầu nhớt thải, dầu ăn qua sử dụng… đều có thể được tận dụng để làm chất đốt. Đặc biệt, thiết bị lò đốt áp lực này không phát sinh khói và khí thải.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt và sản phẩm lò đốt áp lực không khói bụi.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt và sản phẩm lò đốt áp lực không khói bụi.

Tận dụng hàng trăm tấn dầu thải mỗi năm

Thay vì phải dùng đến than, củi… để đun nấu, người dùng hoàn toàn có thể tận dụng dầu nhớt thải, dầu ăn đã qua sử dụng làm chất đốt thay thế. Điều dường như không tưởng này được ông Huỳnh Tấn Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã liên kết công nông nghiệp Thái Dương (Bình Chánh, TPHCM) hiện thực hóa bằng thiết bị lò đốt áp lực. Điều đặc biệt hơn là thiết bị lò đốt này không tạo ra khói hay khí thải, giúp bảo vệ môi trường.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt cho biết, hàng năm một lượng rất lớn nhớt thải, dầu ăn đã qua sử dụng được đổ bỏ (khoảng 400 tấn/năm). Lượng lớn nguồn dầu, nhớt thải này làm ô nhiễm môi trường, mà chưa có giải pháp nào xử lý hiệu quả. Trong khi đó, lượng dầu nhớt thải có thể tận dụng làm chất đốt.

Theo ông Kiệt, việc gây ra ô nhiễm môi trường do chất đốt, cách đốt truyền thống và thiết bị đốt hiện nay thường gây ra nhiều khói bụi, làm ô nhiễm môi trường. Thiết bị ngoại nhập cũng không giải quyết được, chỉ bớt khi dùng dầu DO, nhưng giá thành cao, tiêu hao nhiều, từ 10 cho đến 50 - 60 lít/giờ.

Riêng dùng chất đốt như điện, gas thì giá thành cao, càng khó cạnh tranh. Nếu dùng củi, gỗ, trấu thì nhiều tro, bụi, gây nạn phá rừng. Đốt bằng than đá, than tổ ong, dầu DO, dầu điều cũng thải ra nhiều khí thải độc hại.

Với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong nghề cơ khí và sau khi sử dụng các thiết bị đốt trong nước và ngoại nhập, ông Kiệt nhận ra áp lực gió không đủ sức phân tán nhuyễn giọt dầu, nhất là không thể sử dụng được nhớt thải.

Vì vậy, cần phải có lực gió lớn hơn và hệ thống phân tán nhuyễn giọt dầu nhiều hơn. Với ý tưởng đó, ông đã nghiên cứu và chế tạo thiết bị lò đốt áp lực dùng gió áp lực cao hay gió turbo thay cho gió cánh quạt.

Theo đó, dầu được cung cấp vào ống ở trung tâm và gió thổi bao quanh trong ống với áp lực cao, sẽ cuốn dầu đi theo và phân tán nhuyễn dầu theo cấp số nhân và được đốt cháy hoàn toàn. Nhờ nguyên lý này, thiết bị không chỉ đốt được dầu DO, mà còn sử dụng trong việc đốt cả nhớt, dầu ăn thải ra mà các thiết bị khác không đốt được.

Đây chính là những điểm khác biệt cơ bản giữa thiết bị hiện có và thiết bị của ông Kiệt. Ngoài ra, so với các thiết bị khác (thường sử dụng mạch điện để điều khiển) thì lò đốt áp lực không khói chỉ cần ngưng cung cấp nhớt là ngừng hoạt động, nên rất dễ dàng sử dụng.

Mặt khác, các thiết bị hoặc lò đốt khác cần phải dỡ tro sau khi đốt. Trong khi đó, thiết bị sử dụng nhớt thải không cần phải dọn dẹp nhiều, do phát sinh rất ít phế thải. Với thiết bị này, các cơ sở quy mô nhỏ sẽ không cần phải di dời khỏi khu dân cư, bởi khắc phục được tình trạng ô nhiễm do khói, bụi.

Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Ông Huỳnh Tấn Kiệt cho biết, chỉ cần 1 lít nhớt thải để đốt lò nung, sấy trong vòng 1 giờ đồng hồ với mức nhiệt có thể lên tới 1.000 độ C. Vì vậy, thiết bị có thể được ứng dụng trong ngành nấu nhôm, nhựa phế liệu, đốt chất thải lỏng nguy hại, sấy, tiệt trùng nông sản sau thu hoạch, chưng cất các loại tinh dầu…

Kết quả khí thải do Viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động TPHCM phân tích tại ống thoát khí của hệ thống sấy bằng thiết bị lò đốt áp lực dùng nhớt thải đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thiết bị này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận giải pháp hữu ích.

Hiện nay, lò đốt áp lực không khói đã được nhiều nơi sử dụng như Hợp tác xã Thái Dương (Bình Lợi, Bình Chánh, TPHCM), dùng trong việc sấy xơ dừa, lá cọ dầu; trong sản xuất đậu hũ, chưng cất tinh dầu, sấy nông sản ở Tân Phú, Củ Chi (TPHCM); HTX Công nông nghiệp Thái Dương (Bình Chánh), để tái chế lon bia nấu nhôm; sấy bắp ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai); nấu đường phèn (An Giang); sấy gỗ, nông sản thực phẩm, làm đậu hũ (quận Tân Phú, TPHCM)…

Ông Huỳnh Tấn Kiệt cho biết, sản phẩm lò đốt này là tâm huyết nhiều năm nghiên cứu của ông. Trước đây, ông làm nghề nấu đồng, nhôm. Nhưng vì nghề này phát sinh nhiều khói bụi nên từ năm 1985, Nhà nước yêu cầu di dời cơ sở ra ngoại thành.

Đây là bước chuyển để ông nghĩ đến việc thiết kế sản phẩm lò đốt. Sau nhiều lần cải tiến, thử nghiệm, sản phẩm hiện có đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về môi trường, được nhiều cơ sở sản xuất sử dụng. Hiện nay, ông sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ