Sáng 4/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Nhiều kỷ lục thiên tai trong năm 2020
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2020, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn biến hết sức phức tạp, dị thường với tổng số gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực.
Số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn. Mưa, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích. Tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD.
Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai. Trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới.
Có 265 trận dông, lốc sét. 120 trận lũ quét, sạt lở đất. 90 trận động đất. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, sụt lún đê biển nghiêm trọng. Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT cho biết, tại Việt Nam, năm 2020 là một năm của dịch bệnh và thiên tai cực đoan. Nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét kèm mưa đá dịp Tết Canh Tý ở Bắc Bộ.
Thiếu hụt nước và xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng và khốc liệt hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung. Bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây...
Công tác dự báo thiên tai đã được cải tiến. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo bão sớm trước 5 ngày. Dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày.
Dự báo trước 2 - 3 ngày các trận mưa lớn diện rộng với độ tin cậy khoảng 75%. Các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24 - 48 giờ. Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được cung cấp 6 giờ/lần và cập nhật liên tục các bản tin nhanh khi xuất hiện mưa lớn, gây nguy cơ lũ quét sạt lở đất.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất. Mới chỉ cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Nguyên nhân là do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình.
Thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.
Năm 2021 còn 12 - 14 cơn bão
Theo nhận định, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông. Ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị tiếp diễn.
Hiện tượng ENSO sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính từ tháng 6 với xác suất khoảng 70 - 80%, sau đó tiếp tục duy trì trung tính đến đầu năm 2022. Trong những năm chuyển pha của ENSO, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh. Vì thế, cần đề phòng các cơn bão có cường độ, quỹ đạo phức tạp, mưa lớn cục bộ.
Từ tháng 6 năm 2021, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Dự báo số lượng bão, ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng 12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5 - 7 cơn). Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021.
Trong 6 tháng cuối năm 2021 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7 - 9 và tháng 10 - 12 ở Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn có khả năng tập trung trong các tháng 10 - 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ
Mùa khô năm 2020 - 2021, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Trong mùa lũ năm 2021, đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1, 2 và trên báo động 2.