Thời gian qua, công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đạt những kết quả ấn tượng và được cộng đồng quốc tế công nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương trong năm nay, khi mà nhiều quốc gia vẫn phải vật lộn với đại dịch.
Trong bối cảnh các quốc gia đang hướng tới nền kinh tế xanh và phục hồi xanh hậu Covid-19, câu hỏi được các chuyên gia của WB đặt ra là Việt Nam có thể áp dụng những bài học với Covid-19 để ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu như thế nào?
Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12/2020 chiều 21/12/2020, ông Jacques Morisset, Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chỉ ra ba yếu tố mà Việt Nam giúp Việt Nam ứng phó tốt với Covid-19.
Thứ nhất là tầm nhìn rõ ràng khi mà ngay từ đầu Việt Nam đã biết mình phải làm gì và lập các ban chỉ đạo từ đầu tháng 2. Thứ hai là năng lực khi Việt Nam sẵn sàng phân bổ nguồn lực tài chính phục vụ quản lý cuộc khủng hoảng. Và cuối cùng là sẵn sàng cho phép thử nghiệm và áp dụng các cách làm mới.
Ở yếu tố cuối cùng, ông Morisset nhận định Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nền tảng đổi mới, sáng tạo để báo cáo các ca nhiễm theo thời gian thực, truy vết, khai báo điện tử... Kết hợp với các phương tiện truyền thông truyền thống, điều này giúp Việt Nam truyền thông và liên lạc nhanh chóng trong cuộc chiến chống Covid-19. Sự kết hợp của yếu tố động lực và chế tài đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của người dân trong thời kỳ bình thường mới.
"Việt Nam đã ứng phó với đại dịch Covid-19 rất tốt, vậy tại sao lại chưa làm tốt đối với biến đổi khí hậu - một vấn đề cũng gây tổn thất nặng nề và mang tính cấp bách như đại dịch?", ông Morisset đặt câu hỏi khi trình bày báo cáo.
Nói về tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam lấy ví dụ về ô nhiễm không khí. Mỗi năm, ô nhiễm khiến khoảng 60.000 người tử vong tại Việt Nam mỗi năm, gây thiệt hại khoảng 400.000 USD/ca tử vong. Theo đó, Việt Nam tổn thất tới 23 tỷ USD mỗi năm do ỗ nhiễm không khí. Ước tính, các tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai ở miền Trung có thể lấy đi 6-8% GDP của Việt nam mỗi năm.
"Đại dịch Covid-19 đúng là một vấn đề cấp bách nhưng các vấn đề liên quan tới môi trường cũng cần được ứng phó theo tinh thần cấp bách như vậy", ông Morisset nhận định.
Báo cáo của WB chỉ ra một số bài học từ công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 mà Việt Nam có thể áp dụng để chống biến đổi khí hậu.
Thứ nhất là phải sẵn sàng và có hành động nhanh trong việc chăm lo cho môi trường và có cơ hội trở thành nước tiên phong trong phục hồi xanh.
"Khi đó, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Có thể thấy không có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường ở đây bởi vì chi phí cho việc không quan tâm tới môi trường thậm chí còn lớn hơn", ông Morisset cho biết.
Bài học thứ hai là liên quan tới quá trình triển khai giống trong ứng phó Covid-19. Đó là kết hợp tầm nhìn, năng lực và động lực khuyến khích.
"Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn và hoàn toàn có năng lực để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Tạo động lực là một yếu tố vô cùng quan trọng, cần kết hợp giữa truyền thông thông tin về biến đổi khí hậu tương tự như Covid-19 để tăng cường nhận thức và tạo động lực để có thêm nhiều người dân, doanh nghiệp cùng có hành động để giải quyết vấn đề", ông Morisset nói. "Ngoài củ cà rốt, cũng cần phải sử dụng cây gậy để thay đổi hành vi".
Thứ ba là nếu muốn người dân đi đúng hướng và quan tâm tới vấn đề môi trường, các nhà hoạch định chính sách phải làm sao có được lòng tin của họ, giống như trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bài học cuối cùng là về việc cung cấp và chia sẻ thông tin. Ông Morisset chỉ ra rằng chỉ khi biết rõ điều gì đang xảy ra thì người dân, doanh nghiệp mới có thể điều chỉnh hành vi, tương tự như khi ứng phó với đại dịch Covid-19.
"Kết hợp với những động lực khuyến khích, tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đi tiên phong trong ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường. Và nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, môi trường và biến đổi khí hậu cần được xem là một trong những trọng tâm quan trọng của chính phủ Việt Nam", kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam nhận định