Chưa bám sát thực tế
Từ ngày 15/1/2019, khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực, việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có những thay đổi. Nghị định quy định việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức sẽ diễn ra trong 2 vòng: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Xét tuyển công chức, viên chức: Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại phiếu đăng ký dự tuyển; Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.
Chuyện thừa - thiếu giáo viên, buộc phải chấm dứt - tuyển thêm giáo viên hợp đồng là việc bất đắc dĩ phải làm bởi chính những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương lâu nay. Thực tế không riêng Hà Nội mà trên cả nước, có nhiều thầy cô giáo đã có hợp đồng 10 năm, 20 năm, thậm chí 24 năm vẫn không vào được biên chế.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do việc lập kế hoạch tuyển dụng không bám sát điều kiện thực tế cũng như không dự đoán được biến động của nhu cầu tuyển dụng giáo viên.
Cơ chế tuyển giáo viên hiện nay là giao chỉ tiêu từ Trung ương xuống mà không căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương. Nhân lực thuộc ngành GD-ĐT nhưng biên chế do Bộ Nội vụ quy định là một nguyên nhân khiến việc tuyển dụng giáo viên có nơi thiếu, có nơi thừa.
Cán bộ quản lý của các trường có nhu cầu tuyển dụng cần được trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng. Ảnh minh họa/ INT |
Khắc phục bất cập
Tình trạng tuyển dụng giáo viên nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa xảy ra cục bộ tại nhiều địa phương là vấn đề nóng thời gian qua. Vấn đề đặt ra là nên thi tuyển hay xét tuyển?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đặng Bá Lãm, nghiên cứu viên cao cấp Viện KHGDVN, Trưởng ban Khoa học và Dịch vụ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Không nên quy định cứng nhắc xét tuyển hay thi tuyển mà tùy từng trường hợp cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị, nhu cầu của một số trường… Ví dụ như, một trường đang cần giáo viên thể dục chuyên ngành bơi, nhưng lại điều đến người có chuyên ngành vật lý, hay trường thiếu giáo viên dạy Địa lý lại điều về giáo viên dạy Ngữ văn...
Cho rằng, công tác tuyển dụng sẽ thực sự trở thành khâu quan trọng trong việc lựa chọn những giáo viên có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, lòng nhiệt tình, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: Không nên đặt vấn đề hình thức tuyển dụng thế nào mà là cách thực hiện ra sao để bảo đảm công bằng, khách quan, nhất là đối với những GV hợp đồng công tác lâu năm và có thành tích tốt. Việc tuyển dụng nên phân chia thành nhiều đối tượng và mỗi đối tượng có hình thức tuyển dụng khác nhau cho phù hợp với tình hình thực tế.
Giải pháp về lâu dài, kiến nghị Chính phủ khi thực hiện Luật Viên chức cần tính tới đặc thù của nghề giáo. Nên thống nhất về một đầu mối theo hướng nhân lực ngành Giáo dục phải do ngành Giáo dục quản lý, tuyển dụng, tránh tình trạng tréo ngoe như hiện nay là ngành Giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng, về chương trình đào tạo nhưng một trong những yếu tố quyết định chất lượng là tuyển dụng giáo viên lại do ngành Nội vụ thực hiện.
Theo PGS.TS Đặng Bá Lãm, để khắc phục hạn chế này, nếu thi tuyển, các khâu như thi lý thuyết, thực hành cần có camera ghi hình để giám sát, bảo đảm tính khách quan và làm căn cứ sau này phục vụ yêu cầu phúc khảo của thí sinh. Thành viên ban giám khảo phải là những người có trình độ, uy tín, công tâm. Cán bộ quản lý của các trường có nhu cầu tuyển dụng cần được trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng.
Công tác tuyển dụng sẽ thực sự trở thành khâu quan trọng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường, mà còn tạo sự tin tưởng trong đội ngũ nhà giáo và nhân dân.