Tại thị trường nội địa, mỗi tháng đang có khoảng 90 nghìn người quay trở lại với việc làm sau thời gian giãn cách xã hội… Những thông tin cho thấy, thị trường lao động đang có chuyển biến với nhiều điểm sáng tích cực.
Những dấu hiệu phục hồi
Theo Bộ LĐ,TB&XH, Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho người dân gặp khó khăn, người lao động bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19. Việt Nam cũng duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định xã hội. Thị trường lao động đã từng bước phục hồi.
Trong tháng 5/2020, đã có trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36,1% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%...
Về các hoạt động giao dịch việc làm, ngay sau thời gian cao điểm cách ly xã hội, Sở LĐ,TB&XH và Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm các tỉnh đã mở nhiều phiên giao dịch trực tuyến. Qua đó đã kết nối hàng trăm nghìn người lao động với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, phiên giao dịch việc làm kết nối 11 tỉnh, thành do Cục Việc làm chỉ đạo tổ chức trong tháng 6 đã thu hút gần 3 nghìn lao động và 250 doanh nghiệp tham gia, với hơn 29 nghìn vị trí việc làm. Ngoài ra, các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, triển khai BHTN, tư vấn việc làm, học nghề, qua đó rút ngắn thời gian tìm việc cho người lao động…
Dưới tác động của các chính sách điều hành quản lý vĩ mô, đến nay bức tranh thị trường lao động Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi nhanh chóng. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra. Chỉ tính riêng trong tháng 6, đã có 120 nghìn lao động được giải quyết việc làm.
Các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã bắt đầu quay lại thị trường. Lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài trong quý II hầu như không thực hiện được. Tuy nhiên trong tháng 7 và 8 gần như chắc chắn sẽ được mở lại.
Dự báo thị trường lao động quý III sẽ tốt hơn. Dự kiến, lực lượng lao động đạt khoảng 55,4 triệu người. Số người mất việc quay lại thị trường duy trì ở mức 80 - 90 nghìn người mỗi tháng. Các ngành nghề như thương mại điện tử, lắp ráp linh kiện điện tử… dự kiến có nhu cầu tuyển dụng cao.
Giải bài toán "đứt gãy" chuỗi cung ứng
Mặc dù đang trên đà phục hồi, nhưng thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những rủi ro khi phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2020 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Số lao động có việc làm giảm.
Số lao động duy trì ở mức 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu lao động có việc làm so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp cả nước là 2,26%. Tỷ lệ thiếu việc làm chung của người lao động trong 6 tháng đầu năm là 2,58%. Một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ gần như không được triển khai trong quý II.
Dự báo thất nghiệp thật sự vẫn có thể rơi mạnh vào cuối quý III, đầu quý IV. Đó là do khả năng thiếu nguyên phụ liệu, hàng hóa không xuất khẩu được dẫn đến nguy cơ lao động phải ngừng việc quy mô lớn. Nhất là một số khu vực sản xuất giày da, dệt may… Bởi quý II mới là thử thách bắt đầu, chủ yếu do "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nên người lao động mới chỉ ngừng việc tạm thời, đây là vấn đề lao động việc làm cần đặc biệt lưu ý.
Trong một giải pháp mới nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề xuất Chính phủ nhanh chóng nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ. Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn vay tới tháng 12 để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, từ đó bảo đảm cho đà phục hồi của thị trường lao động.