Thị trường lao động Nhật Bản: Vẫn còn dư địa

GD&TĐ - Lao động di cư ra nước ngoài làm việc đã trở thành một trong những xu thế tất yếu của toàn cầu hóa.

Người lao động cao tuổi tại Nhật Bản ngày càng nhiều do sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở nước này. Ảnh: Nikkei
Người lao động cao tuổi tại Nhật Bản ngày càng nhiều do sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở nước này. Ảnh: Nikkei

Đặc biệt, tại các nước có cơ cấu dân số không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước, việc thu hút lao động từ nước ngoài đang trở thành một biện pháp cần thiết. Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, chiếm hơn một nửa trong tổng số lao động được đưa đi.

Nỗi lo của quốc gia dân số “già”

Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản trong 5 năm trở lại đây như sau: Năm 2018 có 68.737 người, năm 2019 là 82.703 người, năm 2020 có 38.891 người, năm 2021 là 19.510 người, năm 2022 là 67.295 người, năm 2023 đạt gần 80.000 người.

Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có tổng cộng 78.640 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 40.596 lao động.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với 518.364 lao động, tăng 63,6% trong 5 năm.

Là đất nước có dân số già nhất thế giới, số lượng người trên 65 tuổi tại Nhật Bản đạt hơn 36 triệu người, chiếm khoảng 29% dân số năm 2022, vượt xa các nước phát triển khác. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 35,3% tổng dân số Nhật Bản vào năm 2040 và có thể lên tới 40% vào năm 2060. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh của Nhật Bản cũng liên tục giảm, trung bình khoảng 2,5%/năm trong thập niên qua.

Sự già hoá về dân số được thể hiện rõ khi số người cao tuổi ngày càng tăng, số trẻ em được sinh ra lại ngày càng giảm. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời) của Nhật là 1,26. Với việc số người tử vong vượt qua số ca sinh trong một thập kỷ qua, dân số nước này đến nay đã giảm liên tục 14 năm.

Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản dự báo, dân số nước này vào năm 2070 sẽ giảm gần 1/3, còn khoảng 86,9 triệu người, trong đó, người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 40%.

Tình trạng già hóa dân số gia tăng liên tục với tốc độ nhanh chóng đã khiến đất nước được mệnh danh là “gã khổng lồ” về kinh tế phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Già hóa dân số làm suy giảm lực lượng lao động, thiếu hụt lao động. Đây đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của Nhật Bản. Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chăm sóc điều dưỡng, ngành dịch vụ lưu trú và xây dựng đang gặp khó khăn.

thi-truong-lao-dong-nhat-ban2-5652.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Tích cực khai thác lao động nước ngoài

Dữ liệu do Teikoku Databank (chuyên cung cấp những bản điều tra đáng tin cậy về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp - PV) tổng hợp cho thấy, tại Nhật Bản, trong số hơn 27 nghìn công ty tham gia khảo sát trong tháng 4/2024, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thông tin. Hơn 70% các công ty trong ngành không có đủ nhân công. Do đó, bất chấp sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), họ đã phải từ bỏ các dự án vì không đủ nguồn lực.

Lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động từ các nước châu Á, trong đó Việt Nam chiếm một tỷ lệ lớn, đã trở thành nguồn nhân lực chủ chốt giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề này. Theo nhận định của các chuyên gia, trên thị trường lao động quốc tế hiện nay, vì thiếu nhân lực, các quốc gia như Nhật Bản đã xây dựng chính sách tương đối cởi mở. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn đưa ra những yêu cầu nhất định đối với lao động nhập cảnh như điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ.

Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, tính tới nay có khoảng 350 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Nước ta đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Hiện nay có gần 220 nghìn thực tập sinh kỹ năng, gồm chương trình phi lợi nhuận do tổ chức IM Japan tổ chức, tiếp nhận trên 9.000 người.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam lựa chọn.

Ông Phạm Viết Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.

Nhiều chương trình, dự án như thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc định, đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên... được Bộ LĐTBXH Việt Nam phối hợp với Nhật Bản triển khai đã đưa nhiều người lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, những chương trình này đang phát huy hiệu quả, thu hút hơn 500 nghìn người lao động Việt Nam.

Việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, cơ hội cho người lao động sang làm việc tại Nhật Bản thông qua con đường xuất khẩu lao động càng trở nên thuận lợi hơn. Xét về nhiều góc độ, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đang là một trong số những thị trường tiếp nhận lao động tiềm năng nhất hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.