Mở rộng thị trường lao động: Chất lượng nguồn nhân lực là tiên quyết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xuất khẩu lao động (XKLÐ) đã “vượt đích” khi số lượng người đi làm việc ở nước ngoài đã đạt và vượt chỉ tiêu năm 2023.

Xuất khẩu lao động năm 2023 sớm về đích, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Xuất khẩu lao động năm 2023 sớm về đích, vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Dù đây là tín hiệu tích cực, song để phát triển nguồn lao động xuất khẩu theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững thì cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng.

Đảm bảo ổn định thị trường lao động

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, trong tháng 11/2023 cả nước đã đưa được 13.511 lao động (5.833 lao động nữ) đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, các thị trường: Nhật Bản 6.804 lao động (3.830 nữ), Đài Loan (Trung Quốc) 3.907 lao động, Hàn Quốc 1.857 lao động, Trung Quốc 116 lao động, Singapore 121 lao động, Hungary 221 lao động, Ba Lan 31 lao động, Hồng Kông (Trung Quốc) 7 lao động, Malaysia 20 lao động...

Trong 11 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động, đạt 121,8% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 - 120.000 lao động). Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm hơn một nửa số lao động đưa đi, dẫn đầu trong các thị trường với 74.354 lao động.

Với sự gia tăng về số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Việt Nam hiện là nước đứng đầu cả về mặt số lượng sang làm việc hàng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 quốc gia phái cử thực tập sinh/lao động sang Nhật Bản. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.

Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện từ năm 1992, đến nay đã có trên 500.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình: Thực tập kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường các biện pháp ổn định thị trường lao động truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục xúc tiến mở rộng thêm các thị trường mới, có thu nhập tốt, việc làm ổn định, đặc biệt tại các nước châu Âu, để tăng cơ hội cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm và được phía bạn đánh giá rất cao.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước luôn được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, nhiều văn bản về phối hợp hợp tác song phương, lao động kĩ thuật cao được kí kết với các nước.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Phát triển nguồn lực

Công ty TNHH DeTech là một trong những doanh nghiệp đã nhiều năm tuyển dụng lao động tại Ninh Bình đi làm việc trong và ngoài nước. Công ty đã tìm kiếm các thị trường mới, hợp đồng thu nhập cao cho người lao động. Nhưng đối với các thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về chất lượng của lao động cũng được đề cao.

Ông Hà Xuân Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty TNHH DeTech nhìn nhận, lao động tại địa phương chủ yếu là làm nông nghiệp, tỷ lệ được đào tạo nghề còn thấp; kỹ năng, tay nghề và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tính chuyên nghiệp trong làm việc nhóm và năng lực sử dụng ngoại ngữ hạn chế. Vì vậy, để có thể du nhập thị trường nước ngoài, đòi hỏi người lao động cần trau dồi nhiều kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn.

Công ty Cổ phần hợp tác Lenmich chủ yếu tuyển dụng lao động sang làm việc tại Nhật Bản và Ðài Loan. Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển dụng lao động đi XKLĐ cùng việc tập trung tuyên truyền đến từng địa bàn, công ty nắm và hiểu rõ những điểm yếu mà lao động trong nước gặp phải như: Kỹ năng chuyên môn còn thấp, yếu về ngoại ngữ; dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực XKLÐ, ông Quách Mạnh Hưng - Giám đốc Trung tâm đào tạo Nhật Bản, Công ty Cổ phần hợp tác Lenmich cho biết, để đào tạo nghề, kỹ thuật cho lao động, công ty đã mời các giảng viên có tay nghề cao đến giảng dạy. Ðiều này giúp người lao động có kỹ năng nghề tốt, tự tin trước khi sang nước ngoài làm việc.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ đi làm việc. Ngoài ra, các địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động xuất khẩu, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận, giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp; chú trọng kết nối doanh nghiệp XKLÐ với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo. Khuyến cáo người dân trong độ tuổi lao động phải học nghề.

Các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðối với chính quyền các cấp, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến để người lao động nắm bắt nhu cầu thị trường để chủ động học tập, tích cực trang bị cho mình kiến thức trước khi XKLÐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.