Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM: Cung thừa thãi, cầu thờ ơ!

Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM: Cung thừa thãi, cầu thờ ơ!

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các khu vực quận 1, 3 ,5  và một loạt quận vùng ven cho thấy người kinh doanh trả mặt bằng khá nhiều. 

Giá thuê giảm mạnh 

Các tuyến phố có nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán quần áo như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Nguyễn Trãi (quận 1) hay Điện Biên Phủ (Quận 3) chủ nhà treo bảng cho thuê nhà, mặt bằng kinh doanh nhiều nhan nhản. 

Khảo sát mới nhất của CBRE Việt Nam (tháng 4/2020) về xu hướng thuê mặt bằng kinh doanh mùa dịch Covid-19 cũng cho thấy rõ sự sụt giảm này khi tới 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh sáu tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn. 

43% khách thuê tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% đến 30% trong năm 2020. 61% khách thuê tham gia khảo sát chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà. 27% khách thuê tham gia khảo sát mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của khách thuê đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.

Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM: Cung thừa thãi, cầu thờ ơ! ảnh 1
Một chủ cửa hàng di động có cửa hàng tại đường Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM vừa trả mặt bằng vì không chịu nổi giá thuê

Thực tế, 3 tháng sau Tết vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khá nặng, cũng như lệnh giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động kinh doanh buôn bán của những người kinh doanh gần như tê liệt, không thể buôn bán hoặc buộc phải đóng cửa. 

Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu nổi sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn khiến các chủ mặt bằng cho thuê cũng phải chung vai giảm giá hỗ trợ người thuê. 

Khảo sát trực tiếp người thuê và chủ cho thuê của CBRE Việt Nam cho thấy: Bắt đầu từ tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50-100% tiền thuê mặt bằng trong 1-2 tháng. Riêng đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm tùy thuộc chủ nhà, nhưng ghi nhận từ khảo sát cho thấy, thường rơi vào 20-30% nếu có giảm. 

Thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong quý I/2020, cũng cho thấy: Doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM: Cung thừa thãi, cầu thờ ơ! ảnh 2
Khảo sát về xu hướng thuê mới nhất từ CBRE Việt Nam

Người thuê vẫn ngán ngại, e dè

Ông Trần Việt Thái- Chủ một trung tâm Anh ngữ trên đường Lê Lợi, Quận 9 cho biết: ông buộc phải trả mặt bằng đang thuê hàng tháng với giá 50 triệu, cũng như chấp nhận mất tiền cọc nửa năm vì không thể chịu nổi suốt 4 tháng qua vì không thể hoạt động và không có nguồn thu. 

"Thà tôi chấp nhận mất một khoản chi phí lớn trước mắt còn hơn là phải dây dưa, cầm cự thêm vài tháng với chi phí quá lớn. Đó là chưa kể dự báo hết dịch phải vài tháng họa may mọi hoạt động mới có thể trở lại bình thường như cũ. Dù chủ nhà có giảm giá thuê 30% mặt bằng hàng tháng cho tôi đến hết tháng 5/2020 nhưng tôi vẫn quyết định trả để tìm đường khác tái đầu tư hoạt động trung tâm" - ông Thái nói. 

Còn tại các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM, CBRE Việt Nam cũng ghi nhận lưu lượng khách đến mua sắm giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra. CBRE Việt Nam cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020, nhiều khả năng tỉ lệ trống tại khu vực trung tâm thương mại sẽ được giữ ổn định đến cuối năm. 

Tuy nhiên, trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9 khiến tỉ lệ trống gian hàng sẽ tăng mạnh. Nguồn cung tương lai tại TP.HCM có thể sẽ giảm 76% và chủ đầu tư chắc chắn phải tính đến bài toán giảm mức cho thuê nhưng tâm lý người doanh trong thời điểm này lại khá e dè khi bỏ dòng tiền lớn ra để tái đầu tư, phục hồi kinh doanh. 

Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM: Cung thừa thãi, cầu thờ ơ! ảnh 3
Kinh doanh ế ẩm nhiều chủ cửa hàng buộc phải trả mặt bằng thuê trước thời hạn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ