Thi tốt nghiệp THPT: Không “bỏ lọt” học sinh

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường học tại Nghệ An đang tăng cường ôn thi tốt nghiệp THPT theo sát từng đối tượng học sinh.

Giờ ôn tập môn Toán của cô trò Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Giờ ôn tập môn Toán của cô trò Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Với trường vùng cao, có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều nơi tổ chức học 3 ca/ngày. Học sinh đều được bồi dưỡng, phụ đạo với nội dung, mức độ kiến thức và thời lượng ôn tập phù hợp.

Học sinh nội trú ôn tập 3 ca/ngày

Năm học 2020 - 2021, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An có 173 học sinh lớp 12. Từ khi vào lớp 10, các em được kiểm tra và phân chia lớp theo năng lực, thế mạnh cũng như định hướng môn khối.

Theo thầy Phan Đình Trường – Phó Hiệu trưởng nhà trường, so với các trường THPT công lập lân cận, xuất phát điểm của học sinh dân tộc nội trú thấp hơn nhiều. Vì vậy, để vực dậy những học sinh với điểm trung bình đầu vào chưa đạt 5 điểm/môn, nhà trường phải phân nhóm để có hình thức, phương pháp dạy học phù hợp cũng như mức độ kiến thức tương ứng.

Đến năm lớp 12, cơ bản học sinh đã tự xác định được nguyện vọng, mục tiêu của mình. Hiện, khối 12 của Trường PT DTNT THPT tỉnh Nghệ An có 3 lớp chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên với 84 học sinh, 3 lớp còn lại thi tổ hợp môn Khoa học xã hội. Sau khi có đề thi tham khảo, nhà trường chuyển sang tăng cường ôn tập giai đoạn 2 cho học sinh. Trong đó, giao các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi minh họa để bổ sung vào ma trận đề thi cho học sinh.

Một điểm thuận lợi của Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An là được chọn thí điểm xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao. “Chúng tôi được chủ động trong xây dựng chương trình nhà trường và học 2 ca sáng - chiều. Trong đó buổi chiều không học quá 3 tiết chính khóa. Thời gian còn lại có thể bổ trí để bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT. Buổi tối, nhà trường tổ chức cho học sinh tự học có hướng dẫn, quản lý của giáo viên từ 19 giờ 30 phút – 22 giờ 30 phút. Để học sinh tham gia thi thử trên mạng Internet để rèn luyện kỹ năng làm bài thi, hệ thống kiến thức”, thầy Phan Đình Trường cho hay.

Cô Ngô Thị Kim Thoa – giáo viên Toán, Trường PT DTNT THPT tỉnh Nghệ An đang phụ trách dạy và ôn thi cho lớp khối C. Theo cô Thoa, mục tiêu của các em chỉ cần đạt đủ điểm trung bình môn Toán để xét tốt nghiệp. Vì vậy, giáo viên chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. Một đặc trưng của học sinh DTTS là các em học rất nhanh quên. Vì vậy, giáo viên phải dày công hơn, dạy đi dạy lại nhiều lần.

Tại Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An, việc ôn thi cho học sinh lớp 12 cũng bước vào giai đoạn nước rút. Thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Đây là quãng thời gian các em có “sức bật” nhất trong 3 năm học. Bởi hầu hết học sinh của trường có nguyện vọng vào ĐH và đã xác định ngành học, mục tiêu đạt bao nhiêu điểm tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài giờ học trên trường, học sinh được tạo điều kiện học ở thư viện, phòng tin và học nhóm cùng nhau tại nhà nội trú.

Với môn thi tự luận, cô Bùi Thị Lệ Thu - giáo GV Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi cho học sinh ôn tập và làm quen với đề thi các năm. Thời gian tới, thầy cô sẽ tăng cường kỹ năng làm bài, giúp học sinh nhận biết từ khóa, “câu lệnh” để không bị lạc đề, xác định trúng trọng tâm câu hỏi, đạt điểm tốt nhất trong bài thi.

Ngoài giờ chính khóa, học sinh trường dân tộc nội trú còn được phụ đạo vào buổi tối. Ảnh: TG
Ngoài giờ chính khóa, học sinh trường dân tộc nội trú còn được phụ đạo vào buổi tối. Ảnh: TG

Hỗ trợ tối đa cho học sinh

Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) cũng điều chỉnh kế hoạch ôn thi và tăng tiết học thêm đối với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội theo đăng ký của học sinh. Trước đó, học kỳ I, nhà trường chủ yếu ôn tập ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Mặc dù không thuộc diện nội trú, nhưng Trường THPT Con Cuông cũng có đa số học sinh người DTTS.

Theo thầy Hoàng Như Lâm – Hiệu trưởng nhà trường, hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, một số em ở trọ và hầu hết không có điều kiện học thêm ngoài. Vì vậy, việc học tập, ôn thi chủ yếu nhờ thầy cô, nhà trường. Để giúp các em thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất, Chi bộ Đảng nhà trường cũng phát động phong trào mỗi đảng viên đăng ký giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh.

Tương tự, học sinh Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có tới 80% học sinh ở các xã, bản cách xa trường, phải ở trọ đi học. Dù không có điều kiện tổ chức cho học sinh ở bán trú trong trường, nhưng công tác quản lý, theo dõi, phụ đạo được thầy cô quan tâm sát sao.

“Sau khi hoàn thành chương trình học, chúng tôi tiếp tục ôn thi miễn phí cho các em lớp 12. Bên cạnh đó, hàng năm vào thời điểm nước rút, nhà trường đều tổ chức phụ đạo vào buổi tối. Trong đó, sẽ lọc ra ở từng môn học sinh có nguy cơ điểm thấp để bồi dưỡng, tập trung dạy lại kiến thức cơ bản nhất, tránh để các em bị điểm liệt”, thầy Nguyễn Hồng Tư – Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.

Sở sẽ có văn bản tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các trường tổ chức ôn thi. Trước hết cần thành lập tổ nhóm chuyên môn phân tích đề thi tham khảo. Xác định các nội dung như phân bố câu hỏi trong đề (kiến thức lớp 11 và 12), về chủ đề, dạng câu hỏi và mức độ nhận thức. So sánh đề thi minh họa năm nay với đề thi chính thức 2020.
Từ đó xây dựng ma trận đề thi để học sinh tham khảo trong quá trình ôn tập. Phân loại học sinh theo mức giỏi - khá - trung bình để lựa chọn nội dung và mức độ kiến thức, thời lượng ôn tập phù hợp. Việc tổ chức ôn tập phải sát đối tượng và có kế hoạch cụ thể tương ứng. - Ông Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ