Ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS dân tộc thiểu số: Giáo viên dày công "hổng" đâu lấp đó

GD&TĐ - Việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã tạo tâm lý yên tâm cho thí sinh và nhà trường. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức kỳ thi cũng không có nhiều xáo trộn.

Cô trò Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An trong giờ luyện đề thi môn Toán.
Cô trò Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An trong giờ luyện đề thi môn Toán.

Thời điểm này, các trường THPT tại Nghệ An chủ động thực hiện kế hoạch dạy học theo sát đối tượng học sinh lớp 12 về nội dung, mức độ kiến thức và thời lượng ôn tập.

Năm học 2020 - 2021, Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An có 173 học sinh lớp 12. Thầy Phan Đình Trường – Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, so với các trường THPT công lập ở lân cận, xuất phát điểm của học sinh dân tộc nội trú thấp hơn nhiều. Từ điểm đầu vào, điều kiện học tập, thiếu thốn sự theo dõi sát sao từ gia đình. Thay vào đó, mọi sinh hoạt, học tập chủ yếu do thầy cô và nhà trường thay bố mẹ chăm lo, quản lý, giáo dục.

Cũng vì đặc thù này, mà ngay từ khi vào lớp 10, học sinh đã được kiểm tra và phân chia lớp theo năng lực, thế mạnh cũng như định hướng môn khối. Thầy cô cũng tăng cường rèn luyện ý thức tự giác, phương pháp tự học cho các em. Đến năm lớp 12, học sinh đã tự xác định được rõ ràng nguyện vọng và lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được giữ ổn định tạo tâm lý yên tâm cho thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được giữ ổn định tạo tâm lý yên tâm cho thí sinh.

Theo thầy Trường, hiện khối 12 có 3 lớp chọn tổ hợp môn KHTN với 84 học sinh, 3 lớp còn lại thi tổ hợp môn KHXH với 89 em. Sau khi có đề thi tham khảo, nhà trường chuyển sang tăng cường ôn tập giai đoạn 2 cho học sinh theo từng lớp đã được phân chia rõ ràng. Trong đó, giao các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi minh họa để bổ sung vào ma trận đề thi cho học sinh.

Cô Ngô Thị Kim Thoa – giáo viên Toán cho biết, hiện cô đang phụ trách dạy và ôn thi cho lớp khối C. Mục tiêu của các em chỉ cần đạt đủ điểm trung bình môn Toán để xét tốt nghiệp. Vì vậy, cô chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. "Một đặc trưng của học sinh DTTS là các em học rất nhanh quên. Vì vậy, giáo viên phải dày công hơn, dạy đi dạy lại nhiều lần, phát hiện “hổng” đến đâu thì lấp kiến thức đến đó" ,cô Thoa chia sẻ.

Ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS dân tộc thiểu số: Giáo viên dày công "hổng" đâu lấp đó ảnh 2

Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An có thuận lợi là được chọn thí điểm xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao. “Vì vậy, chúng tôi được chủ động trong xây dựng chương trình nhà trường và học 2 ca sáng – chiều. Trong đó buổi chiều không học quá 3 tiết chính khóa. Thời gian còn lại có thể bổ trí để bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT. Buổi tối, nhà trường tổ chức cho học sinh tự học có hướng dẫn, quản lý của giáo viên từ 19h30 đến 22h30. Ngoài ra thầy cô cũng linh hoạt các hình thức dạy học trực tuyến, giới thiệu học sinh tham gia thi thử trên mạng Internet để rèn luyện kỹ năng làm bài thi, hệ thống kiến thức”, thầy Phan Đình Trường cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.