Thi THPT quốc gia: Tránh mất điểm vì những lỗi không đáng có

GD&TĐ - Sinh là môn học không khó nhưng thí sinh rất dễ mất điểm nếu chủ quan. Vì thế, ngoài việc cần có kế hoạch ôn tập hợp lý, HS cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm; cần tránh một số lỗi thường gặp trong quá trình ôn thi và làm bài thi. 

Thi THPT quốc gia: Tránh mất điểm vì những lỗi không đáng có

Dưới đây là chia sẻ của 2 GV giỏi cấp thành phố. Họ đã được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2018.

Cô Phạm Thị Hạnh - GV Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội): Xác định “từ khóa” trong câu hỏi

Ở thời điểm này, các em cần kiểm tra lại kiến thức, năng lực của bản thân để xác định điểm số hiện tại mình có thể đạt được. Sau đó, xác định mục tiêu điểm số cần đạt ở thời điểm thi THPT quốc gia. Ngoài ra, các em cần xác định tỷ trọng của từng chủ đề kiến thức trong đề thi THPT quốc gia. Từ đó, phân bổ thời gian và mức độ cần ôn tập kiến thức cho hợp lý, nhằm đáp ứng được yêu cầu của đề thi và mục tiêu của bản thân.

Các em cũng cải thiện điểm số từ mốc hiện tại đến thời điểm thi THPT quốc gia theo các gợi ý sau: Xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc cải thiện điểm số về thời gian ôn tập, nội dung và mức độ ôn tập theo từng đơn vị kiến thức, kỹ năng cần cải thiện, nhất là trong việc xử lý từng loại câu hỏi trắc nghiệm. Mặt khác, các em cần chuẩn bị sức khỏe và tinh thần tốt trong quá trình ôn tập. Cùng với đó, các em cần làm việc đều đặn, bền bỉ và theo kế hoạch đã đề ra trong mỗi ngày, mỗi tuần.

Riêng đối với bài thi trắc nghiệm khách quan, khi làm bài các em cần phân tích và hệ thống hóa trong từng đơn vị kiến thức, theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Đặc biệt, cần rèn luyện kỹ năng trả lời câu hỏi trắc nghiệm theo các gợi ý như: Xác định dạng câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ dễ, khó của từng vấn đề kiến thức và rèn kỹ năng nhận biết, xử lý từng dạng đó. Xác định từ khóa một cách chính xác và đầy đủ trong phần dẫn của câu hỏi trắc nghiệm để có cơ sở tốt nhất cho việc lựa chọn đáp án đúng.

Cô Dương Thị Thu Hà - GV Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội): “Tăng tốc” luyện đề

Để có kỳ thi hiệu quả, các em nên cân đối giữa việc học, ăn uống, ngủ nghỉ để có thể trạng và tâm thế tốt nhất “vượt vũ môn”. Từ nay đến Kỳ thi THPT quốc gia thời gian không còn nhiều, vì thế các em cần có kế hoạch học tập hợp lý cho từng ngày, thậm chí là từng giờ.

Theo tôi, trong thời gian này các em có thể “tăng tốc” luyện đề thi. Việc luyện đề giúp các em thử sức và xác định mức độ kiến thức của mình đang ở ngưỡng nào và đạt bao nhiêu điểm. Từ đó có kế hoạch bổ sung kịp thời những phần mình chưa nắm vững. Lưu ý: Trong quá trình luyện đề, các em vừa làm, vừa tìm hiểu lại kiến thức và ghi chép lại những câu sai. Sau đó tìm nguyên nhân vì sao mình lại làm sai để lần sau không lặp lại điều này nữa.

Với bộ môn Sinh học có một số mẹo mà HS có thể dễ dàng vượt qua và “rinh” điểm về cho mình. Chẳng hạn như: Với những phát biểu đúng/sai, những thuật ngữ: “Mọi, luôn luôn, chỉ, tất cả, chắc chắn” thường là phát biểu sai; ngược lại thuật ngữ “có thể” thường là phát biểu đúng.

Ngoài ra, mỗi bạn tự đặt cho mình mục tiêu điểm phù hợp với năng lực và tìm cách giải quyết để đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, một bạn ôn và làm đề mải miết trong phạm vi 6 - 7 điểm, vậy mục tiêu của mình đạt 7.5 điểm là tối đa nhất. Chỉ nên tập trung làm những câu mức độ khá, những câu trong khả năng mình mà không nên loay hoay, mất thời gian với những câu khó, ngoài khả năng của mình. Vậy thì bí quyết “ăn điểm” tuyệt đối “phù hợp với mục tiêu của mình” là làm thật chính xác những câu mà mình chắc chắn làm được.

Các em cũng cần lưu ý, khi bắt đầu nhận được đề thi, hãy nhìn qua toàn bộ đề thi và nhận định tạm thời về mức độ dễ, khó của đề. Nên khoanh vùng những câu khó để tập trung làm những câu mà mình có thể “ăn điểm” tối đa. Điều này rất quan trọng, vì có thể giúp các bạn tránh bị rối nếu như đề thi không sắp xếp theo định dạng tăng dần từ dễ đến khó. Thực tế, có những trường hợp, khi gần hết giờ thí sinh mới phát hiện ra câu hỏi cuối cùng mới là câu dễ đạt điểm nhất, giống như mã đề thi môn Sinh của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Đặc biệt, HS cần lưu ý: Tuyệt đối tránh một số lỗi không đáng có. Thực tế, có nhiều thí sinh sau khi làm xong bài; sau khi biết đáp án, đối chiếu với phần trả lời của mình, đã thảng thốt kêu lên “em nhầm”. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do chưa nắm vững kiến thức; thứ nữa là do tâm lí, áp lực thi cử hoặc không cẩn thận khi làm bài. Cá biệt, có một số em chủ quan nên không kiểm tra lại đáp án của mình.

Khắc phục điều này, các em cần lưu ý một số điểm sau: Ngay trong quá trình luyện đề, các em đã biết mình chắc phần kiến thức nào và yếu phần nào. Vậy thì việc đầu tiên là các em phải ghi nhớ lại những kiến thức mình còn nhầm lẫn, để khi gặp lại dạng bài đó sẽ không bị lúng túng, mất điểm.

Vì thời gian thi diễn ra trong mấy ngày liên tiếp; có những buổi thi kéo dài 3 tiếng; vì thế trước ngày thi các em nên ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý và nên dành thời gian thư giãn. Những ngày này, các em không nên học quá sức, đặc biệt là không thức khuya, dậy sớm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Các em cần có một thể trạng tốt, tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi và tự tin làm bài.

“Sau mỗi buổi thi, các em không nên vội vàng vào mạng để tìm kiếm đáp án. Điều này có thể tác động không tốt đến tâm lý, làm ảnh hưởng đến buổi thi tiếp theo. Tốt nhất, sau khi hoàn thành kỳ thi, các em có nhiều thời gian đối chiếu đáp án của mình với đáp án của Bộ GD&ĐT để có định hướng thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau này” . Cô Dương Thị Thu Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ