Thí sinh không mang máy ghi âm, ghi hình: Giảm áp lực phòng thi

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình dù chỉ có chức năng ghi thông tin vào phòng thi. 

Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) hướng dẫn thí sinh ghi các thông tin cá nhân vào giấy làm bài thi.
Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) hướng dẫn thí sinh ghi các thông tin cá nhân vào giấy làm bài thi.

Loại bỏ cơ hội gian lận

Quy định thí sinh không được mang máy ghi âm, ghi hình dù chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đang được các thầy cô giáo rất quan tâm.

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: "Thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình dù chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu là phù hợp trong công tác thi cử. Vì nó không tạo áp lực đối với người làm công tác coi thi và cả thí sinh dự thi".

Theo phân tích của thầy Thụy, một khi thí sinh không được mang các phương tiện ghi hình, ghi âm vào phòng thi thì người làm công tác coi thi không phải lo lắng về các thiết bị có những chức năng được phép hay không được phép mang vào phòng thi, như thế sẽ tập trung hơn trong lúc làm nhiệm vụ.

Đối với thí sinh, khi không được mang các thiết bị vào phòng thi theo quy định thì các em không quan tâm đầu tư việc gian lận tài liệu, không có cơ hội lợi dụng các thiết bị để gian lận tài liệu thông qua các thiết bị và tất nhiên sẽ có tâm lí nhẹ nhàng khi làm bài.

Thí sinh Đà Nẵng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (điểm thi Trường THPT Trần Phú).

Thí sinh Đà Nẵng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (điểm thi Trường THPT Trần Phú).

Thầy Hà Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) khẳng định, nếu thí sinh đến điểm thi với một mục đích duy nhất là thi cử thì khi vào phòng thi, các em sẽ chỉ tập trung làm bài, không còn thời gian để có thể quan sát những diễn biến xung quanh mình nếu nó không gây ra những tiếng động lớn.

"Nếu nói một khi thí sinh không còn được đem các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình thì kỷ luật phòng thi sẽ bị buông lỏng là không có căn cứ. Bởi vì ngoài 2 cán bộ coi thi tại phòng thi thì còn có cán bộ giám sát, thanh tra ủy quyền của Bộ, thanh tra sở tại..."- Thầy Hà Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thủy.

Ngoài ra, thầy Trung còn cho biết, không phải cán bộ coi thi nào cũng có khả năng nhận biết được các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thì sự gian lận trong thi cử càng tinh vi, khó phát hiện.

Phần đông giáo viên đều là những người lớn tuổi, sự thành thạo về công nghệ không thể bằng lớp trẻ. Nếu chỉ dựa vào kiến thức công nghệ thì cán bộ coi thi khó phát hiện những gian lận ngày càng hiện đại này.

Nắm vững quy chế thi

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Lệ Thủy đã phối hợp với cơ quan công an huyện tổ chức 2 buổi nói chuyện về Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018 cho học sinh khối 12 và giáo viên nhà trường. Qua buổi nói chuyện chuyên đề, học sinh hiểu rõ rằng, đề thi, đáp án và các thông tin khác liên quan đến việc tổ chức các kỳ thi cấp quốc gia như thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia… đều là thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước, được pháp luật bảo vệ.

Cùng với công tác tập huấn quy chế thi cho giáo viên làm công tác thi và buổi tập trung phổ biến quy chế thi cho học sinh, buổi nói chuyện cũng là để nhắc nhở giáo viên và học sinh thêm một lần nữa phải nắm vững quy chế thi, nghiêm túc và trung thực khi tham gia dự thi.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nhận xét: "Khi vào phòng thi, thí sinh chỉ được mang những vật dụng cần thiết phục vụ cho việc thi: bút, bút chì, tẩy, thước kẻ, compa, máy tính cầm tay đúng quy định, atlat địa lí... và các vật dụng cá nhân khác như nước uống, khăn lau... Còn lại những vật dụng không cần thiết khác phải để lại ngoài phòng thi. Như vậy giám thị sẽ dễ kiểm soát phòng thi hơn khi trình độ công nghệ phục vụ cho việc gian lận thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện".

Thầy Hòa cho rằng, thiết bị ghi âm, ghi hình dù không có chức năng nghe, xem thực tế không hề phục vụ cho việc làm bài thi của thí sinh.

"Có người cho rằng thí sinh có thể đem các vật dụng này để ghi âm ghi hình những tiêu cực trong thi cử thì cá nhân tôi thấy không thuyết phục. Bởi trong một hội đồng thi, ngoài số lượng đông đảo thí sinh còn có các lực lượng khác như bảo vệ, phục vụ, công an, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát, thanh tra sở tại, thanh tra Bộ, lãnh đạo hội đồng thi... Ngoài ra còn có các cơ quan thông tấn báo chí để các em phản ánh những sai phạm, tiêu cực nếu có", thầy Hòa khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ