Thí sinh Hà Nội tâm đắc với đề Ngữ văn thi vào lớp 10

GD&TĐ - Theo nhận định của giáo viên, đề Ngữ văn thi vào lớp 10 của Hà Nội phần nghị luận xã hội rất thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy phản biện tốt.

Nhiều thí sinh ra về với nụ cười nở trên môi vì đề Ngữ văn được cho là vừa sức với các em. Ảnh: Đình Tuệ.
Nhiều thí sinh ra về với nụ cười nở trên môi vì đề Ngữ văn được cho là vừa sức với các em. Ảnh: Đình Tuệ.

Đúng 10h sáng 8/6, các thí sinh tại Hà Nội kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên năm học 2024-2025.

Đề thi không quá khó

Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức), các thí sinh ra về với tâm trạng khá thoải mái. Em Lưu Quang Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS Mỹ Đình 1 - quận Nam Từ Liêm cho hay, đề thi Ngữ văn rất vừa sức, không quá đánh đố thí sinh. Em đã sử dụng toàn bộ quỹ thời gian để tập trung làm bài.

Hoàng Anh Quân - học sinh Trường THCS An Khánh ra về trong tâm trạng thoải mái.

Hoàng Anh Quân - học sinh Trường THCS An Khánh ra về trong tâm trạng thoải mái.

Với Hoàng Anh Quân - học sinh Trường THCS An Khánh, hình ảnh người lính được đưa vào đề Ngữ văn khiến em rất tâm đắc. Suốt quá trình ôn tập vừa qua, em đã được cô giáo rèn rất kỹ các dạng đề để nhận biết đúng yêu cầu của đề, tránh lan man. Các tác phẩm văn học về chủ đề cách mạng luôn là chủ đề được đặc biệt chú trọng.

"Ở phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu học sinh viết về cách ứng xử của bản thân trước mong đợi của những người thân. Đây là một chủ đề liên quan đến thực tế khá rõ nét, em đã mất khoảng 20 phút cho phần này. Nhìn chung, đề hôm nay là phù hợp với sức học của em. Em hi vọng sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Hoài Đức B", Quân tâm sự.

Dù bị đau chân nhưng em Hồng Vân vẫn cố gắng làm tốt bài thi Ngữ văn của mình.

Dù bị đau chân nhưng em Hồng Vân vẫn cố gắng làm tốt bài thi Ngữ văn của mình.

Không may bị va chạm và phải bó bột chân phải, em Hồng Vân - học sinh Trường THCS Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) được bố đưa đến điểm thi Trường THCS An Khánh dự thi. Tại đây, lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ em di chuyển bằng nạng vào phòng thi để em tự làm bài thi theo quy định.

Nữ sinh này chia sẻ, với đề Ngữ văn hôm nay em hi vọng mình sẽ đạt từ 7 điểm trở lên. Nội dung các câu hỏi nằm trong chương trình các em đã được ôn luyện từ đầu năm. Ngoài ra, để giành được điểm cao thì thí sinh phải biết cách phân tích phần nghị luận xã hội về cách ứng xử trước kỳ vọng của người thân.

Đảm bảo tính phân hóa

Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức.

Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhận định, đề thi bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9, mức độ phù hợp với lực học trung bình khá và có độ phân hóa tốt. Đề có cấu trúc ổn định như đề thi nhiều năm trước của Hà Nội.

Phần 1 có biểu điểm 6,5 yêu cầu học sinh có kiến thức chắc chắn về bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu.

Câu 4 của phần 1 có sự phân hóa rất tốt đối với học sinh khi yêu cầu thí sinh phải nắm chắc nội dung của bài thơ Đồng chí; biết cách viết đoạn văn quy nạp và sử dụng đúng thành phần tình thái và thán từ. Câu 4 vừa kiểm tra kỹ năng viết văn nghị luận của học sinh, vừa kiểm tra kiến thức tiếng Việt, vừa kiểm tra kiến thức về bài thơ Đồng chí.

Cô Nga cũng cho rằng, phần 2 của đề thi ngữ văn Hà Nội khá hay. Phần này ngữ liệu hoàn toàn nằm ngoài SGK lớp 9. Yêu cầu học sinh phát biểu quan niệm, hiểu biết của mình về cách ứng xử trong cuộc sống. Phát biểu quan điểm của mình khi đứng trước những mong đợi của người khác đối với bản thân.

Ba câu hỏi của phần 2 có tác dụng kiểm tra kiến thức tiếng Việt và kiến thức xã hội của học sinh.

"Nhìn chung, cấu trúc đề thi Ngữ văn của Hà Nội vẫn ổn định như những năm trước, kiến thức nằm trong chương trình lớp 9. Phù hợp với trình độ học lực trung bình khá của thí sinh và câu 2 nghị luận xã hội khá thú vị", cô Hằng Nga nhấn mạnh.

Cô Vân Hồng (trái) và cô Hương Thảo (phải) cùng đưa ra một số nhận định về đề Ngữ văn.

Cô Vân Hồng (trái) và cô Hương Thảo (phải) cùng đưa ra một số nhận định về đề Ngữ văn.

Cô Phạm Thị Hương Thảo - Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm) nhận định, đề thi Ngữ văn năm nay đảm bảo khả năng phân loại học sinh, nội dung đề thi bám sát chương trình học. Tuy nhiên, văn bản "Đồng chí" đã thi trong vòng 3 năm nên thí sinh nào "học tủ" sẽ khó giành điểm cao.

Đọc hiểu phần 1, học sinh sẽ dễ lấy điểm câu 1, 2. Ở câu 3 cũng cơ bản, không quá khó với văn bản Đồng chí. Đọc hiểu phần 2 có câu 1 khá nhẹ nhàng; câu 2 đòi hỏi học sinh phải tự đưa ra những lý giải của bản thân chứ không chỉ dựa vào ngữ liệu để nhặt ý có sẵn diễn đạt. Đây cũng chính là câu phân loại thí sinh.

Cũng theo cô Thảo, câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề gần gũi với tâm lý lứa tuổi học sinh và mang tính thời sự. Dù vậy, điều này lại đòi hỏi các em phải có năng lực tư duy phản biện để trình bày vấn đề trên cả hai mặt là đáp ứng kỳ vọng và không thể đáp ứng kỳ vọng từ người thân.

Lực lượng thanh niên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ nước uống cho thí sinh trước và sau mỗi buổi thi.

Lực lượng thanh niên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ nước uống cho thí sinh trước và sau mỗi buổi thi.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, đây là một đề thi hay. Các câu hỏi đọc hiểu nhiều cấp độ, từ đơn giản đến tinh tế, có thể phân loại được học sinh. Câu 1 của cả 2 phần là những câu hầu hết học sinh sẽ trả lời đúng.

Phần nghị luận văn học khá quen thuộc với học sinh, bám sát ngữ liệu sẽ làm được. Vấn đề nghị luận xã hội đưa ra cần thiết và sát thực tế, là vấn đề học sinh đang phải đối mặt. Các em sẽ bộc lộ được quan điểm của mình, miễn sao đáp án đừng quá máy móc, thiếu linh hoạt.

"Nếu đáp án tôn trọng quan điểm của người viết thì đây là vấn đề rất hay để học sinh bộc lộ ý kiến cá nhân của mình mà không phải viết những điều sáo rỗng, giáo điều. Phổ điểm cơ bản sẽ dao động trong khoảng 6 - 7 điểm", cô Vân Hồng trao đổi thêm.

Nguyễn Linh Nhi, học sinh lớp 9A6 Trường THCS Thành Công (Ba Đình) chia sẻ, em làm bài khá tốt, môn Ngữ văn là môn sở trường nên quá trình làm bài em tự tin và tập trung cao độ để làm. Mong rằng chiều nay và ngày mai, đề thi cũng đúng với năng lực giúp chúng em hoàn thành tốt kỳ thi. Còn em Lưu Mỹ Uyên - học sinh Trường THCS Chu Văn An cho biết, đề thi sát với thực tế. Em khá hài lòng với bài thi của mình và có thêm tự tin chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ