Phân rõ nhiệm vụ từng bộ phận
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 quận Hà Đông (gọi tắt là Ban chỉ đạo) cho biết, toàn quận có 12 điểm thi với 314 phòng thi, 7.469 thí sinh đăng ký dự thi.
Trong đó, điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất quận với 888 em và 37 phòng thi; Trường THCS Lê Hồng Phong có ít phòng thi nhất với 12 phòng và 277 thí sinh dự thi.
Ngay trong sáng 6/6, Ban chỉ đạo thi của quận Hà Đông đã chia làm hai đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, an ninh an toàn tại tất cả 12 địa điểm tổ chức thi. Thành viên ban chỉ đạo gồm đại diện ngành Giáo dục, Y tế, Công an, Quân đội và một số ban ngành khác.
Tại mỗi điểm thi, đoàn công tác lưu ý việc rà soát cơ sở vật chất phục vụ tổ chức kỳ thi, bố trí điểm làm việc của Hội đồng thi theo quy định tại Quy chế thi; phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, triển khai các biện pháp an ninh, y tế, đảm bảo công tác về nhân sự tham gia Hội đồng thi.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2023 tại điểm thi Trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông. |
Các trường nơi đặt Hội đồng coi thi cần triển khai công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, cung cấp đủ nước uống, nước sạch sinh hoạt cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại Điểm thi. Thường xuyên vệ sinh trường học, lớp học; theo dõi sức khỏe học sinh khi đến điểm thi. Chuẩn bị máy phát điện dự phòng đủ công suất, đề phòng sự cố mất điện lưới.
Ông Phạm Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo thi quận Hà Đông giao lực lượng Công an quận xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi; bảo đảm an ninh, an toàn cho CBGVNV tham gia làm thi và thí sinh dự thi; bảo mật đề thi, bài thi.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông có kế hoạch trực chốt và phối hợp với UBND các phường và các đơn vị liên quan đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ ở các địa điểm tổ chức thi, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác thi và học sinh đến địa điểm thi đúng thời gian quy định.
UBND các phường phải tăng cường công tác quản lý đô thị, không để tụ tập đông người, không để các hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, bày bán, làm dịch vụ Photocopy xung quanh các địa điểm tổ chức thi. Đồng thời tổ chức kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Chú trọng khâu an ninh, an toàn
Trường THCS Thạch Bàn có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. |
Tương tự, tại Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên), cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Trưởng điểm thi cho biết, ngay trong sáng 6/6, lãnh đạo điểm thi đã họp thống nhất các nội dung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để sẵn sàng tổ chức thi an toàn, thành công.
Điểm thi này có 424 thí sinh đăng ký dự thi với 20 phòng thi; 44 cán bộ coi thi; 8 cán bộ giám sát; 13 nhân viên an ninh trật tự, phục vụ. Tất cả hội đồng thi đã được nghe lãnh đạo điểm thi phổ biến quy chế, nghiệp vụ coi thi cũng như quy định về xử lý vi phạm (nếu có) và một số nội dung khác.
"Ngoài ra, trường có hệ thống tường rào kiên cố bao quanh, các phòng thi có cửa nhìn sang phía nhà dân hoặc đường phố đều có rèm cửa. Đội ngũ thanh niên tình nguyện, Công an quận Long Biên đều tham gia đầy đủ, đúng thành phần và sẵn sàng hỗ trợ để Hội đồng thi hoàn thành tốt nhiệm vụ", cô Nhâm Huyền cho hay.
Công tác vệ sinh tại điểm thi được tiến hành khẩn trương trước một ngày đón thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại Trường THCS Thạch Bàn. |
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường THCS, THPT trên địa bàn 30 quận/huyện/thị xã. Đây là những nơi có cơ sở vật chất khang trang, bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn.
Với khoảng 110 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi. Các nhân sự tham gia coi thi phải bảo đảm các tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi.
"Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Dù diễn ra hằng năm nhưng các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, cần chuẩn bị chu đáo, rà soát kỹ lưỡng mọi mặt, dự báo được các tình huống phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi", ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.