Việc này được thực hiện đến 17h00 ngày 30/7/2023.
Chưa biết điểm chưa “chốt” nguyện vọng
Ghi nhận trong ngày đầu tiên cho thấy, chưa nhiều thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Hầu hết thí sinh đều thận trọng, chờ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT mới thực hiện đăng ký trên Hệ thống. Dù đã trúng tuyển có điều kiện vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) theo phương thức xét học bạ THPT nhưng Nguyễn Như Bình (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT rồi mới thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển. “Em muốn biết điểm thi của mình ở mức nào, khi đó “chốt” nguyện vọng không muộn” – Như Bình bộc bạch.
Thí sinh Lê Đức Tài (TP Hải Dương) cho hay, trước đó em đã thực hành thuần thục việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống nên không đáng lo ngại về quy trình, kỹ thuật. Em dự định xét tuyển 10 nguyện vọng nhưng sẽ đợi có điểm thi tốt nghiệp THPT rồi mới thực hiện đăng ký, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 10.
Năm nay, thí sinh có 3 tuần để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; thầy giáo Bùi Hữu Tuấn - Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) lưu ý, thí sinh nên tận dụng 21 ngày này để cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo các nguyện vọng xét tuyển và thứ tự ưu tiên. Trừ những thí sinh chắc chắn sẽ nhập học vào ngành, trường học đã trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm, các thí sinh còn lại không nên vội vàng “chốt” ngay các nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), nhấn mạnh, đây là thời gian “nước rút” nên thí sinh cần nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành, trường học. Rất khó có công cụ cho việc lựa chọn ngành, trường học nhưng thí sinh nên rà soát lại điểm trúng tuyển của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển ở một vài năm trước. Sau đó, đối chiếu với kết quả thi tốt nghiệp THPT để có lựa chọn phù hợp.
“Các em cần đặc biệt lưu ý đến điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ. Các cơ sở giáo dục đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp. Vì thế, thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển thông qua bộ phận tuyển sinh của trường để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp” - TS Lê Xuân Thành khuyến nghị.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Thực hiện đúng, đủ quy trình
Nhấn mạnh, thí sinh cần nghiên cứu và suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống; TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - khuyến cáo, không nên vội vàng đăng ký sớm khi chưa tìm hiểu kỹ về ngành, trường học mà mình dự định đăng ký. Để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình.
Theo đó, thí sinh nên đăng ký cả những nguyện vọng vào ngành “hot”, có điểm trúng tuyển cao và những ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm; từ đó có thể tránh được việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
“Thí sinh bắt buộc phải đăng ký trên Hệ thống tất cả các nguyện vọng xét tuyển (kể cả nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển). Giả sử, nếu thí sinh vẫn quyết tâm lựa chọn ngành A của Trường ĐH A thì phải chọn nguyện vọng đó ở vị trí ưu tiên nhất (nguyện vọng 1)” - TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống. TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh, trong quá trình đăng ký, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, Hệ thống sẽ không cập nhật và xác nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Riêng thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên, cần phối hợp với điểm tiếp nhận hồ sơ để rà soát thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Thực tế, vẫn có thí sinh băn khoăn giữa việc chọn trường và ngành học. TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khuyên thí sinh nên chọn ngành trước, sau đó mới chọn trường. Để chọn ngành, thí sinh cần xem năng lực, sở trường của bản thân phù hợp với ngành nào. Theo đó, thí sinh có thể sử dụng các phần mềm test thử, sau đó trả lời câu hỏi để kiểm tra xem mình phù hợp với những ngành học nào.
Ngoài ra, các em có thể nhìn nhận lại xem mình có xu hướng yêu thích và học tốt môn nào, từ đó cân nhắc những ngành đào tạo phù hợp với môn học đó. Cùng đó, thí sinh có thể hỏi kinh nghiệm, xin ý kiến tư vấn của bố mẹ, người thân hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực mình dự định đăng ký xét tuyển.
Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ GD&ĐT, trong thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh chọn cung cấp dữ liệu trên Hệ thống để xét tuyển: Điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT, kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy (nếu có).
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khỏe, không đảm bảo yêu cầu về lý lịch để học tập. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm chủ động giải quyết và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan để giải quyết các trường hợp ngoại lệ, rủi ro cho thí sinh. Ngoài ra, các trường không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi các em chưa tốt nghiệp THPT.