Thí sinh cần học đâu chắc đấy với môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Đối với môn Giáo dục công dân, việc đầu tiên là thí sinh cần học đâu chắc đấy và đọc kỹ đề thi trước khi chọn đáp án.

Cô Trần Thị Xuân Hà trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.
Cô Trần Thị Xuân Hà trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Đó là chia sẻ của cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh chủ đề ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023, với môn Giáo dục công dân.

Hai vấn đề cần lưu ý

- Với môn Giáo dục công dân, theo cô học sinh cần lưu ý điều gì trong quá trình ôn tập?

- Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân học sinh cần lưu ý hai vấn đề sau: Thứ nhất là phần lý thuyết, cũng giống như các môn học khác, học sinh cần chú ý nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình gồm, toàn bộ nội dung chương trình lớp 12: Công dân với pháp luật và phần Công dân với kinh tế ở chương trình lớp 11.

Ngoài ra, đối với môn Giáo dục công dân, học sinh cần chú ý tìm hiểu những kiến thức pháp luật liên quan đến nội dung chương trình; đồng thời phải thường xuyên cập nhật những vấn đề xã hội đặc biệt những vấn đề nóng diễn ra trong đời sống hàng ngày.

Thứ hai là phần kỹ năng, học sinh cần nắm chắc kỹ năng làm bài tập trắc nghiệm ở từng mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để rèn kỹ năng và tránh sai sót khi làm bài tập trắc nghiệm các em học sinh có thể tham khảo các bước làm bài như sau:

* Đối với mức độ nhận biết: Bước 1: Xác định từ khóa trong phần câu hỏi.

Bước 2: Nhớ lại nội dung kiến thức cơ bản (từ khóa) đã học tương ứng với lĩnh vực đang hỏi.

Bước 3: Xác định từ khóa chuẩn tương ứng ở các phương án. Bước 4: Loại các phương án sai và chọn đáp án đúng.

* Đối với mức độ thông hiểu:

Bước 1, xác định từ khóa trong phần câu hỏi.

Bước 2, nhớ lại nội dung chuẩn của bài đã học tương ứng với lĩnh vực đang hỏi.

Bước 3, phân tích bản chất nội dung của các phương án. Bước 4, loại các phương án không tương ứng với lĩnh vực đang hỏi và chọn đáp án đúng còn lại.

* Đối với mức độ vận dụng:

Bước 1, đọc lệnh hỏi trước, đánh dấu từ khóa quan trọng trong lệnh hỏi để xác định nội dung cần trả lời.

Bước 2, đọc phần dẫn (tình huống), đọc hết câu nào xác định hành vi của nhân vật ở câu đó.

Bước 3, nhớ lại kiến thức chuẩn của bài học tương ứng với hành vi đó. Bước 4, quan sát các phương án, chọn và đánh dấu vào đáp án tương ứng với từ khóa của kiến thức chuẩn đã học.

* Đối với mức độ vận dụng cao:

Bước 1, vẽ bảng phân loại nhân vật ra giấy nháp.

Bước 2, đọc câu hỏi trước, đánh dấu các từ chính cần hỏi, nhớ lại kiến thức chuẩn liên quan.

Bước 3, đọc từng câu trong phần dẫn, hết câu đặt các nhân vật vào bảng phân loại ở giấy nháp và xác định đáp án.

Bước 4, kiểm tra lại bằng cách loại các đáp án còn lại theo tên các nhân vật không liên quan đến lĩnh vực cần hỏi.

Cô Trần Thị Xuân Hà luôn đồng hành cùng học trò trong học tập. Ảnh: NVCC.
Cô Trần Thị Xuân Hà luôn đồng hành cùng học trò trong học tập. Ảnh: NVCC.

Không có “học tài thi phận”

- Theo cô, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản nào để giành điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023?

- Đối với môn Giáo dục công dân lượng kiến thức ôn tập nằm trong phần Công dân với pháp luật (lớp 12) và phần Công dân với kinh tế ở (lớp 11), với lượng kiến thức này có thể nói không quá nặng đối với học sinh. Do đó để giành được điểm cao học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản ở tất cả các nội dung này.

Tuy nhiên, qua phân tích đề thi chính thức và đề thi tham khảo nhiều năm gần đây thì nội dung các câu hỏi thường tập trung nhiều ở bài 2, bài 4, bài 6 và bài 7 của chương trình lớp 12.

Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao cũng chủ yếu ở các bài này nên học sinh cần ôn tập kỹ hơn 4 nội dung kiến thức của 4 bài này để giải quyết triệt để được các câu hỏi ở các mức độ nhận thức.

- Là giáo viên có nhiều năm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, cô có khuyến cáo điều gì cho các em?

- Trong thực tế, khi ôn thi môn Giáo dục công dân nhiều học sinh chủ quan trong học tập; thậm chí có học sinh chờ vào “cầu may”, có học sinh còn quan điểm không cần học cũng có thể làm được bài.

Tuy nhiên, trên thực tế không có “học tài thi phận”, tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của học sinh. Hơn nữa, năm 2022 đề thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân đã có sự phân hóa. Số học sinh điểm dưới trung bình không ít nên để có thể giành được điểm cao, có thể “cứu cánh” cho môn học khác, thì học sinh cần tập trung ôn tập nghiêm túc, không nên chủ quan cũng như xem nhẹ môn học.

- Theo cô, những sai lầm nào học sinh cần tránh trong quá trình ôn tập cũng nhưng trong giờ thi.

- Trong quá trình ôn tập, học sinh cần tránh: Tránh học tủ, học lệch, “nước đến chân mới nhảy” đến gần ngày thi mới học, chỉ học những bài trọng tâm, quan trọng, bỏ qua các bài cơ bản khác. Chỉ cần học lý thuyết không cần rèn kỹ năng hoặc ngược lại. Tránh tư tưởng môn Giáo dục công dân dễ không cần học cũng làm được bài.

Khi làm bài thi cần tránh làm phức tạp hóa vấn đề, đọc vội dẫn đến bỏ sót chi tiết trong câu dẫn, dẫn đến chọn đáp án sai, tô sai đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm.

Xin cảm ơn cô!

“Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, với môn Giáo dục công dân, khi làm bài, thí sinh cần phân tích kỹ đề, đọc kỹ câu hỏi, tình huống; đặc biệt với những câu vận dụng và vận dụng cao, làm đến đâu chắc đến đó. Rà soát thật kỹ khi tô phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh tô nhầm, tô sai hoặc tô thừa câu” - cô Trần Thị Xuân Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ