Định hướng ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2023 từ đề tham khảo

GD&TĐ - Định hướng khi học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thầy cô lưu ý học sinh sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo.

Học sinh lớp 12 trong giai đoạn vừa học vừa chuẩn bị kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: INT
Học sinh lớp 12 trong giai đoạn vừa học vừa chuẩn bị kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: INT

Chắc kiến thức cơ bản, không học tủ

Là giáo viên Lịch sử, nhưng những lời khuyên của cô Liễu Thị Long, Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) có thể tham khảo chung cho nhiều môn học. Từ nghiên cứu đề tham khảo, cô Long cho rằng, với câu hỏi nhận biết, thông hiểu, giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập bằng các phương pháp cơ bản, như lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp “từ khóa”, sử dụng đường biểu diễn thời gian…

Phương pháp ôn luyện tốt nhất để chinh phục loại câu hỏi này là học lịch sử xâu chuỗi theo các vấn đề, kết hợp giữa lịch đại (thời gian) với đồng đại (không gian), không nên vụn vặt, máy móc; tìm ra mối quan hệ giữa các sự kiện/vấn đề lịch sử.

Với câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, để lựa chọn đúng đáp án, đòi hỏi học sinh vững kiến thức cơ bản và có khả năng tư duy tổng hợp; hiểu đúng bản chất các sự kiện, hiện tượng lịch sử; biết nhận định, đánh giá, liên hệ thực tiễn, lý giải được sự vận động của tiến trình lịch sử...

“Như vậy, để làm tốt bài thi Lịch sử, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi và có cách thức ôn tập, phương pháp làm bài phù hợp. Bản chất của nhận thức lịch sử là ‘ôn cố nhi tri tân’ (biết xưa để hiểu nay), nên các em không chỉ cần học tốt kiến thức sách giáo khoa, mà cần mở rộng kiến thức xã hội; từng bước tìm hiểu ý nghĩa của những bài học lịch sử đối với bản thân; kết nối được tri thức lịch sử với cuộc sống hiện tại và tương lai chính mình. Thầy, cô giáo, phụ huynh đóng vai trò quan trọng hỗ trợ học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năng lực tự chủ và tự học của mỗi học sinh vẫn là yếu tố quyết định”, cô Long cho hay.

Năm nay, đề tham khảo môn Ngữ văn giữ cấu trúc, kiểu dạng câu hỏi như đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Học sinh đã được luyện tập vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết kiểu đề và những dạng câu hỏi theo cấu trúc đề thi này.

Song, để làm tốt bài thi, cô Trần Thị Phương Mai, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng, học sinh trong quá trình ôn tập cần chú trọng nắm chắc, vận dụng tốt kỹ năng đọc hiểu, viết nghị luận xã hội, viết nghị luận văn học.

Điều này đòi hỏi học sinh thường xuyên luyện tập và có ý thức tự luyện tập. Bên cạnh đó, các em cũng cần tự trang bị kiến thức về xã hội, tập bày tỏ quan điểm, đánh giá trước những vấn đề xã hội (quan niệm, hiện tượng trong đời sống...).

Kiến thức văn học tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12. Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản một cách có hệ thống, tránh tình trạng học vẹt, học tủ. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Trên cơ sở đó, học sinh cần nghiền ngẫm, có những cảm nhận riêng, tinh tế, sâu sắc về tác phẩm.

Cô Hoàng Thị Bích Ngọc và học sinh lớp 12, Trường THPT Ban Mai trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô Hoàng Thị Bích Ngọc và học sinh lớp 12, Trường THPT Ban Mai trong giờ học. Ảnh: NTCC

Tăng cường tự học, luyện tập thường xuyên

Với mức độ và nội dung đề thi tham khảo môn Toán, cô Hoàng Thị Bích Ngọc, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đưa lời khuyên: Học sinh nên học thật vững khái niệm, nhớ các tính chất đã học trên lớp. Đặc biệt, các em cần nhớ: Các công thức tính thể tích các khối đa diện, các khối tròn xoay, diện tích hình tròn xoay (hình nón, hình trụ, hình cầu); công thức liên quan đến mũ và lôgarit; các tính chất tích phân, ứng dụng tích phân, phép toán số phức.

“Các em hãy luyện tập thường xuyên qua các đề thi thử sát với đề minh họa 2023 để củng cố kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian, tâm lý thi và xây dựng chiến lược làm bài hiệu quả. Đặc biệt quan trọng phải giữ sức khỏe, học tập đều đặn hàng ngày”, cô Hoàng Thị Bích Ngọc lưu ý thêm.

Giai đoạn 1, học sinh xem lại toàn bộ lý thuyết, công thức và tính chất nằm trong chương trình lớp 12 để có thể làm chắc các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Giai đoạn 2 xem thêm các nội dung nâng cao: Chương 1, 2, 3, 4 (Giải tích 12); Chương 1 (Hình học 12) và các nội dung liên quan đến góc, khoảng cách (Chương 3, Hình học 11); bài toán phép đếm, xác suất (Chương 2, Đại số 11). Ngoài ra, các em nên luyện tập thêm các dạng toán mới như cực trị số phức, bài toán max-min trong hình học tọa độ Oxyz.

Với bài thi Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Thơm, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết: Trong đề, các câu hỏi được phân hóa theo mức năng lực rõ ràng với khoảng hơn 6 điểm nhận biết, thông hiểu; còn lại vận dụng và vận dụng cao.

Để đạt kết quả cao, học sinh cần có phương pháp ôn tập phù hợp và khoa học. Theo đó, quá trình học tập, ôn tập trên lớp, học sinh cần tập trung học tập, tích cực trao đổi bài và chú ý làm đầy đủ các bài tập giáo viên giao để có kiến thức nền tảng tốt. Dành nhiều thời gian tự học, ôn tập ở nhà để tự hệ thống và nắm chắc kiến thức.

Riêng với môn Hóa học, về ôn lý thuyết, học sinh tập chung ôn tập Hóa 12. Cách ôn chủ đề, với mỗi chủ đề ôn tập cần làm đầy đủ các câu hỏi biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó lưu ý bài tập lý thuyết liên quan đến thực hành thí nghiệm. Quá trình ôn tập cần bám sát sách giáo khoa.

Với dạng bài định lượng, theo cô Thơm, học sinh ôn theo chủ đề và dạng bài mỗi chủ đề. Cần tham khảo nhiều cách giải theo các phương pháp bảo toàn: Nguyên tố, khối lượng, electron, điện tích… để giải bài tập nhanh, hiệu quả. Trong quá trình ôn tập, chú ý rèn kỹ năng tư duy phân tích đề thông qua sơ đồ có định hướng giải các bài tập hỗn hợp vận dụng và vận dụng cao. Học sinh cũng nên làm nhiều đề thi thử để biết được phần mình chưa chắc, cần bổ sung, đồng thời củng cố và hệ thống kiến thức tốt hơn.

“Sự phân loại học sinh trong bài thi Ngữ văn được thể hiện ở nhiều yếu tố. Ngoài chính xác về nội dung kiến thức, vận dụng phù hợp, linh hoạt các thao tác trong quá trình làm bài thì khả năng diễn đạt trôi chảy, mới mẻ trong suy nghĩ, tinh tế, sâu sắc trong cảm nhận cũng là những yếu tố cần có để bài làm đạt kết quả cao. Điều này đòi hỏi học sinh thực sự chủ động, tích cực trong quá trình học tập chứ không chỉ tiếp nhận một cách thụ động kiến thức từ thầy cô”, cô Trần Thị Phương Mai cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.