Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Độ phân hóa phù hợp

GD&TĐ - Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá bảo đảm tính cơ bản và phù hợp với tính chất kỳ thi.

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa: INT
Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, đề được cho là nhẹ nhàng nhưng không “dễ dãi”, vẫn phân hóa được học sinh khá, giỏi.

Cơ bản ổn định

Đánh giá đề thi tham khảo môn Vật lý, thầy Phan Khắc Toàn, Trường THPT Bình Minh (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: Đề tham khảo bám sát cấu trúc đề thi năm 2022 của Bộ GD&ĐT. Số lượng câu hỏi trong các chương không thay đổi nhiều so với đề thi những năm trước và đề tham khảo. Theo đó, vẫn tập trung nhiều vào 3 chương đầu của Vật lý 12 như: Dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, dòng điện xoay chiều.

“Về cấu trúc, đề có 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó. Trong đó, kiến thức lớp 12 có 36 câu (90%), kiến thức lớp 11 có 4 câu (10%). Khoảng 70% số câu hỏi là cơ bản, 30% còn lại mang tính phân loại. Câu hỏi trắc nghiệm định tính (lý thuyết) chiếm khoảng 20 câu (3 câu kiến thức lớp 11 và 17 câu kiến thức lớp 12). Câu hỏi trắc nghiệm định lượng (bài tập) chiếm 20 câu (1 câu lớp 11, 19 câu lớp 12). Các câu hỏi mang tính phân loại cao đều nằm ở kiến thức lớp 12, đặc biệt là kiến thức 2 chương: Dao động điều hòa và điện xoay chiều”, thầy Phan Khắc Toàn chia sẻ.

“Nhìn chung, đề thi tập trung nhiều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp. Mức độ vận dụng cao chiếm tỷ lệ không nhiều. Như vậy, học sinh không quá áp lực trước mục tiêu tốt nghiệp THPT. Song, mức độ phân hóa vẫn có ở câu hỏi 4 (phần Đọc hiểu), câu nghị luận xã hội và câu hỏi phụ phần nghị luận văn học”, cô Đinh Thị Thủy nhận định.

Không chỉ Vật lý, các bài thi tham khảo khác đều được đánh giá cơ bản giữ ổn định. Điều này giúp việc ôn tập của học sinh không bị xáo trộn. Như môn Ngữ văn, cô Đinh Thị Thủy, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) khẳng định, cả cấu trúc và phạm vi kiến thức của đề đều ổn định như các đề thi năm trước với 2 phần.

Phần I (Đọc hiểu, 3 điểm) đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là đoạn trích trong bài thơ “Những người đi tới biển” - đoạn trích mang tính chất suy cảm, giàu cảm xúc và triết lý của nhà thơ Thanh Thảo. Điều này cũng có điểm tương đồng với ngữ liệu đề thi chính thức năm 2022 - một đoạn trích thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Phần II (Làm văn, 7 điểm), có 2 điểm viết đoạn nghị luận xã hội về vấn đề liên quan đến nội dung đề cập trong ngữ liệu phần đọc hiểu; 5 điểm viết bài nghị luận về một đoạn trích/tác phẩm trong SGK Ngữ văn 12. Câu nghị luận xã hội thuộc kiểu nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Dạng này đã xuất hiện trong đề thi các năm gần đây. Đề tài gần gũi, khơi gợi nhận thức, suy nghĩ, hướng học sinh đến việc trau dồi, phát triển giá trị sống tích cực, trách nhiệm, nhân văn.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: INT

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: INT

Nhẹ nhàng, nhưng vẫn bảo đảm phân hóa

Nghiên cứu đề tham khảo năm 2023 với môn Lịch sử, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) nhận thấy: Đề thi gồm có 40 câu đều là kiến thức cơ bản - yêu cầu cần đạt, nằm trong chương trình môn Lịch sử cấp THPT. Đề thi không có câu hỏi nằm trong phần giảm tải. So với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cấu trúc được giữ nguyên.

Các câu hỏi trong đề thi đều nhẹ nhàng và phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì mục tiêu chính là thi để xét tốt nghiệp. Sự nhẹ nhàng, phù hợp đó thể hiện qua ba yếu tố: Nội dung thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90%), lớp 11 (chiếm 10%). Tiếp đóp, không nặng về lịch sử chiến tranh, quân sự mà bao quát được các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao…

Cuối cùng, các câu hỏi trong đề thi ngắn gọn, rõ ràng, có “từ khóa” dễ nhận diện. Nếu giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập bằng các phương pháp cơ bản như lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp “từ khóa”, sử dụng đường biểu diễn thời gian… sẽ dễ dàng đạt điểm gần như tuyệt đối ở 30/40 câu hỏi đầu tiên.

Tuy nhiên, đề nhẹ nhàng nhưng không “dễ dãi” mà vẫn bảo đảm có phân hóa. Giống như đề thi tốt nghiệp năm 2022, đề tham khảo có 10 câu phân hóa học sinh khá - giỏi (mức độ vận dụng, vận dụng cao - chiếm khoảng 25%). Câu hỏi phân hóa ở đây không phải “đánh đố” các em, mà vẫn tập trung vào kiến thức cơ bản, xuyên suốt và có trong chương trình, nhưng yêu cầu nâng tầm nhận thức về tư duy, suy luận, kết nối các đơn vị kiến thức với nhau.

“Để lựa chọn đúng đáp án ở câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh vừa vững kiến thức cơ bản, vừa có khả năng tư duy tổng hợp; hiểu đúng bản chất các sự kiện, hiện tượng lịch sử; có khả năng nhận định, đánh giá, liên hệ thực tiễn, lý giải được sự vận động của tiến trình lịch sử... “, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Có những đánh giá tích cực về đề tham khảo môn Sinh học, cô Phạm Thị Việt Chinh, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Các câu hỏi trong đề được phân hóa theo mức độ. 30 câu đầu theo mức độ cơ bản (nhận biết, thông hiểu). 10 câu tiếp theo phân hóa (vận dụng, vận dụng cao). Đặc biệt, đề tham khảo năm nay không nhiều câu hỏi tính toán sử dụng công thức tính nhanh. Các câu hỏi lý thuyết, để trả lời, yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức.

Đặc biệt câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao, ngoài hiểu bản chất lý thuyết sinh học, các em cần có kỹ năng phân tích số liệu gắn với thực tế. Cũng là giáo viên Trường THPT Ban Mai nhưng dạy Lịch sử, cô Phạm Thị Phương Thảo quan tâm đến điểm mới trong đề thi tham khảo Lịch sử năm nay là dạng câu hỏi phủ định chiếm 20% (8 câu), yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức, có khả năng tư duy, phản biện để chọn đáp án đúng.

Nhận định về đề tham khảo môn Toán, theo cô Trần Thủy Tiên, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội), cấu trúc đề giữ được tính ổn định. Đề bám sát cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây và tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ GD&ĐT đã công bố (50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút). Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã làm quen trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.