Thi sĩ Hàn Mặc Tử, tên thật Nguyễn Trọng Trí (22/9/1912 - 11/11/1940), còn có các bút danh Lệ Thanh, Thanh Hư, Phong Trần, Trật Sên; sinh ở làng Mỹ Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình), quê gốc ở Thanh Hóa, theo đạo Công giáo.
Nghiệm sinh 28 năm trên cõi đời, Hàn Mặc Tử đã kịp trải khắp các vùng đất Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quy Nhơn - Bình Định, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Sài Gòn; đã tham gia “Bàn Thành tứ hữu”, khởi xướng Trường thơ Loạn, cộng tác rộng với các báo Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo, Tiếng dân, Sài Gòn, Công luận, Trong khuê phòng, Tràng An, Tiến bộ, Tân tiến, Tiểu thuyết thứ Năm, Đông Dương tuần báo, Người mới và có bài thơ xướng họa Chuyến đò ngang in trong tập Một tấm lòng (1939) của Quách Tấn.
Khi còn tại thế, Hàn Mặc Tử mới chỉ in có một tập Gái quê (1936). Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, kịp ngay đương thời Thơ mới, thi sĩ còn được bạn bè chọn in hai tập: Thơ Hàn Mặc Tử (Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập - NXB Đông Phương, Sài Gòn, 1942), Chơi giữa mùa trăng (Thơ - văn xuôi, NXB Ngày nay 1944) và một số thơ khác được Trần Thanh Mại dẫn lại trong tập truyện ký Hàn Mặc Tử (Võ Doãn Mại xuất bản, Huế, 1942)…
Hàn Mặc Tử cũng từng phát biểu quan niệm thơ và bình luận về thơ của Chế Lan Viên, Bích Khê, Quách Tấn và văn Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan; viết bài trao đổi về nghệ thuật thi ca cùng Lam Giang, Trọng Miên; lại có bài giới thiệu “Karl Marx thi sĩ”, viết phóng sự, truyện ngắn trinh thám, khảo cứu lịch sử, văn hóa, văn học Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Ai Cập, Ireland, Trung Quốc, Thái Lan…
Mang tâm tình vào thơ
Thi sĩ Hàn Mặc Tử. |
Một năm sau khi ra mắt tập Gái quê, Hàn Mặc Tử hân hoan chào đón người bạn thơ Chế Lan Viên kém mình đến tám tuổi, khi mà tập thơ Điêu tàn của Chế còn đang ở dạng bản thảo và mới công bố một số bài trên báo.
Mở đầu bài viết Những văn tài mới nở: Chế Lan Viên - thi sĩ của vương quốc Chiêm Thành (Tràng An, số ra ngày 6/7/1937), Hàn Mặc Tử khơi mở giác quan và nhập thân vào thế giới thơ Chế: “Tôi đã đốt đỉnh trầm đặt trên án… trong thanh khí của nguồn mơ hoa…, vì tối hôm nay tôi chuốc lại ngòi bút, mượn hương thơm đưa đẩy lời văn… để giới thiệu một nhà thơ mới.
Tôi đã lấy hết tinh lực của hồn, của máu, hấp lại thành một sức mạnh. Nhưng chưa đủ. Tôi đến phải thành tâm, lạy các vì tinh tú, cầu nguyện với những linh hồn thơ, từ muôn năm trước về giúp cho ngòi bút tôi thêm thành thực, lột được chút ít tinh thần văn thơ của ông Chế Lan Viên”...
Sau khi dẫn giải bối cảnh lịch sử và hệ thống chủ đề trong thơ Chế, Hàn Mặc Tử đi sâu phân tích, bình giảng từng biểu tượng, từng hình ảnh, từng nỗi ám ảnh đã đi đến đoạn kết: “Chế Lan Viên! Anh hãy cười đi! Say sưa đi! Điên tiết lên đi vì sau khi đọc xong quyển Điêu tàn của anh thì bao nhiêu cái buồn, cái chán, cái rùng rợn, cái hãi hùng đã làm cho tôi khóc, tôi cười, tôi vui, tôi khổ! Anh ở đâu? Trong bãi tha ma hay trên Nguyệt điện? Ngoài chiến trường đầy xương phơi máu đổ hay bên đống gạch nát của ngôi tháp cổ ở đất Chàm? Anh mau mượn gió, nương mây về! Về cùng tôi vỗ tay reo vang để cùng cười, cùng khóc, cùng hoan hô: - Ha ha! Chúng ta đây là hai thi sĩ điên rồ đây”…
Trong bài tự tựa tập Thơ điên: Đau thương (1938), khi đó mới là dự kiến sẽ xuất bản nay mai, Hàn Mặc Tử đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời về bản chất nghệ thuật sáng tạo thi ca: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa Nguồn Trong trẻo (…). Tôi làm thơ? - Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”...
Là người nhiệt tình ủng hộ Thơ mới, cũng với bút danh Phong Trần, Hàn Mặc Tử đã bàn giải cùng ông Lam Giang Tử ở báo Tân tiến (Sài Gòn, tháng 7/1938) bằng tiếng nói phản bác mạnh mẽ, quyết đoán, giàu hình ảnh với bài Không nên có luật thơ mới in trên báo Tiến bộ (số ra ngày 6/8/1938): “Đánh đổ kẻ làm loạn trong làng thơ... Thơ cũ là một cô gái xưa chít khăn mỏ quạ, mang chiếc nón nan, một cô gái không phấn son, nền nếp trâm anh, tuy yêu kiều mà ngượng nghịu, tuy trang nghiêm mà nặng nề; trái lại thơ mới là một thiếu nữ tân thời, phấn son tô, y quan sặc sỡ, nhanh nhẹn như con chim buổi sáng đầu xuân, vừa mơ màng, vừa kiều diễm (...).
Cái sự huyền diệu của thơ không nên để nó nằm trong phạm vi viết mực, mà phải cho nó làm chủ tất cả giấy, bút, nghiên, bình. Thơ đã là như thế... thì còn bắt nạt nó, kéo phạt nó, bảo phải ngồi trong căn phòng luật lệ nữa mà chi?”…
Rồi tiếp đến bài tự tựa tập Xuân như ý (1938), khi đó cũng chỉ mới nằm trong dự kiến sẽ xuất bản, Hàn Mặc Tử trong tâm trạng “Sau Thiên Chúa giáng sinh năm 1939. Viết lại Quy Nhơn trong một ngày rất say, rất dại và rất nhớ, rất thương” đã thăng hoa bộc lộ một cái tôi cá nhân nghệ sĩ và thi sĩ đầy cá tính: “Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng. Và loài người hãy cảm ơn Thi nhân đã đổ ra biết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng”...
Rồi Hàn Mặc Tử viết Tựa cho tập thơ Tinh huyết của Bích Khê (Trọng Miên xuất bản, Hà Nội, 1939) với nhan đề Bích Khê, thi sĩ thần linh, ngay trước đó đã in báo Trong khuê phòng (số ra ngày 10/6/1939).
Hàn Mặc Tử trân trọng, đam mê và nồng nhiệt giới thiệu thơ của người bạn thơ kém mình bốn tuổi: “Một tập thơ, viết bằng máu huyết tinh túy và châu lệ, và tất cả say sưa, đắm đuối của một hồn thi sĩ... Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc.
Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy. Và đem ra phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: 1) Thơ tượng trưng; 2) Thơ huyền diệu; 3) Thơ trụy lạc”...
Ngay tại Quy Nhơn, nhằm đúng ngày mồng Chín tháng Năm năm Kỷ Mão (25/6/1939), Hàn Mặc Tử (nguyên văn ký Hàn Mạc Tử - NHS chú) đã viết bài Bạt cho tập thơ Một tấm lòng của Quách Tấn (Tác giả xuất bản, Hà Nội, 1939), trong đó đã nâng niu lọc lựa và mỹ hóa thơ của người bạn thơ hơn mình hai tuổi, mượn thơ bạn làm cái cớ bộc lộ cảm xúc, cảm nhận chủ quan riêng tư:
“Đêm qua ta say trăng, nằm lăn trên bãi cát, cạnh túp lều tranh. Hào quang chói ngời vây bọc mình ta khiến hồn ta mát rợn lên. Trí ta dại khờ, mắt ta no ánh sáng, không đọc nổi những tờ thơ của tập MỘT TẤM LÒNG mà ta đang cầm trên tay. Ôi chao! cứ mỗi tờ thơ là mỗi tờ trăng, thơm mát, dịu dàng, cơ hồ có từng bản nhạc reo lên ở mỗi trang giấy. Bắt chước người xưa tìm người đẹp trong sách, ta đã hoài công dưới bóng trăng đêm nay”...
Cũng tại Quy Nhơn vào tháng 6/1939, Hàn Mặc Tử có bài viết Quan niệm thơ gửi bạn Trọng Miên. Có thể coi đây là bài trả lời phỏng vấn, có ý nghĩa đúc kết, nâng cao và tinh lọc những suy cảm, chiêm nghiệm của Hàn Mặc Tử từ mọi nguồn thơ cổ - kim, Đông - Tây: “Miên có hỏi Trí về quan niệm thơ. Đối với Trí, quan niệm rất khác thường, không giống Baudelaire lắm.
Theo Baudelaire thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu Miên lấy tập Thơ điên của Trí ra, Miên sẽ thấy nhiều bài thấm thía những tình cảm rất nóng và rất say sưa... Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc.
Chỗ ấy hơi đồng một quan niệm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi, vì trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói “la passion est chose naturelle”... nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy”...
Có thể khẳng định chính quan niệm về thơ và những trang đọc thơ, điểm thơ, luận bình thơ ca của Hàn lại cũng hết sức tinh tế, độc đáo, đầy cá tính và mọi suy tưởng đều được đẩy đến tận cùng gam độ.
Thi sĩ tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng tư với những tâm trạng, cảm xúc, hình ảnh con người, không gian và thời gian khác lạ, hư ảo, ma quái. Trong tâm tưởng sâu xa, Hàn Mặc Tử đồng cảm với một Trường thơ Loạn, tiếp nhận và tập trung khai thác cái hay cái đẹp của thơ theo quan niệm của cá nhân mình.
Hàn Mặc Tử không buông lụy, xu thời, không chạy theo một ngọn triều nào ngoài thơ. Thi sĩ không dư thừa thời gian, người chỉ vừa kịp tỏa sáng và góp với cõi thơ những suy tư kỳ bí không thể lẫn cùng ai…
Vần thơ vẫn sắc lẹm ngay cả khi đau khổ nhất
Đến nay, chúng tôi chưa sưu tập được bài tựa của Phạm Văn Ký trong tập Gái quê của Hàn Mặc Tử nhưng ở mục Điểm sách báo trên Sông Hương (Huế, số 15, ra ngày 7/11/1936) có giới thiệu chi tiết: “Gái quê - Một tập thơ dày gần 50 trang của Hàn Mặc Tử soạn, in đẹp, giá 0$35, có Phạm Văn Ký đề tựa.
Chúng tôi đọc qua thấy như trong tập thơ nầy có nhiều bài được lắm. Đợi xem xong sẽ có bài phê bình. Trong bài của ông Phạm Văn Ký có câu rằng: “Với tập Gái quê, ông Hàn Mặc Tử sẽ chiếm một chỗ ngồi rất vững trong làng thơ, và tôi chắc, tương lai còn hứa cho ông nhiều cái rực rỡ nữa”.
Lời kỳ vọng ấy đã ra từ miệng ông Phạm Văn Ký, tưởng bạn đọc cũng có thể tin được, vì người nói ra nó đã từng có tiếng trên thi đàn Pháp và Nam”…
Một trường hợp điển hình, đến cuối bài phác thảo chân dung lấy tên tác giả làm nhan đề Hàn Mặc Tử cũng in trên Tiểu thuyết thứ Năm, nhà thơ Quỳnh Dao có thêm dòng cảm xúc: Viết ở Hải Phòng, một đêm nao nao nhớ, và bài viết này có thêm phần lời dẫn của L. T. K (Lê Tràng Kiều) đã toát yếu được những nội dung cơ bản: “Hàn Mặc Tử là tác giả tập Gái quê xuất bản từ hồi Octobre 1936.
Một tập thơ phần nhiều tả những cảnh sắc nhà quê, cây tre, khóm lau, bờ cỏ, hay những phút yêu mong, nhớ của những cô gái quê. Hồi tập thơ này xuất bản là hồi chúng tôi đang còn chủ trương tờ Hà Nội báo. Nhận được tập thơ ông, chúng tôi đã vui mừng giới thiệu ông - một thi sĩ mới - với độc giả, và nói rõ tính cách của tập thơ ông, nó có cái phong vị mộc mạc, ngây thơ và thi vị.
Tuy cả tập Gái quê không phải là bài nào cũng hay ngang bài nào, nhưng nhiều bài đủ tỏ rằng tác giả có một tâm hồn đa cảm lắm, một tâm hồn nồng nàn của thi nhân, và vì thế Hàn Mặc Tử đã ở trên nhiều những ông thợ thơ khác. Ta phải nói hẳn ngay Hàn Mặc Tử là một thi sĩ.
Bài mà chúng tôi thích nhất trong quyển Gái quê (hồi ấy đã có trích đăng lại ở Hà Nội báo) là bài Tình quê mà bạn Quỳnh Dao cũng có trích ở đoạn đầu bài dưới đây. Tình quê có một âm điệu như Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Đọc lên, ta nghe như tiếng gió rạt rào trong khóm tre mỗi buổi chiều hôm, tiếng nghe văng vẳng buồn, một cái buồn nhè nhẹ.
Nhưng, đó mới chỉ là mấy vần thơ đầu. Sau này thơ của Hàn Mặc Tử còn “hứa hẹn” nhiều và đi qua từ SÁNG TẠO sang SIÊU VIỆT và gần đây lại hơn nữa là ĐIÊN lúc Hàn Mặc Tử đau buồn quá! Muốn độc giả rõ Hàn Mặc Tử hơn, tôi xin nhường lời cho thi sĩ Quỳnh Dao, người đã gặp Hàn Mặc Tử và đã sống những phút đầy đủ bên Hàn Mặc Tử” (Tiểu thuyết thứ Năm, số 30, ra ngày 11/5/1939)…
Lược qua nhiều trang viết của nhiều bình giả khắp trong Nam ngoài Bắc, tiếp đến Hoài Thanh - Hoài Chân trong công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã tuyển in 7 bài thơ của Hàn Mặc Tử (đồng hạng với Thế Lữ, Nam Trân).
Trong phần giới thiệu, hai ông có thêm chú thích ý nghĩa tên tác giả: “Hai chữ “hàn mạc” trong tự điển không có, chỉ có “hàn mặc” nghĩa là văn chương” rồi lượng sức cảm nhận: “Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử (Do Ô. Trần Thanh Địch cho mượn).
Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh. Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi”, từ đó đi sâu phân tích, lý giải đặc điểm thế giới nghệ thuật các dòng thơ, tập thơ (Thơ Đường luật, Gái quê, Thơ điên (Hương thơm - Mật đắng - Máu cuồng và hồn điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội)… để rồi đi đến lời kết: “Tôi đã nói đến cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử.
Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá.
Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích.
Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã... Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”...
Một năm sau, trong mục từ Hàn Mạc Tử (Nguyễn Trọng Trí) ở sách Nhà văn hiện đại, Quyển ba (NXB Tân dân, H., 1943), nhà phê bình Vũ Ngọc Phan thực hiện “nghiên cứu sự nghiên cứu” và trân trọng tiếp nhận: “Từ ngày Hàn Mạc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mạc Tử.
Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông”, đồng thời ghi nhận vị thế người đặt nền móng dòng thơ Công giáo hiện đại: “Lời thơ trong sáng, êm như ru; còn ý thơ nhẹ nhàng, man mác, tỏa ra như mây khói. Mà cảm động, huyền diệu biết bao.
Tình tứ đến thế là cùng, cảm động đến thế là cùng. Một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật là lạ. Sự tín ngưỡng đã giúp sức cho Hàn Mạc Tử rất nhiều. Có lẽ ông là người Việt Nam ca ngợi thánh nữ đồng trinh Marie và chúa Jésus bằng thơ trước nhất.
Ông ca tụng đạo Gia Tô một giọng rất chân thành, chẳng khác nào một thi sĩ Âu Tây. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới… Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong Đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm, mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới…
Hàn Mạc Tử có những thi hứng rất dồi dào, nhưng thơ ông phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu trong thơ ông hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ ông nhiều khi rất thô; bệnh ông lại làm cho ông có những ý tưởng khác thường, nên nhiều bài thơ của ông chỉ là những bằng chứng rất lạ cho những người muốn khảo sát một tâm trạng, một linh hồn đau khổ. Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mạc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại.
Cũng vì ông rất thành thật nên thơ ông theo sát hẳn tính tình cùng tư tưởng của ông; bên những bài tầm thường, người ta thấy dưới ngòi bút ông những tuyệt tác”…
Tiếp nối sau Tản Đà (1889 - 1939), chắc chắn Hàn Mặc Tử là người được giới phê bình đương thời luận bàn nhiều nhất và cũng được xem là hiện tượng phức tạp nhất. Các tác phẩm thơ Hàn Mặc Tử là hiện tượng phức hợp, đa chiều, một “thế giới kỳ dị” (Hoài Thanh), “siêu việt” (Quỳnh Dao, Lê Tràng Kiều) và người đương thời tiếp nhận, luận bàn, đánh giá thơ Hàn Mặc Tử cũng chia thành nhiều luồng dư luận khác biệt nhau.
Trong tầm nhìn của người đương thời, Hàn Mặc Tử là “thiên tài” hay “bình thường”, hay chỉ là “tầm thường”, hay có thể là sự hòa trộn của cả ba dòng tầm mức tư chất ấy? Có người khen đến hết lời, có người khen chê chừng mực hơn và cũng có sự chê đến tận độ.
Tựu trung có thể xác định dòng chủ lưu các ý kiến của người đương thời - người trong cuộc là ngợi ca, đánh giá cao năng lực cách tân và những sáng tạo mới mẻ của Hàn Mặc Tử.
Ngay cả với những người chưa thật hiểu Hàn Mặc Tử, họ vẫn chấp nhận, ghi nhận và trân trọng những đóng góp của ông với phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Sau này, thơ Hàn Mặc Tử được nhiều nhạc sĩ tài danh phổ nhạc: Phạm Duy, Võ Tá Hân, Nguyễn Thanh Cảnh, Hoàng Thanh Tâm, Trương Thìn, Danh Zoran, Gioan Kim…