Thi pháp kể chuyện độc đáo từ 'Nhà mẹ Lê'

GD&TĐ - Thạch Lam là một trong những tác giả xuất sắc của nhóm bút Tự lực văn đoàn ở thế kỷ XX.

Minh họa cho truyện ngắn 'Nhà mẹ Lê'.
Minh họa cho truyện ngắn 'Nhà mẹ Lê'.

Thạch Lam là một trong những tác giả xuất sắc của nhóm bút Tự lực văn đoàn ở thế kỷ XX. Một trong những tác phẩm của ông để lại ám ảnh nhất về thân phận người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám là truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” trích trong tập truyện “Gió lạnh đầu mùa”.

Là đề tài được nhiều nhà văn chọn viết song dưới ngòi bút của Thạch Lam, hình ảnh người nông dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn có một nét gì đó khác biệt.

Có thể lấy một ví dụ: Cùng miêu tả về cái đói, cái chết, nhưng cái chết ở mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) có phần nhẹ nhàng và ít dữ dội, ít ám ảnh hơn cái chết của lão Hạc (Lão Hạc). Nói thế không phải Thạch Lam miêu tả cái chết của mẹ Lê không hay, mà đây có lẽ là dụng ý của mỗi tác giả.

Cái chính là qua thi pháp kể chuyện độc đáo, Thạch Lam muốn nhấn mạnh đến sự tàn khốc của xã hội, sự độc ác của chế độ phong kiến dồn ép con người đến những kết cục bi thảm như thế.

Chọn điểm nhìn và không gian

thi phap ke chuyen doc dao tu nha me le (1).jpg
Nhà văn Thạch Lam.

Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh (1910 - 1042), sau đó đổi thành Nguyễn Tường Lân. Mặc dù, tuổi đời không dài, ông mất khi mới 32 tuổi vì chứng bệnh lao, nhưng sự nghiệp văn chương để lại cũng khá đáng kể. Có thể nhắc đến một số tập truyện ngắn nổi tiếng do NXB Đời nay ấn hành như: “Gió lạnh đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1942) và tập truyện dài “Ngày mới” (1939), bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943)...

Thạch Lam lựa chọn ngôi kể thứ ba khá hợp lí, cho thấy cái nhìn khách quan, toàn cảnh về nhân vật mẹ Lê. Đó là một người mẹ lam lũ, tảo tần, luôn hết lòng vì những đứa con. Để có được miếng ăn cho chúng, người mẹ ấy không quản ngại khó khăn, cực nhọc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Như việc không muốn thấy cảnh đám nhỏ đói rét, mẹ Lê đành mạo hiểm đến nhà cụ Bá để xin gạo. Mặc dù trước đó, bà đã đến xin rồi nhưng cụ Bá không cho và còn dọa nếu đến thêm lần nữa sẽ thả chó cắn. Tuy nhiên, với tâm lý của một người mẹ có trách nhiệm, thương yêu con nên bà phải đành liều mình thêm một lần nữa.

Và rồi, mẹ Lê phải chịu kết cục đau đớn khi cậu Phúc, con của cụ Bá thả chó ra cắn khiến bà phải chết vì vết thương ấy, bỏ lại những đứa con tội nghiệp. Việc lựa chọn ngôi kể thứ ba cũng là cách mà nhà văn Thạch Lam chọn điểm nhìn trần thuật bên ngoài khi viết tác phẩm này. Vì thế, mẹ Lê được khắc họa khá toàn diện ở mọi góc độ để ai cũng có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất.

Không gian trong truyện “Nhà mẹ Lê” phần lớn được diễn ra ở phố huyện và trong nhà của nhân vật chính. Dưới ngòi bút của Thạch Lam, chúng đều hiện lên với những hình ảnh nghèo nàn, ảm đạm, u buồn, tối tăm.

Mở đầu tác phẩm, tác giả miêu tả rất rõ cái nghèo đói len lỏi ở mọi ngóc ngách: “Đoàn Thôn là một cái phố chợ tồi tàn gần ngay một huyện lị nhỏ ở trung châu. Hai dãy nhà lụp xụp, mái tranh xuống thấp gần đến thềm, che nửa những cái chái nứa đã mục nát. Gần đấy là những quán chợ xiêu vẹo đứng bao bọc một căn nhà gạch có gác bưng bít như một cái tổ chim, nhà của một người giàu trong làng làm ra để bán hàng”.

Người ở trong không gian ấy phần lớn đều không ổn định về công ăn việc làm, lang bạt khắp nơi để kiếm sống. Những người ở phố chợ gọi họ bằng những từ khinh bỉ: Kẻ ngụ cư. Cứ tưởng, càng về sau không gian ở đây sẽ tươi sáng hơn, nhưng không phải. Công việc làm ăn ngày càng khó khăn, mùa màng thất bát.

Dường như, cái khung cảnh buôn bán tấp nập ngày xưa ở phố chợ giờ cũng thưa hẳn và không còn náo nhiệt như xưa. Gánh hàng rong ế ẩm người mua. Những điều đó càng làm tăng thêm cái không gian u ám, tồi tàn ở Đoàn Thôn: “Mấy năm sau, sự kiếm ăn ngày một thêm khó khăn.

Buổi chợ họp không đông đúc như trước. Những tiếng nói chuyện trong sương lúc mờ sáng của các người hàng sáo gánh gạo kĩu kịt trên đò để đem xuống huyện bán, người ta không nghe thấy nữa. Cái đói kém đến chen lần trong các phố chợ. Bác Hiền ngày nào cũng gánh hàng đi rồi lại gánh hàng về.

Còn thường thấy bác Đối kéo cái xe không, đi lảng vảng trong huyện và vợ bác cũng không hay nằm võng hát trống quân nữa. Bác Lê trong lúc ấy, đi khắp các nhà trong làng, xin làm mướn, nhưng các nhà có ruộng không ai mướn”.

Không gian này gợi cho ta nhớ đến tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân, mở đầu cũng là một không gian tối tăm, ảm đạm ở nơi những con người ngụ cư song còn bao trùm cả mùi rác rưởi lẫn xác người chết do nạn đói gây ra.

Tuy có chung một điểm nhìn về không gian như thế, nhưng so với Kim Lân, Thạch Lam khắc họa dường như bớt ghê rợn hơn, khiến cho người đọc cảm thấy có gì đó dễ chịu và ít bị ám ảnh hơn.

Còn không gian ở trong nhà mẹ Lê thật chật hẹp, rách nát, khiến người đọc cảm thấy ngợp thở: “Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi”.

Cứ hình dung có mười một người con mà chen chúc trong một khoảng không bằng hai chiếc chiếu thì có thể nào sinh sống được. Ấy vậy mà đối với mẹ con bà Lê thì đó chính là niềm hạnh phúc, miễn sao được no cơm, ấm áo qua ngày là được. Nhưng cũng không thể nào tồn tại mãi ở trong căn nhà như thế.

Mùa nắng nóng thì bệnh tật, ghẻ lở. Mùa mưa thì đói rét, ủ dột: “Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa”.

Cái độc đáo của Thạch Lam là ông miêu tả về cái nghèo của người dân trong truyện khá chân thực. Một cái nghèo tột cùng của những con người lam lũ ở dưới đáy xã hội, nhưng nó không quá thê lương, rùng rợn. Đấy là nét tiêu biểu trong phong cách của Thạch Lam khó hòa lẫn vào ai được.

thi phap ke chuyen doc dao tu nha me le (1).png
Ảnh minh họa. ITN

Thời gian nhảy vọt và hồi tưởng

Còn thời gian nghệ thuật trong truyện “Nhà mẹ Lê” được Thạch Lam thể hiện không theo trật tự tuyến tính nào, mà đó là những khoảnh khắc “thời gian nhảy vọt” như: “Buổi sáng tinh sương”, “đến mùa rét”, “những đêm trăng sáng mùa hạ”, “mấy năm sau”, “mùa rét năm ấy”, “đêm ấy”…

Dường như, chúng ta không thể xác định được cụ thể thời gian trong truyện, vì những từ ngữ mang tính ước chừng. Song nhờ đó, tác giả đã để thời gian cho các phân đoạn hết sức ngắn gọn, không dàn trải, lê thê mà giải quyết được khá nhiều tình tiết, hành động của nhân vật một cách gọn gàng nhất.

Cuộc đời của mẹ Lê được đẩy nhanh hơn để cuối cùng người đọc thấy một cái chết hết sức vô lý, nhưng lại hoàn toàn hợp lý trong cái xã hội đương thời thối nát ấy.

Yếu tố hồi tưởng của nhân vật thường được các nhà văn sử dụng trong thủ pháp nghệ thuật truyện ngắn của mình. Thông thường, thời gian quá khứ khi hồi tưởng bao giờ cũng mang lại những hoài niệm ngọt ngào, ấm áp, hạnh phúc, nhưng trong truyện Thạch Lam thì khác, đa phần chỉ làm cho nhân vật càng cảm thấy đau đớn hơn.

Nhân vật mẹ Lê cũng thế. Lúc cận kề cái chết, bà hồi tưởng về dòng ký ức của mình: “Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở nhọc nhằn.

Cái nghèo không biết tự bao giờ đã vào nhà bác. Lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi, và từ đó nó cứ theo liền bác mãi. Nhưng có người mướn làm thì không đến nỗi. Bác nhớ lại những buổi đi làm khó nhọc, nhưng bác vui vẻ được lĩnh gạo về cho con, những bữa cơm nóng mùa rét, những lúc thằng Hy và con Tý vui đùa giằng co chiếc bánh bác mua cho chúng”.

thi phap ke chuyen doc dao tu nha me le (3).jpg
Nhà văn Thạch Lam miêu tả về cái nghèo tột cùng của người nông dân dưới đáy xã hội, nhưng không quá thê lương.

Đó là những ký ức tươi đẹp lúc còn no đủ. Cuộc sống êm đềm trôi qua những ngày tháng ấy của gia đình mẹ Lê như một dòng sông phẳng lặng: “Rồi đến những ngày đi mót lúa mỏi lưng trên cánh đồng, nhặt những bông lúa thơm, những lúc vò lúa dưới chân... Bác Lê nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc sát vào thịt da”.

Nhưng dòng sông có bao giờ lặng mãi, rồi cũng có lúc cuộn sóng bởi những con nước dữ bởi mùa mưa lũ. Điều đấy thật đúng với gia đình của mẹ Lê. Những dòng hồi ức khi trở về với thực tại đã không còn là mộng đẹp nữa, mà nó là sự thật phũ phàng.

Một sự thật khiến mẹ Lê phải thét lên trong đau đớn và tuyệt vọng: “Rồi đến những buổi chợ sáng, những ngày nhịn đói như hôm nay. Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến. - Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?

Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người mẹ. Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết”. Quả thật, Thạch Lam thật sâu sắc khi sử dụng yếu tố này vào trong truyện ngắn của mình. Đó chính là sự hấp dẫn, thú vị, phù hợp với hoàn cảnh và tâm lí nhân vật.

Đọc truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”, chúng ta cảm thấy câu chuyện ẩn chứa đầy cảm xúc và có một cái nhìn cảm thông về số phận của những người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Qua đây, chúng ta cũng thấy được tài năng của nhà văn Thạch Lam khi miêu tả một cách chân thực về hình ảnh của những người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Những con người lam lũ, nghèo khó để rồi lại có một kết cục thật đáng thương. Các thủ pháp nghệ thuật cũng được nhà văn thể hiện một cách nhuần nhuyễn, hợp lí.

Trong tác phẩm “Nhà mẹ Lê”, Thạch Lam chọn cách thể hiện ngôn ngữ dễ hiểu và gần gũi nhất với lời ăn, tiếng nói của người dân lao động. Những đại từ xưng hô được sử dụng như mẹ Lê, mẹ Hiền, bác Đối...; hoặc những câu đối thoại hàng ngày giữa các nhân vật cũng khá thân quen, ít yếu tố hàm ý hoặc những từ ngữ sáo rỗng. Và nổi bật trên hết đó là giọng điệu thương cảm của nhà văn dành cho mẹ Lê. Thương cảm vì một số phận bất hạnh, cuộc sống chông chênh. Tiếng thét đau khổ của bà ở cuối truyện có lẽ đó chính là nỗi đau tột cùng mà Thạch Lam muốn để cho nhân vật này trút hết mọi đau khổ, căm hờn ở cõi trần trước khi bước về bên kia thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...