Tự Lực văn đoàn sau 90 năm vẫn còn nhiều điều để khám phá

GD&TĐ - Đã hơn 90 năm kể từ ngày khởi xướng, Tự Lực văn đoàn vẫn như một mảnh đất màu mỡ để giới nghiên cứu văn hóa - văn chương khám phá.

GS Martina Thucnhi Nguyen (giữa) tại tọa đàm 'Tự Lực văn đoàn: Những cách tiếp cận mới'.
GS Martina Thucnhi Nguyen (giữa) tại tọa đàm 'Tự Lực văn đoàn: Những cách tiếp cận mới'.

Đó là khẳng định của các nhà nghiên cứu trong tọa đàm khoa học “Tự Lực văn đoàn: Những cách tiếp cận mới” được tổ chức tại Viện Văn học vào cuối tháng 6/2023 với sự tham gia của GS Martina Thucnhi Nguyen và đông đảo các nhà khoa học.

Mong muốn cải tạo xã hội

Công trình nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn của GS Martina Thucnhi Nguyen.

Công trình nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn của GS Martina Thucnhi Nguyen.

Năm 1932, nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) cùng một số bạn văn khởi xướng và đến đầu tháng 3/1934 thì Tự Lực văn đoàn chính thức trình diện. Đến nay, sau khoảng 90 năm ra đời, giới nghiên cứu nhận định Tự Lực văn đoàn có sức ảnh hưởng văn hóa sâu rộng không chỉ trong thời hiện đại mà còn trong cả lịch sử văn học viết khoảng chừng một nghìn năm của Việt Nam.

Tại tọa đàm “Tự Lực văn đoàn: Những cách tiếp cận mới” - GS Martina Thucnhi Nguyen đã dẫn giải các góc nhìn từ công trình nghiên cứu của mình, thông qua tuần báo Phong Hóa - tờ báo trào phúng đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam, do Nhất Linh làm giám đốc cùng ban biên tập, gồm: Khái Hưng, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam...

Theo GS Martina Thucnhi Nguyen, báo Phong Hóa không đơn thuần đem đến tiếng cười giản đơn, mà thông qua trào phúng tạo ra tiếng cười để hướng đến mục đích cải tạo xã hội. Phong Hóa có đến 400 hình ảnh vẽ minh hoạ về nhân vật Lý Toét - nhân vật này không chỉ như một công cụ để cải tạo xã hội mà còn hướng người Việt đến cách nhìn và cách sống mới.

GS Martina sau rất nhiều so sánh cũng nhận thấy sự khác biệt rõ nét về ý niệm chuyển tải thông điệp giữa các hoạ sĩ vẽ cho Phong Hóa và cách tiếp cận của độc giả tờ báo này.

Cụ thể, độc giả muốn chế giễu Lý Toét và thích nhân vật Xã Xệ - họ cười những nhân vật này vì sự ngốc nghếch. Trong khi đó, họa sĩ vẽ trong tờ Phong Hóa lại có cái nhìn khác, thường miêu tả vấn đề tâm lý của các nhân vật.

Mục đích cải tạo xã hội của Tự Lực văn đoàn thông qua báo Phong Hóa còn thể hiện ở bức vẽ nổi tiếng, cũng là bức vẽ châm biếm đầu tiên của tờ báo này “Người A Nam mình kinh doanh” với hình ảnh chiếc xe chất đầy người, lỉnh kỉnh đồ đạc khiến các bánh xe xẹp lốp vẹo vọ. Phía trên của bức tranh là dòng chữ “Người A Nam mình kinh doanh”, còn phía dưới là “25 chỗ ngồi nhất định”.

“Mọi người thường nghĩ chủ nghĩa thế giới và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đối nghịch nhau, chồng lấn nhau. Tuy nhiên, Tự Lực văn đoàn lại cố gắng giới thiệu những giá trị bên ngoài, không chỉ từ phương Tây mà còn từ những xã hội thuộc địa vào trong Việt Nam. Họ muốn hoàn thiện nó để kiến tạo một bản sắc chủ nghĩa quốc gia dân tộc”, GS Martina Thucnhi Nguyen nhận định.

Ngoài các nghiên cứu, đối sánh văn chương - báo chí của nhóm Tự Lực văn đoàn, nhà nghiên cứu Martina còn đưa ra phát hiện mới thông qua những tài liệu nghiên cứu để chứng minh Tự Lực văn đoàn là một tổ chức tự lực thực thụ, hoàn toàn không có sự tài trợ hay được ủng hộ từ chính quyền thực dân.

Chi phối diện mạo văn học

Tranh biếm họa 'Người A Nam mình kinh doanh' in trên báo Phong Hóa.

Tranh biếm họa 'Người A Nam mình kinh doanh' in trên báo Phong Hóa.

Trong vai trò bình luận, TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) cho biết, cách nhìn Tự Lực văn đoàn của GS Martina Thucnhi Nguyen đã vượt ra ngoài ranh giới của văn chương, giúp độc giả hiểu thêm về vai trò của Tự Lực văn đoàn và những cố gắng của họ trong bối cảnh xã hội lúc đó.

GS Trần Đình Sử cũng đánh giá nghiên cứu của bà Martina đã vượt qua văn chương đi vào các khía cạnh của văn hóa và bình diện giá trị. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, đến nay nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn vẫn chưa được đầy đủ, còn nhiều điều để khám phá, đặc biệt dưới góc nhìn giới tính - hình tượng phụ nữ trong các tác phẩm.

10 năm trước trong dịp nhớ về 80 năm ra đời Tự Lực văn đoàn, ông Ân từng có bài tiểu luận “Nên xem Tự Lực văn đoàn như một “nhóm lợi ích” trong đời sống văn nghệ”. Theo đó, văn nghệ sĩ được liên kết một cách tự do, tự nguyện, theo đuổi các hoạt động văn hóa - xã hội có hoặc không có lợi nhuận, hầu hết đều có thể xem như các nhóm lợi ích.

“Các tờ báo của Tự Lực văn đoàn có mặt liên tục trong gần 10 năm, cho nên áp lực mà họ tạo ra trong đời sống văn nghệ đương thời là rất mạnh, khiến họ mặc nhiên được xem như nhóm văn nghệ chi phối diện mạo văn học những năm 1930 - 1940”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định.

Có thể thấy rằng, từ khi Tự Lực văn đoàn được khởi xướng - đến nay đã hơn 90 năm, nhiều nghiên cứu được tiến hành để chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của họ trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây, thuộc địa - chính quốc, truyền thống - hiện đại.

Các nghiên cứu cũng thống nhất trong việc chú trọng sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để tiếp cận báo chí, văn chương và các hoạt động xã hội của Tự Lực văn đoàn.

Tất cả hướng tới việc làm nổi bật vai trò và vị thế của Tự Lực văn đoàn: Vượt ra bên ngoài biên giới văn chương, hiện diện như một nhóm phái có tư tưởng xã hội, hoạt động tích cực và tạo ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống văn hóa - xã hội - chính trị ở Việt Nam đương thời và về cả sau này.

Tuy nhiên càng đi sâu, người ta càng thấy những điểm mới ở mọi khía cạnh. Cho nên, dù chỉ là một nhóm văn nghệ sĩ nhưng Tự Lực văn đoàn giống như một mảnh đất màu mỡ để cày xới, nghiên cứu, khám phá.

Martina Thucnhi Nguyen là Giáo sư trợ lý bộ môn Lịch sử tại Cao đẳng Baruch (New York). Với chuyên môn là lịch sử Đông Nam Á hiện đại, khu vực nghiên cứu của bà tập trung vào chủ nghĩa thực dân, đời sống trí thức, và những cải cách xã hội - chính trị diễn ra tại Việt Nam trong thế kỉ 20.

Cuốn sách đầu tay “Sức mạnh của chính chúng ta: Tự Lực văn đoàn và chủ nghĩa dân tộc thế giới trong giai đoạn sau của công cuộc thuộc địa tại Việt Nam” được phát hành vào tháng 12/2020 bởi Nhà xuất bản Đại học Hawaii - như một phần của chuỗi sách thuộc Viện Đông Á Weatherhead, Đại học Columbia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ