Thi giáo viên dạy giỏi sao cho hiệu quả

GD&TĐ - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Hiện nay, việc tổ chức kì thi giáo viên dạy giỏi suy cho cùng cũng là cách tổ chức thi đua trong giáo viên về giảng dạy. Chính vì thế, tôi cho rằng việc thi giáo viên dạy giỏi nhất thiết phải được duy trì. Nhưng duy trì như thế nào cho có hiệu quả, đúng như mục đích yêu cầu là vấn đề mà chúng ta cần nhìn lại.

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi nên được thay thế bằng việc công nhận giáo viên dạy giỏi
Cuộc thi giáo viên dạy giỏi nên được thay thế bằng việc công nhận giáo viên dạy giỏi

Hiện nay, cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên được thực hiện theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo Thông tư này, để được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, giáo viên phải đạt yêu cầu ở 3 nội dung sau: Sáng kiến kinh nghiệm hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đạt 6 điểm trở lên; Bài thi kiểm tra năng lực đạt từ 8 điểm trở lên; Hai bài thi giảng đạt loại khá trở lên, trong đó phải có ít nhất 1 bài thi giảng đạt loại giỏi.

Từ kinh nghiệm đi thi, cả chấm thi giáo viên dạy giỏi khá nhiều năm, tôi cho rằng các nội dung thi giáo viên giỏi như hiện nay chưa phù hợp. Thứ nhất, dạy học là quá trình lâu dài, cần có sự vun đắp, nâng niu như trồng cây chờ ngày hái quả. Bác Hồ từng so sánh giữa sự nghiệp “trồng cây” và “trồng người” gần như thế. Chính vì vậy, chỉ bằng hai tiết dạy, một sáng kiến kinh nghiệm và một bài thi viết mà đánh giá một giáo viên nào đó là dạy tốt hay không sẽ phiến diện giống như việc ta đánh giá một người nông dân trồng cây có tốt hay không chỉ bằng quan sát anh ấy thực hiện trong hai giờ với một vài dụng cụ hỗ trợ.

Thứ hai, các nội dung thi này vô tình gây áp lực rất lớn cho giáo viên do phải đạt thành tích như nhà trường đã đặt ra, nhất là đối với nội dung thứ ba, nội dung được nhiều giáo viên cho là gây phiền não nhất. Để đạt một tiết dạy loại giỏi, giáo viên phải có tổng điểm tiết dạy đó là 17/20 điểm, trong đó mục 1, 4, 6, 9 phải 2 điểm (theo hướng dẫn đánh giá, xếp loại giờ dạy hiện hành). Để hoàn thành tốt các tiêu chí đó một cách trơn tru và an toàn, nhiều giáo viên phải soạn sẵn kịch bản cho bản thân và cả học sinh để “diễn” lại khi có giám khảo dự giờ. Thậm chí, không ít trường hợp vì sợ các em yếu kém làm ảnh hưởng đến tiết học vì tiếp thu bài chậm, kết quả khảo sát sau giờ dạy thấp, nên phải cho các em nghỉ ở nhà hôm đó. Đây là một việc làm rất thiếu tính sư phạm trong quá trình giáo dục.

Chính vì thế, tôi cho rằng, nên thay đổi các nội dung thi giáo viên dạy giỏi hiện nay. Nội dung thi giáo viên dạy giỏi nên được thực hiện theo hướng đánh giá lâu dài, tức là phải xem xét kết quả giảng dạy của giáo viên như thế nào, phản hồi của học sinh và đồng nghiệp ra sao? Nói về trình độ học vấn, học sinh tuy không bằng giáo viên nhưng các em là bức tranh sống động và toàn diện phản ánh kết quả mà giáo viên đó đã thực hiện trên lớp.

Vì những lí do và dựa theo đặc thù của cuộc thi giáo viên dạy giỏi, tôi nhận thấy cuộc thi giáo viên dạy giỏi nên được thay thế bằng việc công nhận giáo viên dạy giỏi. Sau đây, là một số đề xuất của tôi về các nội dung để giáo viên được xét công nhận giáo viên dạy giỏi:

Thứ nhất, để được công nhận là “Giáo viên dạy giỏi cấp trường” (được xét hàng năm), giáo viên phải đạt 3 nội dung sau:

+ Nội dung 1 – Kết quả giảng dạy: Giáo viên phải đạt các yêu cầu sau:

- Có học sinh đạt giải cuộc thi học sinh giỏi từ cấp trường trở lên trong năm học được xét.

- Tỉ lệ bộ môn ở các lớp mà giáo viên được phân công giảng dạy trong năm học tổ chức xét phải đạt: Loại giỏi từ X% trở lên, loại khá – giỏi từ Y% trở lên, loại trung bình - khá - giỏi từ Z% trở lên.

+ Nội dung 2 – Đánh giá của nhà trường: Được Tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường đánh giá tốt về: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; quy chế chuyên môn (đảm bảo chương trình môn học; thực hiện đủ các tiết dự giờ, thao giảng theo quy định của nhà trường ...).

+ Nội dung 3 – Đánh giá của học sinh:

Thực hiện khảo sát đơn giản đối với học sinh qua phiếu “Ý kiến của học sinh về giáo viên bộ môn”: (Xem bảng biểu)

Mỗi tiêu chí, giáo viên phải đạt “Mức 4” từ 90% trở lên, “Mức 1” không quá 5% trong tổng số các phiếu được khảo sát.

Thứ hai, điều kiện công nhận “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” (3 năm xét 1 lần): Giáo viên phải đạt 2 nội dung sau:

+ Nội dung 1 – Kết quả giảng dạy: Giáo viên phải đạt các yêu cầu sau:

- Có học sinh đạt giải cuộc thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên ít nhất 1 năm trong 3 năm liền kề với năm tổ chức xét công nhận.

+ Nội dung 2 – Kết quả công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường:

Có 3 năm liên tiếp được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường (liền kề với năm xét cấp tỉnh).

Tôi tin rằng với các đề xuất như trên, việc công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ có kết quả chính xác hơn, đồng thời, giáo viên sẽ giảm bớt áp lực bởi cuộc thi mang tên “giáo viên giỏi”. Thay vào đó, giáo viên sẽ dành nhiều thời gian để đầu tư chuyên môn nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong giảng dạy, quan tâm đến đối tượng giáo dục nhiều hơn. Đây mới chính là mục đích yêu cầu cốt yếu của kì thi này. Chính vì vậy, nó sẽ tạo được động lực thúc đẩy quá trình dạy và học trong nhà trường theo hướng tích cực.n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.