Phát triển phẩm chất người học
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết dẫn giải, tinh thần yêu nước có thể được hun đúc thông qua nội dung của các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm và một số nội dung của các môn Ngữ văn, Địa lí, Sinh học… Phần lớn các môn học này cũng bồi dưỡng cho học sinh lòng nhân ái, khoan dung, ý thức tôn trọng các nền văn hoá khác nhau, tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người.
Cùng với đó, tính chăm chỉ, thái độ trung thực và tinh thần trách nhiệm từng bước được hình thành và phát triển thông qua lao động học tập hằng ngày dưới sự hướng dẫn, rèn luyện của thầy cô. Tinh thần yêu nước và lòng nhân ái cũng chỉ có thể hình thành và phát triển bền vững thông qua các hoạt động thực tế.
Chia sẻ về phương pháp giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học; trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học tối thiểu, chú trọng khai thác công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kĩ thuật số.
Chú trọng khai thác công cụ tin học. Ảnh minh họa |
Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: Học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia seminar, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Về đánh giá kết quả giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, CTGDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế.
Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp. Việc đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ảnh minh họa |
Kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu: “Thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Nghị quyết cũng quy định: “Các cơ sở GDPT lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Như vậy, khi áp dụng CTGDPT mới, đối với mỗi môn học, các trường phổ thông trên cùng một địa bàn (quận, huyện, tỉnh, thành phố…) có thể sử dụng những SGK khác nhau.
Việc chỉ đạo dạy học, thanh tra chuyên môn, tổ chức đánh giá kết quả giáo dục định kì, thi học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi… trên địa bàn không thể dựa vào nội dung của SGK như từ trước tới nay mà phải dựa vào các quy định của chương trình, đặc biệt là quy định về các yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp học, cấp học. Điều này đòi hỏi cán bộ chỉ đạo, quản lí giáo dục phải nghiên cứu kĩ CTGDPT mới và thay đổi thói quen chỉ dựa vào SGK.
Cùng với đó, cơ quan quản lí giáo dục địa phương và cơ sở giáo dục cần bồi dưỡng để nâng cao nhận thức cho giáo viên và có kế hoạch cụ thể thực hiện nguyên lí giáo dục “Kết hợp giáo dục ở nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội”. Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học; Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan quản lí giáo dục địa phương và cơ sở giáo dục một mặt chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó thực hiện giáo dục học sinh trong thực tiễn đời sống. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ở địa phương để huy động nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.
“Cơ quan quản lí giáo dục địa phương và cơ sở giáo dục cần bảo đảm cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên phù hợp với yêu cầu của CTGDPT mới và các quy định của Nhà nước. Về cơ sở vật chất, cần bảo đảm các yêu cầu đã quy định trong CTGDPT mới, đặc biệt chú ý các yêu cầu sau: Có đủ phòng học để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học; Bố trí bàn ghế trong lớp học theo nhóm học tập” - GS Nguyễn Minh Thuyết