Mỗi một phong trào, mỗi một cuộc thi đều có mục đích cụ thể, đều có những tiêu chí rõ ràng. Và chính những phong trào này đã làm tiền đề để nâng cao chất lượng giảng dạy ở nhà trường và tất nhiên cũng sẽ là tiêu chí xét thi đua cuối năm cho các cá nhân và các đơn vị GD.
Nhiều bài viết phản ánh những tiết thao giảng cấp trường hay cấp huyện, cấp tỉnh là do BGH, tổ chuyên môn hay Hội đồng bộ môn đã xây dựng trước. Người giáo viên dạy tiết thao giảng đó chỉ là “diễn viên”.
Điều này theo chúng tôi không có gì sai. Bởi, khi Hội đồng bộ môn, hay tổ chuyên môn thực hiện một chuyên đề thì việc chung tay của nhiều người có gì là sai trái?
Chúng ta phải làm công phu tiết giảng đó để giáo viên trong tổ, trong Hội đồng bộ môn khi đến dự giờ thấy cái hay, cái được từ tiết thao giảng để rút kinh nghiệm cho bản thân, để ứng dụng trong công tác giảng dạy của riêng mình.
Vì vậy, để phong trào thi đua hướng tới chất lượng thật, tạo được sự đồng thuận, công bằng, minh bạch trong thi đua thì điều cốt lõi phải làm tốt những vấn đề sau:
Trong BGH và Hội đồng thi đua khen thưởng của các đơn vị phải công tâm, khách quan, khi xét thi đua không chỉ căn cứ cứng nhắc vào hướng dẫn của ngành mà phải căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và cống hiến của cá nhân, tập thể đó cho đơn vị mình.
Tất cả cá nhân, đơn vị phải được bình đẳng khi đưa ra bình bầu, tránh thiên vị, tránh người có chức, có quyền thì nghiễm nhiên được xét, được đề nghị công nhận danh hiệu thi đua.
Khi thành lập các Hội đồng giám khảo chấm chọn giáo viên dạy giỏi, chấm sáng kiến kinh nghiệm nhất thiết phải là người có chuyên môn vững vàng, và dĩ nhiên người giám khảo phải là người cùng chuyên môn với người thi để chấm chọn, đánh giá một cách công tâm, minh bạch, nhìn vào chuyên môn để chấm chứ không nhìn vào tên tuổi, vị trí của người thi.
Đối với giáo viên, cần xác định rõ mục tiêu thi đua là để tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu bằng chính năng lực của mình, tránh nâng thành tích ảo, tuyệt đối không nhờ vả người khác làm đề tài khoa học thay mình để có thành tích.