Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa chính là do bệnh thành tích mà nên, trong đó, thi đua là nguyên nhân trực tiếp tạo ra áp lực. Có rất nhiều ý kiến cho rằng cần bãi bỏ hết các cuộc thi, các phong trào thi đua,.. để giảm thiểu áp lực; rằng giáo viên đến trường chỉ cần dạy và học,..v.v.
Liệu thi đua có phải là bệnh thành tích?
Thi đua là cùng nhau đem hết sức lực, tài năng ra để đua nhau làm nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong một lĩnh vực nào đó.
Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Như vậy, có thể coi thi đua là phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt.
Bệnh thành tích, suy cho cùng phải gọi đó là bệnh giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng. Căn bệnh này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào một bộ phận “công bộc của dân”, làm sai lệch những chuẩn mực xã hội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước,...
Như vậy, đây là hai khái niệm hoàn toàn đối lập, hoàn toàn khác về ý nghĩa, và vì thế,không thể đánh đồng.
Tuy nhiên, không thể trách việc một số người cho rằng thi đua là nguyên nhân dẫn đến bệnh thành tích. Thực trạng xã hội hiện nay, một số đơn vị, một số ngành, một số trường học,lớp học đã làm biến tướng hai chữ “ thi đua ”. Chẳng hạn như vì thành tích,một số trường đã đưa các chỉ tiêu về chất lượng, về thành tích học sinh giỏi… vào đánh giá xếp loại; chỉ đạo giáo viên không được để học sinh ở lại, lập báo cáo khống..; một số giáo viên vì thế mà có những việc làm gian dối như nâng điểm, học sinh yếu cũng cho lên lớp..v.v Nặng nề hơn nữa là sự việc sau kỳ thi THPT năm 2018. Những gian dối trong thi cử của một số địa phương nhằm mục tiêu vụ lợi cá nhân, nhằm tạo những con số đẹp trên bảng thống kê của phong trào giáo dục địa phương, sánh vai cùng các đơn vị bạn đã làm cho sự hoài nghi của xã hội tăng cao, lung lạc niềm tin với giáo dục.
Lại có những phần thưởng được trao dựa trên không ít những thành tích gian dối tạo cơ hội cho người được khen thưởng sớm tăng lương trước thời hạn, dễ được thăng chức, bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn. Bệnh thành tích kiểu này làm thui chột nhiệt huyết của những người chân chính.
Thực ra ham muốn có thành tích là một mục tiêu tốt, cần được coi là thuộc tính của con người, phản ánh tâm lý không ngừng vươn lên tầm phát triển ngày càng cao hơn. Thi đua đạt thành tích cao chính là thúc đẩy chất lượng lao động, cũng giống như cách trả lương theo sản phẩm . Như vậy, có thể khẳng định, thi đua để đạt thành tích cao hơn không phải là điều xấu. Vấn đề ở chỗ thành tích đạt được phải là thành tích thật, kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi, những suy tư không ngừng nghỉ, của cả những hy sinh lợi ích cá nhân.
Một khi lòng ham thành tích bình thường của con người bị gọi là "bệnh thành tích" như trong ngành giáo dục hiện nay, thì phải được hiểu những thành tích đạt trong thi đua như vậy là thành tích ảo, không thật, có hại. Chế tạo ra thành tích như thế sẽ gây ra những khuyết tật và theo thời gian, phát sinh bệnh ngày càng nặng tới mức như hiện nay. Nói vậy để thấy rằng bệnh thành tích luôn đi liền với tính giả dối. Muốn khắc phục bệnh này phải khắc phục được sự giả dối. Bản thân phong trào thi đua không nhải là nguyên nhân gây bệnh thành tích, mà là cách thức tổ chức thi đua đã thúc đẩy tính giả dối.
Giải pháp nào giành cho “căn bệnh” này?
Trước hết, thi đua phải công bằng, và muốn như vậy phải có sự đầu tư đồng bộ, ngang bằng mới tạo thế cạnh tranh lành mạnh, phong trào thi đua đích thực. Từ con người – gồm đội ngũ GV, chất lượng đầu vào của HS, đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá đúng thực lực của từng cá nhân, đơn vị trong từng bước tiến hành công tác thi đua.
Mặt khác, cũng cần thiết xây dựng dư luận xã hội đề cao, tôn vinh những tấm gương GV tận tụy với HS, lên án những cá nhân coi trọng vật chất, trục lợi. Tâm lý số đông các bậc phụ huynh lầm tưởng, khát khao con em mình đều trở thành thiên tài cũng chính là một trong những cơ sở để căn bệnh thành tích trong GD-ĐT có cơ hội phát triển.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đôn đốc kịp thời quá trình diễn ra các hoạt động của phong trào thi đua sẽ giúp giảm cơ hội nảy sinh căn bệnh thành tích. Hơn ai hết, cán bộ quản lý cần nắm biết rất rõ công việc của từng cá nhân, cơ sở theo từng thời điểm, từng giai đoạn, để có tác động hỗ trợ kịp thời cho cơ sở trong triển khai nhiệm vụ, ngăn chặn được xu thế làm tròn số, làm đẹp báo cáo,…
Bệnh thành tích cần được khắc phục, nhưng thi đua nhất thiết vẫn cần có thi đua. Một điều hết sức quan trọng là bản thân mỗi cán bộ, giáo viên, mỗi bậc làm cha làm mẹ cũng cần phải rèn luyện cho mình bản lĩnh trung thực,thẳng thắn, không vì những lợi ích cá nhân mà dấu dốt, gian dối, mà chạy đua theo những thành tích không có thực, cái mà mình chưa thể đạt được.