Nhận diện nguyên nhân
Để xảy ra các vụ việc trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, là do một số giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ; chưa có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự nhà giáo; còn hạn chế về năng lực, thiếu phương pháp sư phạm, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống, trong khi yêu cầu, áp lực công việc cao, dẫn đến có những hành vi thiếu tính giáo dục, vi phạm thân thể học sinh.
Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục năng lực còn yếu kém, dẫn đến buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên; chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời và nghiêm minh để giáo dục, răn đe; không khí dân chủ trong nhà trường chưa tốt. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình để quản lý, giáo dục học sinh chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, từng bước khắc phục những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Trong số hơn 1,2 triệu nhà giáo, tuyệt đại đa số có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, yêu nghề, yêu trẻ, thầm lặng tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp trồng người; chỉ một số cá biệt trong đó có hành vi vi phạm đạo đức, gây bức xúc dư luận. Mong rằng các cấp, các ngành cùng chung tay thực hiện các giải pháp tiếp tục nâng cao đạo đức nhà giáo, xây dựng văn hóa lành mạnh trong nhà trường. Đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường đăng tải hơn nữa những tấm gương nhà giáo hy sinh, tận tụy với học sinh, tạo sức lan tỏa tốt đẹp trong toàn ngành và toàn xã hội.
Gần đây nhất, có thể nói đến là Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT về chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo...
Bộ GD&ĐT cũng đã rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, CBQL giáo dục, trong đó có quy định về phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Hoàn thiện quy định về quy tắc ứng xử trong trường mầm non, phổ thông để thực hiện từ năm học 2018 - 2019; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; tăng cường tự chủ gắn với phát huy dân chủ trong trường học.
“Mặc dù Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện những văn bản này. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các quy định của ngành tới giáo viên còn hạn chế. Truyền thông cũng đã đưa những vụ việc vi phạm trước đây và biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm nhằm tuyên truyền, cảnh báo, nhưng công tác này triển khai ở địa phương chưa tốt” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ đức, đủ tài
Chia sẻ các giải pháp đã, đang và sẽ triển khai nhằm khắc phục, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh việc chủ động nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục xác minh, giải quyết nhanh, kịp thời các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo. Tăng cường các biện pháp quản lý, đồng thời huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; Có biện pháp thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục, chủ động xử lí, giải quyết ngay khi có sự việc xảy ra.
Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức Hội thảo về giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo. Đổi mới đồng bộ từ khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức, năng lực nhà giáo, CBQL giáo dục, đặc biệt là nâng cao năng lực, trách nhiệm của hiệu trưởng; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tập trung rà soát, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang tập trung rà soát xem có hay không việc áp đặt chỉ tiêu thi đua tại các cơ sở giáo dục; rà soát các văn bản chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, Điều lệ trường học, tiêu chí trường chuẩn quốc gia, chuẩn nghề nghiệp CBQL giáo dục, chuẩn giáo viên... đã ban hành, từ đó khẩn trương chỉnh sửa, ban hành mới (nếu có) để giảm sức ép, áp lực thi đua đối với giáo viên, CBQL giáo dục.
Cùng với đó, Bộ phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khảo sát trên diện rộng đối với CBQL giáo dục, giáo viên, cha mẹ học sinh, người dân và học sinh, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở các vùng miền trong cả nước về môi trường giáo dục. Từ đó, mở diễn đàn để huy động cộng đồng tham gia, hiến kế, chia sẻ, phát hiện và đề ra các giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại, bức xúc của giáo dục.
“Bộ GD&ĐT đang soạn thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, làm rõ những nội dung quy định về đạo đức nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục Sở/Phòng GD&ĐT, trong đó có quy định về đạo đức nhà giáo, CBQL giáo dục, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.