Xin Bộ trưởng cho biết sự quyết tâm của ngành Giáo dục trong việc phát triển hệ thống trường học tại các huyện đảo?
Từ những hoạt động này, đội ngũ thầy cô giáo, HS - SV cả nước có thêm thông tin, việc làm để tăng cường sự gắn bó với đồng nghiệp, với bạn bè của mình ở những vùng khó khăn, hoàn thiện bản thân, thay đổi nhận thức đúng đắn theo kịp với tình hình của đất nước.
- Đây là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước đảm bảo quyền học tập của tất cả các học sinh trên mọi miền Tổ quốc.
Ở vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đảo của Tổ quốc, khi đã có học sinh, chúng tôi phải tính đến việc có trường, có lớp, có thầy cô giáo giúp cho việc học của các cháu diễn ra bình thường.
Nhiệm vụ này càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Khi vấn đề Biển Đông đang rất nóng, việc đảm bảo sinh hoạt bình thường của các gia đình, của các học sinh ở các huyện đảo càng trở nên cấp thiết.
Tại đảo Cồn Cỏ, các cháu ở tuổi mầm non đã có trường học, nhưng ngôi trường đã bị cơn bão số 10 năm 2013 phá sập. Từ đó đến nay, các cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh đã không quản ngại khó khăn tiếp tục việc dạy và học trong các phòng học tạm đi mượn, kiên trì bám đảo với sự đùm bọc của Đảng bộ, chính quyền huyện đảo.
Vì vậy, cần phải xây dựng lại ngôi trường vững chắc, kiên cố, giúp cho việc học ở bậc mầm non ổn định, không bị tác động bởi thiên nhiên.
Chúng tôi cũng tính sau khi học mầm non, tạo điều kiện cho các cháu được học tập tiếp tại đây. Hiện học sinh huyện đảo sau khi kết thúc bậc học mầm non phải xa cha mẹ vào đất liền ở nhờ nhà ông bà, chú bác để học tiếp bậc tiểu học, THCS, THPT.
Việc đó cũng gây nhiều khó khăn: Bố mẹ ngoài đảo không yên tâm, sinh hoạt ngoài đảo chưa được bình thường, rồi các cháu học ở đất liền nhớ bố nhớ mẹ…
Để học sinh có điều kiện học tập ổn định, gắn bó lâu dài với biển, với đảo, có tình cảm gắn bó, và cũng để cha mẹ học sinh huyện đảo yên tâm và có thể gần gũi, chăm sóc tốt nhất cho con em, tạo điều kiện cho các đảo, trong đó có đảo Cồn Cỏ có sinh hoạt bình thường như những làng xóm khác trên đất nước Việt Nam, Bộ GD&ĐT quyết định cùng với việc xây dựng lớp học, các cơ sở phụ trợ cho trường mầm non, sẽ xây dựng cả cơ sở của cấp tiểu học giúp các cháu được học ở đây, cùng sinh sống với bố mẹ trên huyện đảo quê hương.
Thưa Bộ trưởng, có trường mầm non, có trường tiểu học, Bộ GD&ĐT có tính đến nhu cầu học các bậc học cao hơn của học sinh huyện đảo Cồn Cỏ?
- Tương lai sau này, khi các học sinh lên đến THCS và bậc học sau, sẽ tiếp tục tính toán để việc học, việc sinh sống của học sinh cùng cha mẹ, cùng nhân dân nơi đây có sự gắn bó lâu dài, bền vững với biển đảo, với vùng đất Cồn Cỏ.
Điều này cũng nằm trong chủ trương chung của Đảng và Nhà nước để triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các thế mạnh của từng vùng đất, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo đó, ngôi trường này sẽ có đủ các lớp học ở các trình độ: tiểu học, trung học phổ thông và khu nhà công vụ cho giáo viên, khu nấu ăn cho học sinh và các công trình phụ trợ đảm bảo tiêu chuẩn với mục tiêu:
Đảm bảo cơ hội học tập cho tất cả mọi trẻ em của các gia đình sinh sống trên đảo Cồn Cỏ. Khi các em lớn tới đâu thì các lớp học sẽ cùng lớn thêm tới đó để các em thêm gắn bó với quê hương biển đảo của mình.
Thưa Bộ trưởng, trong thời điểm hiện tại, việc xây dựng Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba tại huyện đảo Cồn Cỏ phải chăng còn mang ý nghĩa là sợi dây gắn bó tinh thần yêu nước giữa người đất liền và người ngoài đảo xa?
- Những sự kiện diễn ra gần đây gợi lòng yêu nước, hướng đến biển đảo của tất cả mọi người dân, trong đó có các thầy cô giáo, các cháu học sinh, sinh viên.
Việc xây dựng ngôi trường ở đảo Cồn Cỏ không phải là công việc duy nhất. Cùng với sự giúp đỡ của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng nhiều lực lượng xã hội, chúng tôi đã khánh thành ngôi trường ở huyện đảo Trường Sa. Trong thời gian tới, công việc sẽ tiếp tục được triển khai ở những vùng đảo khác.
Những ngôi trường này trước hết để tạo điều kiện đảm bảo việc học, quyền được sống cùng với cha mẹ, gia đình của các cháu. Qua việc sống, việc học, các cháu cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của xã hội, từng bước ý thức được trách nhiệm cùng tình yêu biển đảo gắn bó.
Cũng qua những hoạt động này, đội ngũ thầy cô giáo, học sinh - sinh viên cả nước có thêm thông tin, hành động để tăng cường thêm sự gắn bó với đồng nghiệp, với bạn bè của mình ở những vùng khó khăn.
Điều này đặc biệt quan trọng với Tổ quốc, với đất nước. Bởi không phải chỉ là giúp đỡ các học sinh, giúp đỡ thầy cô giáo ở vùng khó khăn, ở biển đảo mà còn là giúp đỡ chính đội ngũ thầy cô giáo và các học sinh - sinh viên ở trong đất liền hoàn thiện bản thân, tăng cường, thay đổi nhận thức đúng đắn theo kịp với tình hình của đất nước.
Góp sức cùng các Bộ, Ngành khác, ngành Giáo dục đã, đang và sẽ có những đóng góp gì trong việc chung sức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn của Tổ quốc, thưa Bộ trưởng?
- Hướng về biển đảo là tình cảm tự nhiên của mỗi con người và nói đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với bất cứ người Việt Nam nào đều rất thiêng liêng.
Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị của mình đều có những suy nghĩ, hành động cụ thể để biểu thị ý chí, tình cảm của mình đối với vùng biển đảo của Tổ quốc, hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ngành Giáo dục thể hiện tình yêu nước bằng những hành động cụ thể: Góp phần xây dựng cơ sở giáo dục ngoài biển đảo; Tổ chức việc dạy - học, thông qua đó lồng ghép những nội dung liên quan đến biển đảo, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần, ý chí, suy nghĩ cho học sinh – sinh viên, các thầy cô giáo, từ đó có những hành động thiết thực góp phần vào công việc chung của đất nước.
Cùng đó, tham gia vào các hoạt động khác tại địa phương để không chỉ là học sinh, thầy cô giáo mà các công dân sống trên các địa bàn, các ngành, các cấp khác sẽ có rất nhiều hoạt động linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, hưởng ứng chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ.
Trong các chủ đề năm học, trong các lịch trình hoạt động của ngành Giáo dục đều có những hoạt động cụ thể hướng tới điều này.
Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!
Ngày 8/6, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện đảo Cồn Cỏ huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong ngành Giáo dục và các nhà hảo tâm xây dựng Trường Mầm non và Tiểu học Hoa Phong Ba để học sinh học mầm non và học tiểu học ngay trên đảo Cồn Cỏ.
Công trình Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba có tổng diện tích 1.800 m2 được xây dựng theo các giai đoạn. Tổng số tiền 5 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 do Bộ GD&ĐT và các tập thể, cá nhân đóng góp, không sử dụng Ngân sách Nhà nước. Ngôi trường sẽ có đủ các lớp học ở các trình độ: Mầm non, Tiểu học và khu nhà công vụ cho giáo viên, khu nấu ăn cho học sinh và các công trình phụ trợ trên diện tích ban đầu là 400 m2.