Góp ý xử phạt hành chính lĩnh vực giáo dục, Hà Nội trình phương án thi vào 10

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhiều góp ý cho dự thảo xử phạt hành chính lĩnh vực giáo dục

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD&ĐT soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018.

Trả lời trên báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT – cho biết: Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành năm 2013. Sau 5 năm, Nghị định đã bộc lộ rõ những bất cập và tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Qua tổng kết, có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trong Nghị định 138 là thấp, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy việc quy định mức phạt chỉ là một biện pháp tác động, bên cạnh đó còn biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả nên đã cân nhắc thay đổi. Có hành vi thì nâng mức phạt, có hành vi thì giảm mức phạt.

Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT 

Theo Luật xử lý VPHC thì mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên trong Dự thảo chưa có hành vi nào dự kiến áp dụng mức cao nhất này.

Dự thảo vẫn giữ logic bố cục như Nghị định 138 nhưng có một số mục, một số điều mới. Dự thảo bổ sung nhiều hành vi quy định đối với tổ chức, về quản lí cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm cho việc tự chủ tốt hơn; tương tự đã bổ sung hành vi in xuất bản SGK không đúng quy định bảo đảm tương thích với quy định về xuất bản SGK; bổ sung quy định về tư vấn du học…

Dự thảo công bố đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh…

Góp ý cho dự thảo trên Tiền phong, TS Tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội) đánh giá: dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với học sinh đặc biệt với những hình thức đánh, xúc phạm học sinh là tích cực và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

TS Tâm lý Trần Thành Nam
 TS Tâm lý Trần Thành Nam 

TS Nam cho biết, đã có nhiều bằng chứng rõ ràng về những ứng xử bạo lực, phi sư phạm của giáo viên làm tăng hành vi tấn công và bắt nạt ở học sinh, giảm điểm thành tích học tập và tăng tỉ lệ lo âu trầm cảm và tội phạm vị thành niên.

TS Nam cho rằng, theo tổ chức nhân quyền thế giới đã tuyên bố và chỉ rõ những hình thức giáo dục trừng phạt hà khắc với những hành vi như nêu trên vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ và có hơn 142 quốc gia trên toàn thế giới đã ra sắc luật nghiêm cấm những hình thức trừng phạt thân thể và xúc phạm học sinh trong các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà mái ấm thậm chí cả trong các cơ sở giáo dưỡng, giáo dục lại trẻ.

Hành vi bạo lực học đường cần xử lý nặng nên hình phạt cần đủ nặng. Tuy nhiên, theo TS Thành Nam, việc định nghĩa các trường hợp phải rõ ràng; cần xây dựng một cơ chế giám sát, phát hiện, xử phạt thế nào cho minh bạch, nhất quán và hiệu quả. Giáo viên có trách nhiệm trong hành xử nhưng cũng phải có điều lệ để bảo vệ họ.

Báo Kinh tế đô thị chia sẻ ý kiến thầy giáo Trần Mạnh Tùng – giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều): "Về cơ bản, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định xử phạt về vi phạm dạy thêm học thêm. Qua 5 năm thực hiện Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy dự thảo nghị định này đưa ra những nội dung chi tiết hơn, dễ áp dụng hơn, bao quát hơn và tăng nặng mức xử phạt nhằm mục đích răn đe lớn hơn.

Việc ban hành một nghị định mới với những nội dung chặt chẽ, có thể tăng mức xử phạt để răn đe và quy định đi vào đời sống. Bên cạnh đó cần phải có thêm các hình thức kỷ luật dành cho các bộ, ban ngành liên quan. Ví dụ, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm thì chính quyền cấp phường/xã, quận/huyện sẽ phải liên đới, chịu trách nhiệm. Có như thế, nghị định mới đi vào đời sống giúp cho việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng quy định, triệt tiêu những tiêu cực đang diễn ra rất phổ biến".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng,số tiền phạt lớn gấp nhiều lần tiền lương khiến không ít giáo viên lo lắng và cho biết có thể sẽ chọn cách im lặng trước học sinh hư.

Hà Nội tăng số môn thi vào lớp 10

Dựa trên những ý kiến đóng góp của các cá nhân, tập thể về phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch đổi mới phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020 với 4 bài độc lập, thay vì phương án kết hợp thi tuyển kết hợp với xét tuyển như hiện nay.

Nếu được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, từ năm học 2019-2020, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ thi 4 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và không sử dụng điểm học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS để tuyển sinh vào lớp 10.

Bài thi thứ tư do Sở bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3-2019. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Theo dự kiến, có thể thứ Hai tới kế hoạch tuyển sinh sẽ được ký phê duyệt. Cũng dự kiến, trong tháng 10/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020 để giáo viên, học sinh sớm có định hướng trong dạy học và ôn tập.

Sau thông tin này, nhiều nhà giáo, học sinh và phụ huynh đã bày tỏ sự đồng tình. Ghi nhận của Vietnamplus.vn, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lý Thái Tổ cho biết, thi 4 môn là phù hợp, không quá nhiều khiến các em áp lực, nhưng vẫn đảm bảo học sinh phải chú tâm học toàn diện vì đến tháng Ba mới công bố môn thi thứ tư. Theo đó, trong gần như suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn vì chưa biết môn nào sẽ được Sở lựa chọn để thi vào lớp 10.

Cùng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho rằng đây là phương án phù hợp trong điều kiện hiện tại của Hà Nội.

Trả lời trên Lao động, TS Phạm Ngọc Hưng - giáo viên dạy môn Toán THCS tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi – cho rằng, phương án thi 4 môn là lựa chọn tối ưu, tránh tình trạng học sinh học lệch. Đây cũng là một chủ trương phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhưng sẽ gây thêm áp lực học tập cho học sinh.

Để thích ứng với việc thay đổi phương án thi này, TS Hưng đưa ra lời khuyên, ngay từ đầu năm học, học sinh sẽ phải học đều các môn, tránh học lệch, bởi môn thi mới có thể là bất kỳ môn nào trong số Sử, Địa, Giáo dục công dân, Lí, Hóa, Sinh. Ngoài ra, Toán, Văn và Ngoại Ngữ là các môn đã được xác định ngay từ bây giờ là có thi, học sinh cần phải học chắc ngay từ đầu.

Học sinh và phụ huynh cần sớm xác định đúng năng lực, mục tiêu (điểm số, trường dự định thi) để có một lộ trình ôn thi không bị áp lực quá lớn…

Đoàn học sinh Việt Nam lập kỳ tích tại IMSO
Đoàn học sinh Việt Nam lập kỳ tích tại IMSO 

Việt Nam lập kỳ tích tại kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế IMSO 2018

Tuần qua, nhiều phương tiện truyền thông ưa tin Việt Nam có kỷ lục mới tại cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế (International Mathematics and Science Olympiad - IMSO) lần thứ 15 năm 2018 với kết quả 23/23 học sinh tham gia đều đạt giải. Trong đó, có 8 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.

Thầy cô, bạn bè đón Nguyễn Đình Kiên (thứ hai từ phải sang) tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 4/10. Ảnh: Nguyễn Sương.
Thầy cô, bạn bè đón Nguyễn Đình Kiên (thứ hai từ phải sang) tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 4/10. Ảnh: Nguyễn Sương. 

4 huy chương vàng Toán học là Nguyễn Đình Kiên (THCS Hồng Bàng, Hải Phòng), Trần Bảo Duy (Liên cấp TH&THCS Ngôi sao Hà Nội), Ngô Chí Kiên và Trịnh Anh Minh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Ngoài ra, Nguyễn Đình Kiên còn được trao giải Best Theory (Phần thi lý thuyết xuất sắc nhất) môn Toán học.

Kỳ thi IMSO lần thứ 15 - năm 2018 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 28/9 - 4/10, có 400 thí sinh đến từ 22 quốc gia tranh tài. Năm 2018 là năm thứ 4 Hà Nội đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.