Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Bộ, Cục quản lý xây dựng công trình, Giám đốc BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4, các nhà khoa học và các Sở, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh.
Theo báo cáo từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ các khu vực có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng công trình dập dâng, gồm: Do lòng hồ đập chính không được dọn sạch thực bì; Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt; nguồn thải sinh hoạt của cư dân Khe Trươi và quanh đập dâng; trang trại chăn nuôi; Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang; nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang và công trình đầu mối Ngàn Trươi.
Tại cuộc họp, một chỉ số gây bất ngờ được cơ quan chức năng công bố, cho rằng là một tác nhân nữa gây nên ô nhiễm tại lòng hồ, đó chính là chất TSS (chất lơ lửng không hòa tan) vượt từ 2,06 đến 5,43 lần.
Hàm lượng sắt vượt ngưỡng
Ông Hồ Huy Thành – Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh nhấn mạnh, nước tại lòng hồ Ngàn Trươi có hàm lượng sắt cao, vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, vùng đất đáy hồ Ngàn Trươi là vùng đất chứa nhiều quặng Pirit (FeS2 – có chứa hàm lượng sắt và lưu huỳnh cao); khu vực Khe Trươi có tới 6 mỏ sắt ở xung quanh khu vực Ngàn Trươi – Cẩm Trang, khi có mưa mang theo sắt chảy về Hói Trươi, chảy xuống đập dâng lắng đọng trong nước. Khi xả nước hồ về sẽ cuộn lên lắng đọng gây màu.
Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh khẳng định nguyên nhân chính nghiêng về chỉ số sắt cao trong nước. |
Khi nhận định về nguồn nước có màu, Sở này cũng cho biết, khu vực lòng hồ Ngàn Trươi có nhiều xác thực vật đang bị phân hủy yếm khí nên nước ở tâng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ (thể hiện ở giá trị TSS cao). Các hợp chất hữu cơ trong đáy lòng hồ chủ yếu là hợp chất hữu cơ bền, khó phân hủy bằng sinh học và hóa học có màu.
“Còn mùi tanh hôi là do khí sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí ở tâng đáy như sunfua, amoniac… ở điều kiện pH thấp tồn tại ở dạng ion hòa tan, khi chuyển qua đập dâng do điều kiện pH, DO tăng cao nên chuyển dạng sunfua, amoniac hòa tan trong nước , khi nhiệt độ tăng thì bay hơi và phát tán vào môi trường và gây mùi hôi thối” – ông Thành thông tin.
Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 đề nghị tiếp tục xả kiệt đập dâng. |
Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) bộ NN&PTNT báo cáo tại cuộc họp vẫn cho rằng, có rất nhiều tác nhân gây ra biến đổi màu trên lòng nước dẫn Vũ Quang, trong đó hàm lượng sắt trên lòng hồ dẫn Vũ Quang cao có thể là một tác nhân (hàm lượng Fe cao trong nước ở dạng Fe (II), nó sẽ bị oxi hóa trở thành Fe (III). Quá trình này sẽ lấy oxi hóa hòa tan trong nước, khiến lượng oxi hóa tan trong nước giảm xuống. Tiếp đó Fe (III) sẽ trải qua quá trình thủy phân để trở thành Hydroxit sắt làm nước chuyển màu.
Như vậy, qua nhiều lần quan trắc và phân tích các mẫu nước cho thấy: Mức độ ô nhiễm các hợp chất hữu cơ (thể hiện qua các chỉ tiêu TSS, BOD5, COD), kim loại (thể hiện qua sắt) cao nhất ở tầng đáy và tầng giữ của lòng hồ Ngàn Trươi, tiếp đến là khu dập dâng Vũ Quang và cuối cùng là Khe Trươi.
Tiếp tục xả kiệt lòng hồ
“Dư luận cho rằng, nguyên nhân chính là do lòng hồ đập chính không được dọn sạch thực bì dẫn đến ô nhiễm, tôi khẳng định hoàn toàn không phải? Nhưng chắc chắn một điều tác nhân gây nên hiện tượng đổi màu trên lòng dẫn Vũ Quang là từ hàm lượng sắt cao”- ông Thịnh khẳng định.
Cuộc họp nghe báo cáo về nguyên nhân gây ô nhiễm Ngàn Trươi - Cẩm Trang |
Vị giám đốc này cũng đề nghị, nếu chỉ số TSS và kim loại cao ở tầng đáy và tầng giữa lòng hồ Ngàn Trươi thì yêu cầu, “Tiếp tục xả kiệt lòng dẫn Vũ Quang, để đánh giá trầm tích trên lòng dẫn, nếu lòng dẫn bị nhiễm cần thau rửa hoặc bóc vỏ lớp trầm tích. Tôi cũng nhận định, dù nước lòng hồ bị biến đổi màu, nhưng với thực tế cây trồng và thủy sinh sinh trưởng bình thường, không thấy hiện tượng cá hay sinh vật sống trong nước chết xảy ra” – ông Thịnh nói.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, việc tháo kiệt nước trong lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang để dọn sạch bề mặt đáy là phù hợp. Vì, từ khi có đập dâng tới nay chưa một lần lau rửa lòng hồ. Thay nguồn nước đập dâng, xả đi số bùn dày đặc dưới lòng hồ là hết sức cần thiết. “Tuy nhiên nếu nguyên nhân chính do từ lòng đáy đập dâng thì mới được xả kiệt lòng hồ. Còn chỉ đơn thuần là lấy mẫu xét nghiệm thì tuyệt đối không được” - ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy chất vấn ngay giữa cuộc họp.
Đập dâng có màu đỏ "bền vững" |
Bí thư Tỉnh ủy kết luận, đây là công bố nguyên nhân ban đầu về ô nhiễm nguồn nước tại dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang, nhưng là nguyên nhân chính, quan trọng. Để có kết luận cuối cùng về tác nhân chính gây ra ô nhiễm tại đập dâng Ngàn Trươi, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp các Bộ ngành, các nhà khoa học hàng đầu trong nước tiếp tục truy tìm nguyên nhân, nhưng phải thật sự khách quan, khoa học.