Nước chuyển màu nước mắm
Người dân các huyện Can Lộc, Vũ Quang, Đức Thọ hơn 1 tuần nay hoang mang vì nguồn nước tại Ngàn Trươi - Cẩm Trang ô nhiễm bất thường, từ màu nước trong xanh chuyển sang đỏ đen, đậm đặc không khác gì màu… nước mắm.
Theo như người dân sống lân cận đập dâng, hiện tượng nước chuyển màu đã có từ mấy năm nay nhưng lần này nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, màu nước chỉ thỉnh thoảng chuyển sang vàng nhạt. Còn lần này, nước chuyển hẳn màu đỏ đen, đậm đặc và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Nguồn nước tại đây đã ô nhiễm đến mức báo động. Dân tình lo sợ. Nếu để tình trạng này kéo dài, ắt hẳn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân tại 4 huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho hay.
Theo ông Nghĩa, hiện tượng nguồn nước ô nhiễm do năm 2016 - 2017 trong quá trình xử lý, làm sạch lòng hồ trước khi tích nước, có một lượng lớn cây và thực bì nằm dưới lòng hồ nay phân hủy chảy xuống đập dâng. “Thực tế đang có một lớp mùn dày nằm dưới đáy đập dâng. Khi điều tiết nước để tưới tiêu thì lớp mùn này bị khuấy lên khiến nước đổi màu đỏ ngầu, nhìn từ xa đôi lúc nhầm là máu” - ông Nghĩa lý giải.
Các vị trí lấy mẫu quan trắc bao gồm: Khe Trươi (sát Nhà máy Thanh Thành Đạt) đạt 2 mẫu; kênh chính đập dâng Vũ Quang 1 mẫu; cửa xả tuynel 1 một mẫu; Nhà máy nước Vũ Quang 1 mẫu; hạ lưu cầu Ngàn Trươi khoảng 100m 1 mẫu. Riêng vùng lòng hồ đập chính lấy 3 mẫu (tầng nước mặt, tầng giữa và tầng đáy).
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác gây nên nguồn nước đập dâng bị ô nhiễm như: Nước thải sinh hoạt của 175 hộ dân tại thị trấn Vũ Quang; Bệnh viện huyện Vũ Quang; Chi nhánh Nhà máy nước Hương Sơn (Nhà máy nước Vũ Quang) và Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF, gỗ ván thanh và keo formadehyde của Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất là người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước đen ngòm này để sinh hoạt và tưới sản xuất. “Lâu nay gia đình vẫn sử dụng nước máy để nấu ăn nhưng gần một năm nay thấy nguồn nước thô Nhà máy nước Vũ Quang lấy từ đập dâng ô nhiễm nên tôi đầu tư gần 10 triệu đồng khoan giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt”, ông Nguyễn Đình Hoàng, người dân thị trấn Vũ Quang cho biết.
Chưa hết, nguồn nước tưới tiêu tại cánh đồng thuộc huyện Đức Thọ, nhiều hộ dân cũng phát hoảng khi nước dẫn vào ruộng có lúc đỏ, lúc đen. Một người dân cẩn thận đến mức khi nhìn thấy nguồn nước dẫn từ kênh Ngàn Trươi vào thửa ruộng mình có màu “lạ” nên chỉ cho nước vào nửa ruộng rồi chặn lại, chờ nước trời.
“Người dân, chính quyền huyện Vũ Quang đang rất lo lắng. Giải pháp duy nhất bây giờ là làm sạch lòng đập nhưng rất khó bởi nếu xả thì ảnh hưởng đến các huyện hạ lưu mà hút lên thì không biết đổ đi đâu vì lượng mùn dưới lòng đập quá lớn”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa băn khoăn.
|
Bộ NN&PTNT vào cuộc
Sáng 28/7, trong buổi làm việc với đoàn công tác Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) cho hay, tháng 4/2016, đơn vị này bắt đầu thực hiện công tác thu dọn lòng hồ với tổng diện tích thiết kế thu dọn 1.659,67 ha/4.610,05ha; thuộc phạm vi cao trình 12m đến 52m. Vùng thu dọn tính từ đập chính và tràn xả lũ đi vào phía trong lòng hồ.
Ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban 4 thông tin, kể từ khi phát hiện nước đập dâng có màu đỏ bất thường, Ban đã tổ chức lấy mẫu quan trắc 3 lần (24/5, 24/6 và 26/6). Kết quả cho thấy, chỉ có một thông số NO2 - N (mẫu tầng đáy) trong đợt lấy mẫu ngày 24/5 vượt giới hạn cho phép cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Còn lại các thông số khác đều nằm trong ngưỡng cho phép. “Từ tháng 8/2017 đến nay vùng lòng hồ màu nước không có gì thay đổi và cũng không có tác nhân nào xả để làm ô nhiễm lòng hồ” - ông Thịnh khẳng định.
Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay: “Sau khi nắm bắt tình hình, đã lấy 5 mẫu nước tại 5 vị trí. Số liệu quan trắc một vài thông số có vượt, đặc biệt là thông số sắt hơi cao. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng đỏ nước”.
Trong lúc dư luận đang phẫn nộ và đặt nghi vấn cho tác nhân gây ô nhiễm dòng nước tại hồ chứa, tại cuộc họp này ông Trần Quang Luận - Giám đốc Công ty gỗ MDF Thanh Thành Đạt (Công ty TTĐ) khẳng định: “Tôi hứa trước Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi không làm sai một cái gì. Chúng tôi rất bức xúc vì nhiều ý kiến vu cho Công ty TTĐ gây ô nhiễm. Các anh cứ cho cơ quan điều tra vào cuộc, tìm bằng được nguồn gây ô nhiễm. Bên nào sai bên đó chịu trách nhiệm và xử lý cho dứt điểm một lần”.
“Công ty TTĐ mới chỉ chạy thử, chưa đưa vào sản xuất chính thức nên không thể gây ô nhiễm. Việc đưa ra các ý kiến nhận định Công ty TTĐ xả thải gây ô nhiễm khiến cho doanh nghiệp bất lợi, hàng hóa công ty làm ra không bán được” - ông Luận giải thích.
Sau khi đi thị sát một số vị trí có khả năng là nguyên nhân gây ô nhiễm cho đập dâng Ngàn Trươi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu, các đơn vị lấy mốc thời gian ngày 28/7 để lấy mẫu quan trắc. “Cái cần nhất, ngành chức năng cần tích hợp, tổng hợp toàn diện các tác nhân có thể gây nên thực trạng chuyển màu nước bất thường thời gian vừa qua. Thậm chí đánh giá cả tác động do yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu. Dứt khoát phải tìm ra nguyên nhân trong thời hạn 10 ngày”. Ông Sơn cũng yêu cầu, xả sạch nước đập dâng, kiểm tra, xác định rõ tầng đáy đập dâng vì sao ô nhiễm.
Trước đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Nghệ An vào đập Ngàn Trươi lấy mẫu tiến hành xét nghiệm trong đêm theo nguyên tắc độc lập, khách quan. Công ty Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã lấy 6 mẫu nước ở 6 vị trí. Cụ thể, 3 mẫu trong khu vực lòng hồ đập chính (cao trình 32,7m, 19m và cao trình 16m); 1 mẫu lấy tại cửa xả nước tuynel 1, 1 mẫu hạ lưu cầu Ngàn Trươi và 1 mẫu tại đập dâng.