Thêm quyết sách quan trọng bảo đảm quyền lợi thí sinh thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Những nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được dư luận quan tâm khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi đợt 1, bổ sung và hướng dẫn cụ thể phương án xét tuyển cho thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.

Ảnh minh họa. (nguồn: ITN)
Ảnh minh họa. (nguồn: ITN)

Điểm phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1

Tuần qua, Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm phổ điểm thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Năm nay, phổ điểm các môn thi đều nhỉnh hơn, số lượng thí sinh được điểm trung bình trở lên nhiều hơn các năm trước.

Cũng như năm 2020, Giáo dục công dân tiếp tục là môn thi có số lượng thí sinh được điểm 10 nhiều nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1), với hơn 18.680 bài thi đạt điểm 10 - gấp 4,48 lần so với năm 2020 (năm 2020 cả nước có 4.163 thí sinh được điểm 10. Năm 2019 có 784 thí sinh được 10 điểm môn Giáo dục công dân).

Là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi, môn Ngữ văn năm nay có 3 thí sinh đạt điểm 10. Năm 2020, có 2 thí sinh được 10 điểm ở môn thi này.

Môn Tiếng Anh năm nay có số điểm 10 cao vọt so với các năm trước, có hơn 4.345 bài thi điểm 10 - gấp khoảng 19.3 lần so với năm ngoái (năm 2020 có 225 thí sinh đạt điểm 10 ở môn thi này).

Tiếp theo là môn Sinh học, với 582 bài thi điểm 10. Môn Địa lý có 227 bài thi được điểm 10. Môn Hóa có 149 bài thi điểm 10. Môn Toán có 52 bài thi điểm 10; Môn Vật lý có 14 bài thi điểm 10, Riêng môn Lịch sử được đánh giá là có đề thi khó, nhưng cũng có 266 thí sinh được điểm 10. Bên cạnh đó cũng có 540 thí sinh đạt điểm < or = 1 (điểm liệt). Đây là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Tiếp đó, Ngoại ngữ cũng có 144 thí sinh bị điểm liệt, có giảm so với năm 2020 (năm 2020, môn tiếng Anh có 543 bị điểm liệt - dưới 1 điểm, chiếm tỉ lệ 0,07%, - tăng 1,3 lần so với năm 2019).

Đánh giá chung, điểm thi các môn trong kỳ thi năm nay đều nhỉnh hơn so với năm 2020. Nguyên nhân một phần là do đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được ra theo hướng nhẹ nhàng, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và điều kiện học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 rất thuận lợi cho tuyển sinh năm 2021 và dự đoán điểm chuẩn đại học sẽ tăng.

Ảnh minh họa. (nguồn: ITN)
Ảnh minh họa. (nguồn: ITN)

Liên quan thí sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp

Trong tuần, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định về việc bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng có phương án cụ thể bảo đảm quyền lợi xét tuyển cho thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.

Đối tượng được bổ sung là thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thí sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp không được dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trước đó, ngày 23/7, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo công văn này, thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nhưng không dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng sẽ được xem xét đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu thuộc diện F0, F1, F2  hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và nơi bị phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của ngành Y tế.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở GD đại học phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội, có phương án chung trên toàn hệ thống, tính toán tỉ lệ chỉ tiêu dành lại phù hợp với tỉ lệ các thí sinh đặc cách tốt nghiệp.

Để bảo đảm quyền lợi và làm cơ sở xét tuyển cho các thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, để thí sinh có thể tham dự. Kỳ thi này dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9 (tuỳ theo điều kiện thực tiễn).

Các cơ sở GD Đại học có thể dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia tổ chức để xét tuyển, hoặc xét tuyển bằng học bạ. Các trường cần dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh cho những thí sinh này phù hợp với tỉ lệ nói trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em, nhưng cũng bảo đảm công bằng cho thí sinh xét tuyển chung trong đợt tới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6 - 7/8. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này có khoảng 26 nghìn thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Trong đó, có khoảng 10 nghìn thí sinh thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Dự báo số liệu này có thể biến động theo chiều hướng tăng, nhưng không nhiều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Số thí sinh dự thi đợt 2 dự kiến tối đa khoảng 15 nghìn em. 

Sau khi tổ chức thi đợt 2 – Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ có hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với các trường và đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Lịch tuyển sinh sẽ không quá muộn, để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh, nhập học của thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch cụ thể, trong đó có phương án tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển đặc cách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.