Nhiều hình thức hỗ trợ học sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Các trường THPT tại Nghệ An có nhiều hỗ trợ sau khi học sinh đã thi tốt nghiệp THPT, qua đó giúp đỡ các em vượt qua khó khăn dịch bệnh.

Nhiều trường học tại Nghệ An bắt đầu phát giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Nhiều trường học tại Nghệ An bắt đầu phát giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang triển khai phát giấy báo điểm, chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời cho học sinh. Đồng thời hướng dẫn, tư vấn cho học sinh trong lựa chọn thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH trực tuyến đảm bảo thành công.

Chủ động đảm bảo an toàn cho thí sinh 

Năm nay, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đạt tỷ lệ tốt nghiệp ở tốp cao của tỉnh với 99,66%. Theo thầy Hồ Sỹ Nam Thắng - Hiệu trưởng nhà trường, có 2/584 em trượt tốt nghiệp do học lực yếu, không có nỗ lực, quyết tâm và mục tiêu thi cử. Dù nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhiều lần động viên, trao đổi với phụ huynh nhưng 2 em vẫn không thể “vượt vũ môn”. 

Sau khi có kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhà trường đã có kế hoạch gọi học sinh đến trường nhận giấy báo điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Cùng trong thời điểm này, ổ dịch Covid-19 tại Quỳnh Lưu bùng phát. Nhiều ca bệnh nhân liên tiếp được phát hiện.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà trường không phát trực tiếp tới tay từng thí sinh. Thay vào đó, giao về cho đại diện từng lớp để đảm bảo giãn cách. Ban cán sự lớp nhận và sẽ liên lạc và phát về cho các bạn trong lớp mình.

Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra nhiều xã, toàn huyện Quỳnh Lưu thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 31/7. “Vì vậy, chúng tôi đã thông báo và giao cho ban các sự mỗi lớp tạm thời giữ, bảo quản các giấy tờ trên. Sau khi dịch bệnh được khống chế, hết cách ly xã hội, trường sẽ tổ chức phát cho học sinh đảm bảo an toàn, phòng dịch”, thầy Hồ Sỹ Nam Thắng cho biết.

Thí sinh ra vào trường học được đo thân nhiệt, xịt tay sát khuẩn, đảm bảo phòng dịch.
Thí sinh ra vào trường học được đo thân nhiệt, xịt tay sát khuẩn, đảm bảo phòng dịch.

Trong thời gian này, các mốc thời gian liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT cũng sẽ được nhà trường thường xuyên cập nhật trên Fanpage để học sinh nắm bắt. Đảm bảo quyền lợi cũng như kế hoạch xét tuyển vào ĐH, CĐ của thí sinh.

Trong khi đó, Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) đã hoàn thành việc phát giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho 120 học sinh lớp 12 của trường. Thầy Đặng Văn Bằng – hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ phát biểu: "Khi gọi học sinh đến trường, chúng tôi cũng bố trí thời gian cho từng lớp để đảm bảo giãn cách. Các em đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế đầy đủ. Cũng do số lượng học sinh của trường ít, nên việc phát giấy chứng nhận tốt nghiệp nhanh chóng, gọn nhẹ, hoàn thành trong ngày 30/7".

Dù ở vùng cao, với hơn 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng trường THPT Mường Quạ cũng có tỷ lệ tốt nghiệp cao với 99,17%. Chỉ có 1 em chưa được công nhận tốt nghiệp, đạt trung bình 4,99 điểm, chỉ thiếu 0,01 điểm. "Trường hợp em này có học lực ở mức trung bình yếu, nhưng đã rất nỗ lực và có kết quả vượt bậc ở học kỳ 2 năm lớp 12. Chúng tôi đã hướng dẫn em làm đơn phúc khảo và đang chờ kết quả”, thầy Bằng cho hay.

Hướng dẫn học sinh điều chỉnh nguyện vọng online

Thầy Đặng Văn Bằng cho biết, dù đã tốt nghiệp, nhưng học sinh đều giữ liên lạc đầy đủ với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường. Về việc điều chỉnh nguyện vọng, kể cả những em ở vùng sâu, vùng xa đều thông báo về cho trường có đủ thiết bị, kết nối mạng Internet để thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH nếu có.

“Không có gì là khó khăn nếu biết cách khắc phục. Học sinh hiện nay đều thích ứng với CNTT khá nhanh, kể cả vùng cao. Trường hợp có vấn đề gì vướng mắc, các em có thể liên lạc bất cứ lúc nào với thầy cô, nhà trường”, thầy Bằng nói.

Bộ phận tuyển sinh các trường học sẽ hỗ trợ thí sinh tối đa trong thực hiện điều chỉnh nguyện vọng.
Bộ phận tuyển sinh các trường học sẽ hỗ trợ thí sinh tối đa trong thực hiện điều chỉnh nguyện vọng.

Theo thầy Hồ Sỹ Nam Thắng, việc điều chỉnh nguyện vọng đã được nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm, ban tuyển sinh hướng dẫn cụ thể cho thí sinh. Hiện các em đã cơ bản nắm rõ quy định để tự điều chỉnh nguyện vọng ở nhà qua điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet.

“Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi, chúng tôi khuyến khích học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển ĐH, để đỡ chi phí cho các em. Sau khi biết điểm thi, các em có thể dựa vào phân tích phổ điểm, chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH để điều chỉnh hoặc đăng ký thêm nguyện vọng nếu cần thiết.

Qua theo dõi những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường điều chỉnh nguyện vọng khá nhiều. Ban tuyển sinh cũng đăng nhiều thông tin tư vấn, định hướng trên fanpage của trường để học sinh tiện theo dõi, tham khảo”, thầy Thắng cho hay.

Là đơn vị đặc thù nên Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An có hầu hết học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển ĐH. Năm nay, trường tiếp tục đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100% với nhiều thí sinh đạt điểm cao trên 25 các tổ hợp khối A, A1, B, C, D... Do học sinh đến từ nhiều huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nên giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT được gửi về địa phương hoặc thí sinh có thể xuống TP Vinh để nhận trực tiếp.

Theo thầy Nguyễn Đậu Trương- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh nhà trường phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà học nội trú, nên được rèn luyện ý thức tự học, tự rèn luyện cao. Các em cũng xác định rõ mục tiêu của mình nên việc điều chỉnh nguyện vọng không nhiều. Việc thay đổi ngành học thường ít xảy ra, học sinh chủ yếu điều chỉnh thứ tự ưu tiên các trường ĐH có ngành nghề mình yêu thích để đảm bảo trúng tuyển.

Lô Thị Lan là nữ sinh dân tộc Thái, hoàn cảnh gia đình vất vả, khó khăn nhưng rất quyết tâm học tập. Lan nguyên là lớp trưởng lớp 12A1, kỳ thi vừa qua, em đạt trên 27 điểm khối B – cao nhất trường. Mơ ước của Lan là vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng lo ngại ngành y đa khoa có tỷ lệ cạnh tranh cao, nên Lan đăng ký NV1 là Trường ĐH Quân y. Sau khi biết kết quả thi, Lan dự tính đổi NV1 thành Trường ĐH Y Hà Nội để đúng với mơ ước của mình. 

Hiện Lan được Phó hiệu trưởng mời về nhà làm gia sư và nuôi ăn ở, khi nào nhập học sẽ trả lương để em lấy chi phí ra Hà Nội. Thầy Nguyễn Đậu Trương cho biết thêm: “Nhà trường cũng kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ cho học sinh khó khăn, quyết tâm học giỏi, đậu đại học. Qua đó, hỗ trợ chi phí nhập học và năm đầu ĐH. Đó cũng là cách để trường khích lệ, tạo động lực, giúp học sinh có bước đệm dám theo đuổi ước mơ của mình, không bị hoàn cảnh khó khăn cản trở”.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ