Thêm một tư liệu quý về Hồ Chủ tịch

Sắp tiết trọng thu, nhận được quà của người bạn đồng khoa Vũ Văn Sạch - Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Quà là cuốn Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu quốc của nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh mới in.

Thêm một tư liệu quý về Hồ Chủ tịch

Có thể nói ông bạn tôi là một người may mắn vì nhiều năm là yếu nhân ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, là người từng tất tả năm tao bảy tiết tham gia rinh kho tư liệu Châu bản Triều Nguyễn từ phía Nam ra Trung tâm lưu trữ. 

Không chỉ có việc cơ bắp hành chính mà ông bạn TS ngành Hán Nôm này đã khổ công một thời gian dài những phân loại, sắp xếp, phân tích để thứ báu vật quốc gia này không những yên ổn trong kho lẫm của nhà nước mà còn tìm nhiều kênh đến với giới nghiên cứu và bạn đọc!

May mắn có thể là được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu đặc biệt quý hiếm của Cục Văn thư lưu trữ trong đó có khoảng 400 số báo và tạp chí Cứu quốc chủ yếu từ 1948 đến 1954.

Cứ như người từng mài miệt tra tay vào việc khảo cứu này cho hay, sau ngày toàn quốc kháng chiến, ngoài cơ quan chính chuyển lên chiến khu Việt Bắc, tờ báo Cứu quốc còn có những chi nhánh khác ở Thủ đô hay Liên khu IV, lại phát hành trong hoàn cảnh chiến tranh nên rất khó có cơ quan hay cá nhân nào hiện nay giữ được trọn vẹn.

Trong khoảng 400 số báo và tạp chí Cứu quốc nói trên có nhiều bài viết về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cá nhân, tập thể liên hệ trực tiếp với Người, cũng có nhiều bài viết của Người (phần lớn trong mục Chuyện gần… xa với bút hiệu ĐX.), trong đó có nhiều bài chưa thấy công bố hay công bố chưa đầy đủ trong các công trình nghiên cứu, sưu tập trước nay, kể cả bộ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.

Dĩ nhiên trong hoàn cảnh thông tin thời bấy giờ, những bài báo ấy không thể tránh khỏi sai sót này khác về nội dung, nhưng đều do người đương thời viết ra và được người đương thời kiểm chứng, có những giá trị “thực lục” không thể phủ nhận.

Với mong muốn có thể góp phần bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cũng như lịch sử Việt Nam thời kỳ 1945 - 1954 nói chung, Vũ Văn Sạch đã cân nhắc chọn lựa…

Gợi mở tầm cấp mới

Thú vị nữa là cuốn sách có lời bạt của nhà Hán học, nhà nghiên cứu nổi tiếng Cao Tự Thanh. Cao Tự Thanh lại cũng là bạn đồng khoa khóa Hán Nôm với Vũ Văn Sạch.

Thói đời, bạn bè hay nói tốt cho nhau? Nhưng với Cao Tự Thanh thì khác. Uyên bác, khắt khe, nghiêm cẩn. Đó là phẩm chất nổi trội của nhà nghiên cứu qua hàng chục công trình lâu nay.

Thử trích ra một đoạn.

Sau khi phàn nàn về nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đương có những khiếm khuyết này khác (có khi tác phẩm không được giới thiệu nguyên văn và toàn văn) làm khó cho giới nghiên cứu. Nhưng trong cuốn sách của Vũ Văn Sạch với nguyên văn bài Các báo tới phỏng vấn Hồ Chủ tịch về vấn đề đoàn kết trên báo Cứu quốc số 128, ngày 28/12/1945 thì bài Trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết trong Hồ Chí Minh toàn tập 2011, tập 4, tr. 145 - 147 bị thiếu một đoạn khá dài.

Ngay bản Tuyên ngôn Độc lập trong một thời gian dài vì chỉ theo bản sao băng ghi âm ở Viện Hồ Chí Minh nên có câu mở đầu “Hỡi đồng bào cả nước” nhưng thiếu mất danh sách 15 người ký tên công bố bản Tuyên ngôn tức Chủ tịch Hồ Chí Minh và 14 vị Bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam DCCH ở cuối văn bản (bộ Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 4, tr. 1 - 3 vừa bổ sung chi tiết này), bản Quốc lệnh ngày 26/1/1946 công bố trên báo Cứu quốc số 155, ngày 5/2/1946 có hai người ký tên ban hành là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần nhưng bộ Hồ Chí Minh toàn tập 2011, tập 4, tr. 189 - 190 vẫn bỏ sót tên Nguyễn Hải Thần, và bất kể vì lý do gì thì tình hình tư liệu như thế cũng không thể làm nền tảng vững chắc cho việc đưa ra những kết quả nghiên cứu chính xác, toàn diện, thấu đáo.

Với nguyên tắc nguyên văn và toàn văn Vũ Văn Sạch hướng tới việc góp phần xác lập một cơ sở tư liệu khác trước và mới cho việc nghiên cứu đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn các tư liệu 54, 56 trong quyển sách của Vũ Văn Sạch, đặc biệt là tư liệu phụ đi kèm tư liệu 54 (Hội đồng Chính phủ họp và Thi hành đúng chính sách tạm cấp ruộng đất).

Thực hiện nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian, Bộ Canh nông lúc bấy giờ đã ra một thông tư trong đó điểm thứ hai nêu rõ ruộng đất của những Việt gian bị xử tử năm 1945 nếu chưa quyết định việc tịch thu tài sản thì đề nghị với cơ quan tư pháp xét xử quyết định nốt về tài sản rồi mới tạm cấp những ruộng đất bị tịch thu – ý thức pháp lý về quyền sở hữu cá nhân ở đây rõ ràng khác xa với tịch thu, sung công tài sản cá nhân phổ biến trong Cải cách ruộng đất sau 1954 ở miền Bắc hay các chiến dịch X1, X2 sau tháng 4/1975 ở miền Nam.

Tôi nghĩ rằng những người nghiên cứu rất cần biết tới những tư liệu loại này, vì qua đó chúng ta có thể thấy rõ thêm một khía cạnh trong quá trình phát triển của Nhà nước dân tộc độc lập ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Ngạc nhiên, thú vị

Vũ Văn Sạch (thứ tư từ trái qua )

Với độ lùi gần 70 năm và nhiều nguyên nhân trong đó có cả sự quên lãng, cuốn sách của Vũ Văn Sạch đưa bạn đọc về cái thuở ban đầu dân quốc ấy với nhiều chuyện chi tiết thú vị.

Chẳng hạn sự kiện Hồ Chủ tịch đến chùa Quán Sứ dự bữa cơm chay với các thiện nam tín nữ (báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17/10/1945). Sau bữa cơm chay có việc bán đấu giá bức ảnh chân dung của Hồ Chủ tịch. Phóng viên báo Cứu quốc tường thuật.

Cụ đã vui vẻ luôn trong giờ bán đấu giá bức ảnh của Cụ. Hai bên Phật giáo và Phật tử tranh nhau nâng cao giá bức ảnh. Thoạt đầu, cố vấn Vĩnh Thụy đặt giá 100 đồng. Giá đó lên mãi. Sau cùng, ông Ngô Tử Hạ trả một vạn đồng. Anh Tiến, một tín đồ Phật tử và là nhân viên trong ban tổ chức trả vượt lên 100 đồng nữa. Nhưng sau anh Tiến đã nhường lại ông Ngô Tử Hạ bức ảnh với giá cuối cùng là một vạn một trăm bạc để kỷ niệm tinh thần đoàn kết giữa hai tôn giáo.

Trong bức thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội Sinh viên (báo Cứu quốc số 1028, ngày 1/9/1948) Đại hội Sinh viên toàn quốc họp từ ngày 2 đến ngày 4/8/1948 ở Bắc bộ với gần 100 đại biểu của các Liên khu. Đại hội ra quyết định đổi tên Tổng hội Sinh viên Việt Nam ra Đoàn Sinh viên Việt Nam.

Trong thư ấy Cụ Hồ dặn dò nhắn nhủ nhiều điều. Cụ viết
Về mặt tinh thần thì phải giữ vững 3 câu châm ngôn:

1. Chí công vô tư.

2. Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc (lời Đổng Trọng Thư)

3. Yếu tố đại sự, bất tố đại quan (lời Tôn Trung Sơn) (Cốt là việc lớn chẳng màng làm quan to)

Vũ Văn Sạch đã làm một việc hơi bị bạo… gan. Nghĩa là đã dẫn và chú lại nguyên văn cùng tên tác giả mà Cụ Hồ đã dẫn… lầm! Đó là Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) trong bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm thời Tống.

Đến thời điểm này dễ ít người biết và nhớ sự kiện, thời điểm Nguyễn Sơn nhận quân hàm Thiếu tướng. Nhưng bạn đọc sẽ thỏa mãn qua loạt phóng sự sinh động tường thuật buổi lễ long trọng ở Liên khu IV. 

Đó là Lễ thụ phong Thiếu tướng của Liên khu trưởng Nguyễn Sơn và lễ trao Sắc lệnh cho các vị trong Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV (báo Cứu quốc số 1055, ngày 12/10/1948).

Ngạc nhiên nữa bây giờ mới tường thêm hoàn cảnh ra đời cùng dịch giả bài Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch. Ấy là bài báo Hồ Chủ tịch đi thuyền thăm mặt trận (báo Cứu quốc chi nhánh Liên khu IV số 3, ngày 19/5/1949).

Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm mặt trận X gần sông. Sông chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau là thuyền của ban chỉ huy, vài nhà báo và đội vệ binh.

Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với ban chỉ huy và dặn đi dặn lại: cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh chạy sang hàng ngũ ta, đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công, v.v... rồi Cụ quay nhủ chúng tôi “Các nhà báo phải hiểu quân sự, cái gì bí mật thì đừng đăng, các chú hay phạm điều ấy lắm”.
Gần khuya, trăng lạnh, sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Bán dạ quy lai nguyệt mãn thuyền.

Cụ đọc xong ông Xuân Thủy nói:
“Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”.
Cụ bảo “Trong câu thứ hai có “Xuân thủy” vậy Xuân Thủy dịch đi!”

Ông Xuân Thủy dịch như sau:
Rằm xuân, trăng đẹp trăng tươi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn luận việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Mọi người đều vỗ tay khen dịch mau.

Kết bài viết này xin dẫn lời nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Có thể nói cuốn sách mới của nhà nghiên cứu họ Vũ này là thể nghiệm bước đầu để tiến tới một sưu tập khác có qui mô và chất lượng cao hơn.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ