Trong khi đang căng mình đánh Hamas tại Dải Gaza và điều quân ứng phó với Hezbollah ở biên giới phía Bắc, quân đội Israel lại phải đối mặt thêm một lực lượng ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ là phiến quân Houthi ở Yemen.
Ngay khi mở màn đợt xung đột hôm 7/10, lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen vốn cách xa Israel hàng nghìn km đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công nhà nước Do Thái để ủng hộ người Palestine, mở ra mặt trận mới để Israel phải căng mình chống đỡ. Lời đe dọa này ngày càng được chứng minh không phải là lời nói suông.
Sau nhiều lần bắn tên lửa về phía Israel, ngày 21/11 lực lượng phiến quân Houthi đã tung video cảnh họ dùng máy bay trực thăng đưa chiến binh đổ bộ một con tàu chở hàng mang tên Galaxy Leader để bắt giữ 25 thành viên thủy thủ đoàn làm con tin, với lý do con tàu này có liên hệ với Israel.
Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu trong vùng biển quốc tế có liên quan hoặc thuộc sở hữu của người Israel cho đến khi nào chiến dịch tại Gaza kết thúc.
Phát ngôn viên của lực lượng Houthi là Mohammed Abdul-Salam tuyên bố các hành động của họ nhằm khiến Israel hiểu “ngôn ngữ của vũ lực”. Theo đó, việc họ bắt giữ tàu trên biển chỉ là một bước khởi đầu cho những hành động chống lại Israel.
Phía Israel khẳng định tàu Galaxy Leader thuộc sở hữu của Anh và Nhật Bản, nhưng các thông tin về quyền sở hữu con tàu này lại có liên quan đến hãng Ray Car Carriers của tỷ phú Abraham “Rami” Ungar, một trong những người giàu nhất Israel.
Trước vụ bắt giữ tàu nói trên, Houthi còn thể hiện sự ủng hộ với lực lượng Hamas bằng cách liên tiếp phóng tên lửa và máy bay không người lái mang chất nổ về phía Israel. Đặc biệt trong ngày 31/10 vừa qua, quân đội Israel tuyên bố đánh chặn một quả tên lửa đất đối đất xuất phát từ khu vực Biển Đỏ nhằm vào thành phố Eliat ở phía Nam Israel.
Lực lượng Houthi sau đó xác nhận đó là tên lửa của họ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi không mang lại kết quả gì về mặt quân sự vì Israel nằm cách Yemen tới hơn 2.000 km. Đây cũng là giới hạn cực đại của các loại tên lửa có tầm bắn xa nhất mà lực lượng Houthi đang sở hữu.
Hơn nữa, để tên lửa có thể bay từ Yemen vào Israel sẽ phải vượt qua một lưới lửa phòng không dày đặc do các tàu chiến Mỹ và Israel bố trí tại khu vực Biển Đỏ. Do đó, các vụ tập kích bằng tên lửa hay máy bay không người lái của Houthi vào Israel chủ yếu phục vụ cho đòn chính trị hơn là quân sự.
Lực lượng Houthi có vai trò ở Yemen cũng tương tự như Hezbollah ở Li băng và đều được cho là nhận được sự hậu thuẫn không chính thức của Iran. Tuy nhiên, vị thế chính trị của Houthi lớn hơn nhiều so với Hezbollah tại quốc gia mà họ đang đóng quân.
Năm 2014, phiến quân Houthi từng chiếm được thủ đô Sanaa của Yemen, buộc Tổng thống Mansour Hadi phải chạy sang Arab Saudi. Sau đó chính quyền của ông Hadi được khôi phục và hiện Houthi kiểm soát phần lớn khu vực miền Bắc và các trung tâm đông dân cư ở Yemen.
Lực lượng Houthi kể từ khi thành lập cũng giống như Hezbollah đều có tôn chỉ hoạt động là chống lại Israel. Việc họ chưa gây khó khăn nhiều bằng các vụ phóng tên lửa cũng không có nghĩa Houthi là vô hại với Israel, đặc biệt là sau khi họ áp dụng chiến thuật mới là tấn công các tàu có liên hệ với người Do Thái. Qua đó họ sẽ tạo thêm sức ép đáng kể đối với Israel trong bối cảnh xung đột ngày càng phức tạp hiện nay.