Chương trình đào tạo trọng điểm
Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển lực lượng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chương trình tập trung vào các khâu như thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử, đồng thời từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất bán dẫn.
Chương trình đào tạo Kỹ sư “Công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” là một chương trình trọng điểm của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên quan tâm đặc biệt, tạo rất nhiều ưu đãi cho việc đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo, đầu tư thiết bị cho thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ học bổng, vv..
Tuy nhiên, đây là chương trình đào tạo đặc thù trong lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi người học ngoài sự đam mê còn phải có nỗ lực và nền tảng tốt. Vì vậy, đây là chuyên ngành có điểm đầu vào cao nhất trong số 23 ngành Nhà trường đã tuyển sinh năm 2024.
Năm 2025, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tiếp tục tuyển sinh chương trình đào tạo “Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch” thuộc ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông với chỉ tiêu dự kiến là 60 sinh viên.
TS. Đặng Danh Hoằng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp) cho biết: Hiện nay Nhà trường là một trong số ít các trường Đại học của cả nước được phép đào tạo và đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên cho chuyên ngành Công nghệ bán dẫn và vi mạch, đây là chuyên ngành đáp ứng cho kỷ nguyên công nghệ số của nước ta.
“Nhà trường hiện cũng đang đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính đây là ngành có tính chất bổ trợ cho phát triển công nghệ số cũng như hỗ trợ qua lại với chuyên ngành Công nghệ bán dẫn và vi mạch giúp đảm bảo năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng”. TS. Đặng Danh Hoằng trao đổi thêm.
PGS.TS Ngô Như Khoa – Bí Thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho hay: Lĩnh vực kỹ thuật điện tử là 1 lĩnh vực truyền thống của Nhà trường, đây cũng chính là nền tảng của chương trình đào tạo Công nghệ điện tử bán dẫn và vi mạch. Do đó có thể khẳng định Nhà trường đã có nền tảng tốt cả về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị để đào tạo chương trình này.

Ưu tiên đầu tư
Theo PGS.TS Ngô Như Khoa, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là 1 trong 18 cơ sở đào tạo trên cả nước được Nhà nước ưu tiên đầu tư về phòng thực hành, thí nghiệm chuyên sâu về công nghệ bán dẫn vi mạch và Nhà trường cũng đã được đầu tư 1 phòng thí nghiệm trọng điểm về IoT để hỗ trợ cho chương trình.
Ngoài ra, Nhà trường còn thiết lập mối quan hệ với một số trường đại học hàng đầu của Đài Loan về công nghệ bán dẫn để hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên; thiết lập quan hệ với một số công ty sản xuất vi mạch tại Bắc Giang, Bắc Ninh như Amkor, Hana Micron để có thể cung cấp các kiến thức thực tế, cập nhật nhất cho người học.
Do vậy, người học hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình sẽ được đào tạo bởi các giảng viên tận tâm có kinh nghiệm. Ở những năm cuối, sinh viên sẽ được thực hành thí nghiệm tại các phòng thí trọng điểm quốc gia và thực tập tại những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất chip bán dẫn.
Hơn nữa, sinh viên có thể tham gia chương trình 1 năm cuối tại Đài Loan, một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Thời gian qua Đại học Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm lớn, thư viện, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Đại học Thái Nguyên quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực để ngành công nghệ bán dẫn được đào tạo chất lượng, đáp ứng tốt nguồn nhân lực theo định hướng của Chính phủ.
Như vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã nỗ lực tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, có nhiều chính sách nhằm thu hút, khuyến khích, động viên sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao khả năng thực hành.
Qua đó, từng bước đào tạo có chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và đất nước.
PGS.TS Ngô Như Khoa cho rằng: Hiện tại, không dễ để tuyển dụng Kỹ sư tốt nghiệp của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp vì hầu hết các em đã được nhận công việc ngay ở năm cuối. Một phần là do nhu cầu ngày càng cao về nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, một phần từ mối liên hệ chặt chẽ giữa các công ty, doanh nghiệp với Trường. Vì thế ở quy mô toàn trường, trên 94% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm trong năm tốt nghiệp. Vì lẽ đó hiện nay hầu hết các ngành của Nhà trường không cần cam kết đầu ra cho sinh viên mà vẫn thu hút đông đảo thí sinh đăng ký.