Khán giả “mở hầu bao”…
Trên 127 tỷ đồng cho phim “Ma Da” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, “Quỷ Cẩu” (trên 108 tỷ đồng), “Kẻ ăn hồn” (67 tỷ đồng), “Chuyện ma gần nhà” (58,8 tỷ đồng), “Pháp sư mù” (53,3 tỷ đồng), “Thất sơn tâm linh” (47,5 tỷ đồng).
Và mới đây nhất, “Làm giàu với ma” chưa kết thúc chiếu rạp nhưng đã đạt trên 123 tỷ đồng doanh thu phòng vé. Những thành công của phim kinh dị Việt đã và đang mở ra những cơ hội chưa từng có đối với điện ảnh Việt.
Theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam, vào trưa 23/9, phim “Làm giàu với ma” hiện có tổng doanh thu 123,650 tỷ đồng sau hơn 20 ngày ra mắt. Thời điểm hiện tại, dù ra rạp đã lâu nhưng “Làm giàu với ma” vẫn sở hữu suất chiếu 1.043, bán 21.280 vé, bỏ túi gần 2 tỷ đồng dịp cuối tuần qua, vẫn áp đảo hoặc vượt qua nhiều đối thủ khác.
Giới phê bình cho rằng, dịp cuối tuần qua nếu như không có sự kiện ra mắt của phim điện ảnh kinh dị “Cám” thì “Làm giàu với ma” sẽ vượt trội, và có thể thu thêm hàng chục tỷ đồng dịp cuối tuần. Cũng bởi sức hút của “Cám” nên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé đang đầy những biến động mới mẻ.
Phim điện ảnh kinh dị “Cám” bắt đầu khởi chiếu vào ngày 20/9. Ngay lập tức, các phòng chiếu được lấp đầy. “Cám” gắn nhãn T18, mang đến phiên bản kinh dị cổ tích Tấm Cám từng quen thuộc với khán giả Việt. Các chi tiết từ truyện vẫn giữ nguyên trong phim nhưng được thể hiện qua góc nhìn mới và rùng rợn hơn.
Thế giới của dị bản mang tên “Cám” vẫn tồn tại hai chị em Tấm Cám cùng cha khác mẹ. Tấm rất thương em, nhưng mọi chuyện chẳng còn như cổ tích. Bóng tối tà ác vây bủa, dị sự kéo đến với những hoang cảnh rùng rợn.
Thống kê trên Box Office Vietnam vào trưa 23/9, “Cám” đang dẫn đầu doanh thu cả trong ngày lẫn cuối tuần. Sau 3 ngày công chiếu, doanh thu của “Cám” đã lên tới 51.112 tỷ đồng với 4.733 suất chiếu và 19.502 vé trong ngày, dịp cuối tuần qua cũng lên tới 13.416 suất chiếu với 545.072 vé được bán ra.
Với trên 51 tỷ đồng doanh thu chỉ sau 3 ngày công chiếu, giới quan sát đánh giá rất có thể “Cám” sẽ nhanh chóng xô đổ doanh thu của “Làm giàu với ma”. Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn than thở về vấn nạn “quay video trộm” để đăng mạng xã hội, có thể sẽ ảnh hưởng.
Đây không chỉ là hành động thể hiện ý thức kém của một bộ phận khán giả mà còn gây thất thoát lớn cho bộ phim. Nặng hơn, việc quay lén trong rạp là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
“Không gì hạnh phúc hơn khi một bộ phim làm ra được quý vị khán giả yêu thương và quan tâm. Nhưng vừa rồi có TikToker đã đăng tải gần như toàn bộ nội dung phim lên mạng xã hội. Điều này thật sự đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bộ phim cũng như những trải nghiệm của các khán giả chưa xem”, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho hay.
Tạo dòng phim kinh dị đậm chất Việt
Nhìn lại gần 10 phim kinh dị Việt có doanh thu cao từ 50 tỷ đồng trở lên, có thể thấy các tác phẩm trước đây tuy mang mác kinh dị nhưng yếu tố hài hước, lãng mạn thường đậm nét để lách khâu kiểm duyệt.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do việc kiểm duyệt thông thoáng hơn nên các nhà làm phim tự do sáng tạo, chăm chú vào yếu tố kịch tính, thót tim và thậm chí là rùng rợn.
Phim kinh dị ngày càng trở nên hồi hộp bởi các “nút thắt” đầy dụng ý của các nhà làm phim. Không còn những bộ phim “giả ma”, hoặc những cái kết kiểu “giấc mơ” để lách cửa kiểm duyệt. “Ma” trong các bộ phim ma là “ma thật” với sự phối ngẫu của câu chuyện, khung cảnh để tạo ra sự rùng rợn cho người xem có cảm giác thật.
Hơn thế nữa, loạt phim kinh dị đã và đang khai thác chất liệu dân gian từ truyện cổ tích, các giai thoại ma ở các vùng miền, làng bản: “Thất Sơn tâm linh” với bùa chú miền Tây Nam Bộ, “Chuyện ma gần nhà” với chuyện kể ma trong phố, tà thuật vùng cao trong “Kẻ ăn hồn”, giai thoại dân gian chó đội nón mê trong “Quỷ cẩu”, loài mèo khiến xác người dựng đứng trong “Linh miêu”… tạo cho phim kinh dị Việt có cách dẫn chuyện tự nhiên, không còn khiên cưỡng “lắp ráp” các yếu tố ma nước ngoài đầy xa lạ, cách biệt và khó thuyết phục.
Điểm sáng kinh dị thuần Việt không chỉ khiến khán giả hào hứng xem, chờ đợi đón nhận những sợ hãi, mà doanh thu các bộ phim gần đây đã chứng minh sự thành công của dòng phim kinh dị Việt. Không đơn giản chỉ là hù dọa giải trí, những thông điệp mạnh mẽ chuyển tải bản sắc văn hóa được chú trọng, nhằm mở ra những cánh cửa mới trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam, giúp các bộ phim kinh dị Việt đi xa hơn tại các rạp chiếu quốc tế như các zombie, hay ma cà rồng của các hãng phim nước ngoài từng làm được.
Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, một số thành công tại phòng vé cho thấy khán giả vẫn yêu thích và đồng hành với dòng phim kinh dị. Tuy nhiên, các nhà làm phim phải làm sao để khán giả không tuyệt vọng trước sự kỳ vọng rất lớn vào dòng phim này. Phim kinh dị Việt Nam cần tránh rơi vào những điểm yếu cố hữu về kịch bản hoặc kể chuyện.
Bằng việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, phim kinh dị Việt hoàn toàn có thể tạo dựng bản sắc riêng để xuất khẩu. Thay vì việc người Việt từng ám ảnh về phim ma - hài Thái Lan, kinh dị Nhật Bản, Hàn Quốc; tại sao chúng ta không tạo ra một dòng phim ma kinh dị thuần Việt, khiến khán giả nước ngoài phải ám ảnh và nhớ mãi?.
“Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, những câu chuyện cổ tích tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chất chứa rất nhiều suy nghĩ, góc nhìn lẫn nhiều thông điệp sâu sắc. Cùng với việc truyền tải văn hóa bản sắc Việt thông qua các tác phẩm điện ảnh, chúng tôi mong muốn xây dựng những câu chuyện thú vị và mới lạ dựa trên nền truyện đã quen thuộc”, đạo diễn phim kinh dị “Cám” - Trần Hữu Tấn.