Các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga do các nước phương Tây áp đặt vẫn diễn ra, Moskva được cho là không còn quyền tiếp cận với chất bán dẫn, chip và mạch tích hợp của phương Tây. Tình trạng nói trên được ghi nhận kể từ đầu năm nay, khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống lại Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục sản xuất máy bay chiến đấu và cung cấp cho VKS. Theo ghi nhận, hàng chục tiêm kích mới đã được chuyển giao kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Su-30, Su-34, Su-35 và Su-57 tiếp tục bổ sung vào kho vũ khí của Không quân Nga.
Mới đây nhất, vào hôm 28 tháng 12, VKS đã nhận bàn giao lô tiêm kích tàng hình Su-57 Felon mới. Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ) - thành viên của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) đã xác nhận tin tức này.
Trước đó có thông tin cho hay Nga đang đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất tại KnAAZ. Chính vì lý do này mà một đại diện của Bộ Công thương Nga đã nhấn mạnh: “Việc mở rộng các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục, thiết bị công nghệ cao thế hệ mới được đưa vào hoạt động, các công nhân tay nghề cao cũng tham gia”.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ nhà nước (Rostec) - ông Sergey Chemezov thông báo rằng với đợt giao hàng mới nhất, VKS đã nhận được tất cả những gì lên kế hoạch cho năm nay.
Không quân Nga đã nhận thêm những chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 Felon mới. |
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức xác nhận điều động 4 tiêm kích Su-57 tham gia các hoạt động quân sự ở Donbass. Thông tin còn được khẳng định bởi tướng Serhiy Surovikin, chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt. Hồi giữa tháng 6, truyền thông Nga cho rằng Su-57 đang được sử dụng “để xây dựng mạng lưới thông tin chiến thuật”.
Theo ông Yuri Slyusar - Tổng giám đốc UAC, vào năm 2025, Nga nên có một phi đội Su-57 Felon trong tình trạng sẵn sàng tác chiến. Ông Slussar tiết lộ, rất có thể phi đội trên sẽ được biên chế vào trung đoàn 23.
Đơn vị trên được lựa chọn không phải ngẫu nhiên, có thể nói trung đoàn này rất vinh dự khi là đơn vị đầu tiên được bay những chiếc Su-27 Flanker và Su-35 Flanker-E cách đây nhiều năm.
Hiện tại, chỉ có Nga là nước vận hành Su-57 Felon. Nếu như trước khi bắt đầu cuộc chiến, có những hy vọng về việc Moskva sẽ bán được máy bay chiến đấu tàng hình của mình ra nước ngoài, thì hiện tại hy vọng đang dần giảm đi do lo ngại những lệnh trừng phạt cũng như màn thể hiện chưa được ấn tượng của vũ khí Nga trên chiến trường Ukraine.
Nga thậm chí đã phải hủy bỏ nhiều kế hoạch đưa nguyên mẫu Su-57 tham dự các triển lãm quốc phòng trên khắp thế giới nhằm chào hàng khi nhận thấy triển vọng thành công quá thấp.
Nhưng cần nhấn mạnh, bất chấp lệnh trừng phạt, Nga vẫn tiếp tục sản xuất và bàn giao Su-57. Đợt chuyển giao vừa diễn ra mang lại sự lạc quan rằng các cơ sở mới sẽ giúp tăng tốc độ chế tạo đối với chiếc tiêm kích tàng hình này, có lẽ đây là ý định chính của Moskva.