Su-57 lại chậm tiến độ khiến Nga gấp rút chế tạo Su-35SM nâng cấp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ít lâu sau khi tiếp nhận phiên bản hiện đại hóa Su-30SM2, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ được trang bị thêm tiêm kích Su-35SM nâng cấp.

Su-57 lại chậm tiến độ khiến Nga gấp rút chế tạo Su-35SM nâng cấp

Quân đội Nga có một thói quen đó là cho dù thiếu kinh phí, tiếp thị kém hay lập kế hoạch sai... họ hầu như chẳng mấy khi hoàn thành đúng hạn các chương trình chế tạo vũ khí của mình.

Ví dụ tiêu biểu là tiêm kích tàng hình Su-57 Felon bắt đầu được lên kế hoạch triển khai vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Tuy vậy 10 năm sau, vào năm 2010 thì nó mới thực hiện chuyến bay đầu tiên. Hiện nay là cuối năm 2022, việc sản xuất hàng loạt vẫn nhỏ giọt vì chưa hoàn thiện tính năng.

Do đó, xương sống của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) Nga vẫn là Su-35 Flanker-E, dù tiêm kích này cũng không được sản xuất với số lượng lớn. Theo thông tin công khai, có ít nhất 100 chiếc đang phục vụ và 50 chiếc máy bay khác được bán cho khách hàng nước ngoài.

Có thể lập luận rằng Nga phải chọn Su-35 làm chủ lực vì sự thất bại của Su-57 trong 10 năm qua. Mặt khác, nếu Moskva dựa vào “kế hoạch” sản xuất Su-57, VKS sẽ chỉ còn lại một phi đội không quân lạc hậu, không thể đối đầu với phương Tây.

Mặt tốt của cạnh tranh là các đối thủ trên thị trường kéo nhau tiến lên. Nếu một người bứt tốc, người kia sẽ cố gắng bắt kịp để không bị tụt lại phía sau. Hiện tại, Su-35 đang đóng vai trò như vậy trong lực lượng vũ trang Nga.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin tiếp tục được triển khai ở các quốc gia Tây và Trung Âu cũng như những nước Đông Âu gần Nga hơn. Tuy nhiên hiện tại các phi đội F-35 nói trên còn lâu mới có thể tiến hành chiến đấu với cường độ cao.

Một số chuyên gia cho rằng điều này là do chiếc tiêm kích cần thêm chỉnh sửa. Nhưng Mỹ có vẻ không vội vàng khi đang chiếm ưu thế tuyệt đối, và sau đó họ sẽ bắt đầu sản xuất và triển khai chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu, dự kiến vào cuối thập kỷ này.

Điều đó có nghĩa là vào năm 2030, Su-35 của Không quân Nga sẽ khá lạc hậu, họ cần phải bắt kịp đối thủ cạnh tranh của mình một lần nữa. Trong những năm tới, Moskva cần một phi đội sẵn sàng chiến đấu cao và còn quá sớm để coi Su-57 là xương sống, cho nên Su-35 vẫn phải đảm nhận vai trò chủ lực.

Trước tình hình trên, Nga sắp hiện đại hóa Flanker-E một lần nữa và phiên bản Su-35SM đã được nhắc đến. Theo các nguồn tin nội bộ, công việc nâng cấp chiếc tiêm kích đang diễn ra khẩn trương.

Nga sẽ nâng cấp tiêm kích Su-35S lên chuẩn Su-35SM.

Nga sẽ nâng cấp tiêm kích Su-35S lên chuẩn Su-35SM.

Một trong những thiếu sót của Su-35 Flanker-E là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-77-1 sử dụng radar chủ động (AESA) chỉ có tầm bắn 110 km. Loại đạn này hiện vẫn là vũ khí chính của máy bay chiến đấu Nga.

Su-35 còn có một loại tên lửa khác là R-27ER/ET, nhưng khác với R-77, nó không có hệ thống dẫn đường chủ động. Mặc dù tầm bắn của chúng lên tới 130 km nhưng Su-35 không thể phóng nhiều tên lửa cùng lúc, do loại đạn này phải nhận tín hiệu điều khiển liên tục từ máy bay.

Theo các đặc điểm và chỉ số kỹ thuật, tên lửa R-77 hay R-27 mặc dù được đánh giá khá cao nhưng chúng hiện không thể so sánh với Meteor của châu Âu hay AIM-120D của Mỹ.

Do đó Su-35SM dự kiến sẽ được trang bị vũ khí của Su-57 - đây là những tên lửa R-77M có radar AESA riêng, ngoài ra tầm bắn của chúng đạt tới 400 km, đầu đạn của tên lửa nặng 60 kg và đạt tốc độ siêu thanh Mach 6. Đây là một vũ khí có giá trị đối với Su-35SM, bởi vì tên lửa này sẽ được sử dụng cho các mục tiêu trên không có mức độ ưu tiên cao.

Về mặt logic và dự kiến, Su-35SM nên cải thiện khả năng radar của nó. Hiện tại chiếc tiêm kích sử dụng radar N035 Ibris, nhưng nó là loại thụ động (PESA). Mặc dù Ibris được coi là radar PESA tốt nhất thế giới nhưng các đối thủ của Nga đã từ bỏ công nghệ này từ lâu và đặt niềm tin vào radar AESA.

Su-57 là chiến đấu cơ đầu tiên của Nga sử dụng radar AESA. Điều tương tự cũng sẽ được tích hợp vào Su-35SM. Radar AESA khó gây nhiễu hơn, giảm tín hiệu phản xạ của máy bay và cung cấp khả năng tác chiến điện tử tốt hơn.

Hiện tại, phiên bản Su-35S đã có hệ thống tác chiến điện tử (EW), dù không thực sự được đánh giá cao nhưng nó đã giúp khá nhiều chiếc Su-35 sống sót trên chiến trường Ukraine.

Hệ thống này được gọi là KNIRTI L175M Khibiny-M và cung cấp "lớp vỏ" bảo vệ điện tử vô tuyến cho máy bay chiến đấu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không hoặc không đối không. Tổ hợp này tạo ra một đám mây kỹ thuật số, khiến không chỉ Su-35 mà cả các máy bay đi cùng nó đều khó bị phát hiện.

Vấn đề là Khibiny-M được đặt tại một điểm trên máy bay, điều này đôi khi là một nhược điểm lớn. Nếu Ukraine có tiêm kích hiện đại, hệ thống EW này sẽ không phát huy tác dụng như bây giờ.

Do đó, Su-35SM cần phải được trang bị hệ thống EW mới là Himalaya. Tổ hợp này được triển khai trên toàn bộ thân máy bay chiến đấu, nó đã được thử nghiệm vào năm 2014 trên tiêm kích tàng hình Su-57 Felon.

Himalaya được cho là có tầm hoạt động rất xa, vượt xa cự ly hiệu quả của các tên lửa không đối không phương Tây như AIM-120D, cho phép Su-35SM vô hiệu hóa hiệu quả hơn một cuộc tấn công từ đối thủ.

Su-35 còn không có đường truyền dữ liệu chất lượng. Nga dường như đang bị tụt lại phía sau trong việc tích hợp một liên kết dữ liệu an toàn vào chiếc máy bay già cỗi của mình.

Những cuộc chiến đang diễn ra trong thế kỷ 21 đã cho thấy, và gợi ý rằng liên kết dữ liệu đóng một vai trò quan trọng đối với tạo lập ưu thế trên không. Có thể nói hiện tại các chiến đấu cơ của Nga (trong đó có Su-57), không chỉ bị tụt hậu so với đối thủ F-35 từ Mỹ, mà còn thua kém cả chiếc J-20 của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng Su-35SM sẽ được trang bị hệ thống liên lạc, trao đổi dữ liệu, dẫn đường và nhận dạng kết hợp mới (OSNOD). Hệ thống này là một sản phẩm tối tân, được giới thiệu và thử nghiệm vào năm 2019.

Tổ hợp trên cung cấp khả năng liên lạc được mã hóa và chức năng chống nhiễu. OSNOD sẽ cho phép Su-35SM hoạt động như một phần của mạng chiến trường lớn hơn.

Vấn đề nữa là đối phó hồng ngoại, hay phòng thủ laser. Lĩnh vực này còn mới đối với thế giới và vẫn đang được thử nghiệm, mặc dù một số quốc gia đã đi trước và tích hợp nó vào cấu trúc máy bay chiến đấu của họ. Mỹ là người dẫn đầu, trong khi Trung Quốc và Israel là hai quốc gia còn lại.

Nguyên tắc của hệ thống phòng thủ này là sử dụng chùm tia laser làm mù đầu dò hồng ngoại của tên lửa đối phương đang bay tới. Chúng có thể được gắn phía sau cabin máy bay chiến đấu hoặc bên dưới.

Các hệ thống loại này chủ yếu được sử dụng trong cận chiến, khi có sự tiếp xúc trực quan giữa hai máy bay chiến đấu. Dự kiến Su-35SM cũng sẽ được trang bị loại vũ khí năng lượng như vậy.

Nếu các thông tin nói trên là chính xác, tiêm kích Su-35SM nâng cấp của Nga sẽ cực kỳ đáng sợ, tuy nhiên cũng chưa có gì đảm bảo dự án đầy tham vọng trên không đi vào một số dự án trước đó để trở thành "bom xịt".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.