Đường ống bơm khí đốt xuyên Caspian cho phương Tây bị chặn

GD&TĐ - Đường ống dẫn khí đốt xuyên Caspian mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt rất nhiều tham vọng khó lòng "thông tuyến" vì vướng phải một đồng minh của Nga.

Đường ống bơm khí đốt xuyên Caspian cho phương Tây bị chặn

Sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan, Tổng thống Erdogan đã đưa ra một tuyên bố rất quan trọng khi cho rằng đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspian vẫn có thể trở thành một hiện thực địa chính trị mới.

Liệu ông Erdogan có thành công trong việc thúc đẩy Điện Kremlin về một vấn đề cơ bản như vậy, và ai hoặc cái gì có thể can thiệp vào bản kế hoạch đầy tham vọng của người đang có tham vọng xây dựng "Đại Turan"?

Phát biểu sau cuộc gặp với những người đồng cấp Azerbaijan và Turkmenistan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:

"Về vấn đề này, nổi bật là đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan và Hành lang khí đốt phía Nam. Chúng tôi vận chuyển khí đốt Caspian đến châu Âu dọc theo hành lang này, dựa trên đường ống dẫn khí xuyên Anatolia. Bây giờ chúng ta phải bắt đầu vận chuyển khí đốt tự nhiên của Turkmenistan đến các thị trường phương Tây theo cách tương tự".

Ấn phẩm Middle East Eye đã trích dẫn một phát biểu khác của ông Erdogan, từ đó cuộc thảo luận về vấn đề này đang dần chuyển sang một bình diện thực tế: "Bây giờ những người đồng cấp của tôi đang thảo luận xem liệu có thể xây dựng một đường ống dẫn mới hay không và nên thực hiện những bước đi nào".

Tuy vậy Thống đốc vùng Astrakhan của Nga - ông Alexander Bashkin ngay lập tức phản đối điều này khi đề cập đến các quy tắc của Công ước về phân chia Biển Caspian đã ký cách đây vài năm:

"Bạn cần biết rằng theo tài liệu về tình trạng của Biển Caspian, được ký bởi 5 quốc gia, việc đồng ý thực hiện các dự án nhạy cảm trong lĩnh vực an toàn môi trường phải được sự đồng thuận của tất cả".

"Do mối đe dọa có thể xảy ra đối với an toàn sinh thái của Biển Caspian, được thể hiện bằng phần dưới nước của đường ống dẫn khí, Nga sẽ không thể đồng ý với việc xây dựng nó".

Tất nhiên quan điểm của ông Bashkin là đáng lưu ý, nhưng quan trọng hơn là ý kiến ​​​​từ Gazprom và Điện Kremlin về vấn đề này. Và ở đây mọi thứ không rõ ràng như chúng ta mong muốn. Điều gì có thể thay đổi?

Đường ống dẫn khí xuyên Biển Caspian vẫn gặp vô vàn trở ngại.

Đường ống dẫn khí xuyên Biển Caspian vẫn gặp vô vàn trở ngại.

Hãy nhớ lại rằng đường ống xuyên Biển Caspian đã được lên kế hoạch từ lâu, qua đó Turkmenistan có thể bơm khí đốt của mình tới châu Âu thông qua tuyến TANAP và TAP đã được xây dựng.

Ashgabat có một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, nhưng do vị trí địa lý, họ chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Nga. Cho đến năm 2009, Gazprom đã mua phần lớn khối lượng khí đốt của Turkmenistan và sử dụng một phần cho nhu cầu trong nước, trong khi một phần được xuất khẩu sang châu Âu.

Sau xung đột với nhà độc quyền trong nước do vấn đề công thức định giá, Ashgabat muốn tập trung vào thị trường Trung Quốc. Sau đó, các chuyển động xung quanh đường ống dẫn khí xuyên Caspian lại được kích hoạt, nhờ đó Turkmenistan có thể gửi ít nhất 30 tỷ mét khối nhiên liệu xanh sang châu Âu, bỏ qua Nga, qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đương nhiên về phần mình, Moskva phản đối việc thực hiện một dự án như vậy nhằm không tạo ra đối thủ cạnh tranh cho chính mình. Những trở ngại chính đối với dự án là tình trạng bất ổn của Biển Caspian, cũng như chi phí cao để xây dựng một đường ống dưới nước. Tuy nhiên, bây giờ nhiều thứ đã thay đổi.

Đầu tiên, sau khi thực sự tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm với Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine, châu Âu đã thống nhất đưa ra quyết định từ chối sử dụng khí đốt từ Gazprom. Năng lượng của Nga phải được thay thế bằng thứ gì đó, và 30 tỷ mét khối nhiên liệu của Turkmenistan sẽ rất hữu ích.

Thứ hai, trong bối cảnh xung đột vũ trang trên lãnh thổ Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đang phát triển nhanh chóng ở "Cựu lục địa", giá khí đốt và điện trên thị trường châu Âu thúc đẩy việc tạo ra các đường ống dẫn mới, không chỉ về mặt chính trị, mà còn khả thi về mặt kinh tế.

Thứ ba, việc ký kết Công ước về tình trạng pháp lý của Biển Caspian vào năm 2018 đã tháo gỡ nhiều vấn đề mà trước đây tưởng chừng không thể vượt qua. Điều thú vị là những điều khoản chính của thỏa thuận quốc tế này được các bên giải thích theo cách riêng của họ.

Ví dụ, khoản 3 Điều 14 của Công ước quy định như sau: "Việc xác định tuyến đường đặt cáp và đường ống ngầm được thực hiện theo thỏa thuận với bên quản lý khu vực đáy biển, nơi đặt cáp hoặc đường ống ngầm".

Từ điều khoản này, những người vận động hành lang của đường ống dẫn khí Trans - Caspian kết luận rằng bây giờ đã đủ điều kiện để đồng ý về việc đặt một đường ống dưới nước, không phải thỏa thuận với cả 5 quốc gia Caspian, mà chỉ với những nước có lãnh thổ mà tuyến ống thực sự đi qua.

Tuy nhiên theo đoạn 2 của cùng một điều khoản, dự án đường ống dẫn khí phải nhận được sự chấp thuận về môi trường từ cả 5 quốc gia tham gia ký kết. Tức là đặt tuyến đường là một chuyện, phê duyệt lại là chuyện khác, như thống đốc vùng Astrakhan đã đề cập đến.

Mặc dù vậy, Tổng thống Erdogan có thể vận động người đồng cấp Putin ủng hộ, cùng với việc thực hiện dự án xây dựng trung tâm khí đốt của Gazprom ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phụ thuộc vào Ankara trong một số lĩnh vực nhiều khả năng khiến Moskva miễn cưỡng thông qua.

Nhưng theo đánh giá, nhìn chung trở ngại duy nhất đối với việc thực hiện đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspian để cạnh tranh với Gazprom, chỉ là Iran - quốc gia đã cố tình trì hoãn việc phê chuẩn Công ước trong suốt những năm qua.

Tổng thống Rouhani bị chỉ trích ở trong nước vì đã lơ là lợi ích quốc gia vào năm 2018. Địa chính trị và kinh tế từ việc củng cố sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ với các dự án theo chủ nghĩa Tân Ottoman gây nhiều lo ngại đối với Cộng hòa Hồi giáo, vì vậy Iran vẫn là nút thắt chính đối với dự án đường ống đầy tham vọng trên.

Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.