Thể thao Việt Nam đang làm gì để phòng chống doping?

GD&TĐ - Được biết, Ban tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đã gửi thông báo đến các địa phương có vận động viên bị nghi ngờ dùng chất cấm tại đại hội.

Vận động viên Đinh Phương Thành thay mặt các vận động viên tuyên thệ tại lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32. Ảnh: INT.
Vận động viên Đinh Phương Thành thay mặt các vận động viên tuyên thệ tại lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32. Ảnh: INT.

Trong một năm qua, bê bối doping liên tiếp xảy ra với ngành thể thao và thực trạng “cực kỳ nguy hiểm” này đặt ra đòi hỏi cấp thiết là cần phải làm gì để các câu chuyện đau lòng không lặp lại.

Kết quả gây sốc

Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào top 3 toàn đoàn tại SEA Games 32. Ảnh: INT.

Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào top 3 toàn đoàn tại SEA Games 32. Ảnh: INT.

SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5/5 - 17/5 tại thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia, bao gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep. Nước chủ nhà tổ chức 608 nội dung của 48 môn và phân môn thể thao.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 với tổng cộng 1.003 thành viên, trong đó có: 702 vận động viên, 38 lãnh đội, 189 huấn luyện viên, 10 chuyên gia… Đây là số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam từng tham dự một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thể thao Việt Nam tham dự 31 môn thi với 446 nội dung, mục tiêu giành 90 - 120 Huy chương Vàng và đứng trong top 3 nước đứng đầu trên bảng xếp hạng. Môn bóng đá nam (đội tuyển U22 quốc gia) - nữ (đội tuyển quốc gia) được giao chỉ tiêu bảo vệ Huy chương Vàng tại đại hội.

Thông tin từ Tổng cục TDTT và Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam cho biết, một số vận động viên nghi ngờ dương tính với doping (chất cấm) tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022.

Được biết, Ban tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đã gửi thông báo đến các địa phương có vận động viên bị nghi ngờ dùng chất cấm tại đại hội. Trong đó, có 3 vận động viên cử tạ và 11 vận động viên thể hình ở một số địa phương khác nhau.

Trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Ban tổ chức đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của gần 200 vận động viên ở các môn điền kinh, cử tạ, thể hình, taekwondo… Các mẫu đều được gửi sang phòng xét nghiệm tại Thái Lan (nơi đã xét nghiệm hơn 1.000 mẫu thử tại SEA Games 31).

Đáng chú ý, theo truyền thông Việt Nam, riêng môn cử tạ lấy 10 mẫu, có 3 mẫu cho kết quả dương tính với doping; thể hình lấy 14 mẫu (6 nữ, 8 nam) thì có tới 11 mẫu dương tính với doping.

Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức theo chu kỳ 4 năm và có ý nghĩa rất quan trọng với thể thao Việt Nam. Kết quả thi đấu tại đại hội chính là thống kê chính xác cho một quá trình tuyển chọn, đào tạo và phát triển thể thao.

Từ đó, ngành thể thao sẽ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, tìm ra tài năng đóng góp cho nền thể thao quốc gia. Thế nên, số lượng vận động viên bị nghi ngờ dùng chất cấm lên đến con số 14 người là khá lớn, và cần làm rõ nguyên nhân.

Thực tế, doping vẫn là câu chuyện nhức nhối, vẹn nguyên tính thời sự với thể thao Việt Nam. Đến lúc này, danh tính 5 vận động viên của đội tuyển điền kinh Việt Nam bị phát hiện dùng doping tại SEA Games 31 vẫn chưa được công bố, dù họ đã tham gia các phiên điều trần do Hội đồng Thể thao Đông Nam Á tiến hành cách đây vài tháng.

Theo tìm hiểu, án phạt cụ thể cũng chưa được đưa ra nhưng cả 5 vận động viên này đã bị loại khỏi danh sách dự SEA Games 32, ASIAD 19.

Cũng cần phải nhắc lại, vào tháng 3/2022, thời điểm trước khi SEA Games 31 diễn ra, theo yêu cầu của Liên đoàn Thể hình thế giới, đội tuyển thể hình Việt Nam đã lấy mẫu thử doping và 6 vận động viên bị kết luận dương tính với chất cấm nên không được thi đấu tại đại hội thể thao khu vực.

Giả định, nếu không có yêu cầu từ Liên đoàn Thể hình thế giới và 6 vận động viên trên vẫn tham dự SEA Games 31 để rồi sau đó mới bị phát hiện chất cấm thì thể thao Việt Nam khó tránh khỏi khủng hoảng diện rộng.

Theo quy trình, những vận động viên bị nghi ngờ dùng doping phải làm giải trình và tùy theo mức độ, nguyên nhân vi phạm, Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam đưa ra quyết định về hình thức xử lý.

Nhưng dù với lý do nào chăng nữa, việc có nhiều vận động viên dương tính với doping sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thể thao Việt Nam. Các đội tuyển cử tạ, thể hình Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi khi tham dự các giải đấu quốc tế, nhất là vòng loại Olympic Paris 2024.

Liên đoàn Cử tạ thế giới có thể sẽ đưa ra án phạt nặng đối với cử tạ Việt Nam, các đô cử của Việt Nam có thể bị cấm không được tham gia các giải đấu quốc tế.

Phát biểu với truyền thông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, nếu có kết quả chính thức, chắc chắn vận động viên dính doping sẽ bị tước huy chương nhưng quy trình xử lý rất lâu.

“Thể hình, cử tạ là môn thể thao liên quan đến cơ bắp. Các vận động viên hay dùng thuốc có tác dụng tăng cơ nhưng đa phần các loại thuốc này có chất cấm. Vì thế, bộ môn, liên đoàn, ban huấn luyện và bản thân các vận động viên phải hết sức lưu ý”, ông Phấn nói thêm.

Liên quan đến thông tin nhóm 5 vận động viên điền kinh dính doping tại SEA Games 31, ông Dương Đức Thủy, nguyên huấn luyện viên trưởng và trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao từ năm 2004 - 2021, cho biết, không có vận động viên, huấn luyện viên nào của đội tuyển điền kinh Việt Nam đủ năng lực tự mua và sử dụng doping.

Trường hợp nếu có người dương tính với doping, ông Thủy cho rằng do thiếu hiểu biết, cẩu thả trong sinh hoạt và điều trị chấn thương, quản lý vận động viên lỏng lẻo.

Sau những sự cố xảy ra, vấn đề đặt ra vì sao có nhiều vận động viên Việt Nam cố tình hay vô tình sử dụng doping kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, đồng nghĩa chúng ta chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát nó.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết: Thực trạng vận động viên Việt Nam dương tính với doping cho thấy nhận thức của vận động viên, huấn luyện viên và thậm chí một bộ phận lãnh đạo thể thao rất yếu.

Trước vấn nạn doping của thế giới, thái độ của những người chơi thể thao, quản lý thể thao phải thế nào để đẩy lùi nó khỏi đời sống thể thao Việt Nam. Từ đó, có thể thấy vai trò và vị trí của Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam (Tổng cục Thể dục thể thao) khá mờ nhạt.

Nâng cao ý thức

Nguyễn Thị Oanh - niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: INT

Nguyễn Thị Oanh - niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: INT

Án phạt dành cho những vận động viên dính doping từ SEA Games 31 chưa được chính thức công bố thì SEA Games 32, cùng nhiều giải đấu quốc tế đã cận kề. Đặc biệt, nước chủ nhà Campuchia đã phát đi thông báo về việc SEA Games 32 sẽ trở thành đại hội thể thao khu vực thực hiện nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay về các vấn đề liên quan doping.

Hội đồng Thể thao Đông Nam Á sẽ kiểm soát toàn bộ chương trình phòng chống doping của đại hội, theo các quy tắc của Cơ quan phòng chống doping thế giới.

Thông tin gửi đến các đoàn thể thao cho biết, Ban tổ chức SEA Games 32 sẽ lấy khoảng 1.500 - 2.000 mẫu thử doping trong phạm vi tất cả đoàn tham dự. Không chỉ các vận động viên giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng mới phải kiểm tra doping mà Ban tổ chức sẽ chọn ngẫu nhiên và bất kỳ vận động viên nào cũng sẽ có khả năng được lấy mẫu thử doping.

Ở kỳ đại hội trước, chủ nhà Việt Nam lấy 1.000 mẫu thử, phát hiện 10 trường hợp dính doping, ngoài 5 vận động viên điền kinh của Việt Nam thì Thái Lan có 2 vận động viên, Myanmar 2 vận động viên và Indonesia 1 vận động viên.

Nước chủ nhà Campuchia cho biết thêm, mẫu A và mẫu B sẽ được gửi đến phân tích tại phòng thí nghiệm được Cơ quan phòng chống doping thế giới công nhận. Đoàn Việt Nam và các đoàn khác phải tuân thủ nghiêm túc kế hoạch kiểm tra doping, không được từ chối lấy mẫu thử trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ban tổ chức còn nhấn mạnh, việc lấy mẫu thử doping có thể được thực hiện bất cứ lúc nào mà không cần thông báo trước. Danh sách chất cấm mới nhất năm 2023 do Cơ quan phòng chống doping thế giới ban hành cũng đã được gửi đến các đoàn tham dự SEA Games 32.

Để tránh vết xe đổ, thể thao Việt Nam đang gấp rút đưa công tác phòng chống doping lên hàng đầu. Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã đẩy mạnh các đợt tuyên truyền về doping, nhằm hạn chế tới mức tối đa việc vận động viên vi phạm việc sử dụng các chất doping nằm trong danh mục cấm.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam, cho biết, công tác phòng chống doping là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề với đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 32.

Hiện, các huấn luyện viên, vận động viên của các bộ môn trong đoàn thể thao Việt Nam đã được tập huấn, giáo dục về công tác phòng chống doping tại các trung tâm huấn luyện quốc gia.

Theo ông Phú, các vận động viên phải kiểm soát được việc sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, nắm được danh mục các chất cấm. Họ phải sẵn sàng khai báo thông tin bất cứ thời điểm nào.

Năm 2023, thể thao Việt Nam không chỉ dự SEA Games, mà còn cả ASIAD, vòng loại Olympic, nên ông Phú nhấn mạnh, việc kiểm tra doping sẽ được tiến hành thường xuyên.

Ngoài ra, các vận động viên cần nâng cao ý thức sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng. Chỉ được phép sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng khi có ý kiến của bác sĩ, huấn luyện viên. Mọi trường hợp chấn thương, nếu phải sử dụng thuốc cần được xem xét làm hồ sơ miễn trừ, đảm bảo an toàn khi sử dụng các biện pháp điều trị.

Trong cuộc làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao gần đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo đoàn thể thao Việt Nam phải kiểm tra, rà soát, tuyệt đối không có vận động viên nào sử dụng doping ở SEA Games 32.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, khẳng định thể thao Việt Nam không để trường hợp dương tính với doping xuất hiện một lần nữa.

Mong rằng ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được ngành thể thao thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ không còn vướng bê bối doping như khẳng định của Trưởng đoàn Đặng Hà Việt.

Bởi thực tế, công tác phòng chống doping rất khó khăn và gian nan. Những gì được biết có lẽ chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng chìm to lớn và hầu hết nó mang màu sắc khách quan, trong khi tính chủ quan của những chủ thể trong cuộc mới đóng vai trò quyết định cho thành công hoặc thất bại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.