Thể thao Việt Nam 'chệch hướng' mục tiêu Paris

GD&TĐ - Mục tiêu giành 15 suất tham dự và phấn đấu có huy chương Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức.

Nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy chưa thể giành suất tham dự Olympic 2024. Ảnh: ITN.
Nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy chưa thể giành suất tham dự Olympic 2024. Ảnh: ITN.

Nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu lớn hơn bao giờ hết, bởi cơ hội phía trước của chúng ta không nhiều và khả năng thành công được dự báo ở mức thấp.

Những thất bại… liên tiếp

Kết thúc năm 2023, thể thao Việt Nam mới có 3 suất đến Pháp vào năm tới. Đó là cua rơ Nguyễn Thị Thật, xạ thủ Trịnh Thu Vinh và kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan.

Thể thao xứ chùa Vàng đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 13 suất dự Olympic, bao gồm các môn boxing, xe đạp, 5 môn phối hợp hiện đại, đua thuyền, bắn súng và taekwondo.

Singapore và Malaysia cùng có 5 vé: Điền kinh, đua thuyền, bơi (Singapore); bắn cung, xe đạp, nhảy cầu, đua thuyền, bắn súng (Malaysia). Ngay cả Indonesia, Philippines cũng tạm xếp trên Việt Nam với 4 suất tham dự Thế vận hội.

Việc thể thao Việt Nam khóa sổ năm thi đấu 2023 chỉ với 3 suất dự Olympic do nhiều đội tuyển, những gương mặt trọng điểm thi đấu không thành công. Chúng ta mới chỉ bảo đảm về “số lượng”, khâu “chất lượng” vẫn còn là câu chuyện dài.

Đơn cử như đội tuyển bắn súng. Sau tấm Huy chương Vàng lịch sử ASIAD 19, các xạ thủ được kỳ vọng có thêm suất Olympic tại giải bắn súng vô địch châu Á 2023.

Thực tế, bắn súng Việt Nam đã giành số lượng huy chương nhiều nhất lịch sử (3 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng), thế nhưng mục tiêu quan trọng là vé dự Olympic thì không thành công. Phạm Quang Huy - gương mặt được kỳ vọng nhất chỉ xếp thứ 9 ở phần thi cá nhân 10m súng ngắn hơi nam.

Đội tuyển bơi Việt Nam mới đây cũng không tận dụng được “cơ hội vàng” khi giải bơi, lặn vô địch quốc gia 2023 được Liên đoàn Thể thao dưới nước quốc tế (FINA) công nhận đủ điều kiện xét chuẩn Olympic Paris 2024. Tại giải đấu này, Nguyễn Thúy Hiền (Quân đội) giành Huy chương Vàng cự ly 100m tự do nữ với thành tích 57 giây 12, nhưng chỉ số này kém so với chuẩn A Olympic tới 3,51 giây.

Hoàng Quý Phước giành Huy chương Vàng cự ly 100m tự do nam, song anh không thể đạt chuẩn A với thành tích 50 giây 61 (chuẩn A là 48 giây 34).

Em trai của Nguyễn Thị Ánh Viên là Nguyễn Quang Thuấn (Quân đội) cũng giành Huy chương Vàng cự ly 400m hỗn hợp nam với thành tích 4 phút 19 giây 28, trong khi chuẩn A là 4 phút 12 giây 50. Võ Thị Mỹ Tiên (Long An) Huy chương Vàng nội dung 200m hỗn hợp nữ với thành tích 2 phút 20 giây 05 (chuẩn A là 2 phút 11 giây 47)...

Theo quy định, các vận động viên môn bơi đạt chuẩn A sẽ chính thức giành vé dự Olympic. Những người đạt chuẩn B sẽ trông chờ vào “vé vớt”, nhưng khả năng này với các kình ngư Việt Nam không cao.

Đội tuyển bơi Việt Nam còn kỳ vọng vào Nguyễn Huy Hoàng (nội dung 1.500m tự do nam), Phạm Thanh Bảo hay Trần Hưng Nguyên. Tuy nhiên, bà Lê Thanh Huyền - phụ trách môn bơi (Cục Thể dục Thể thao) nhận định, chúng ta có quyền hy vọng nhưng để đoạt thêm vé Olympic rất khó khăn.

Lãnh đạo ngành thể thao sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn, tập luyện nâng cao thành tích cho các vận động viên được đầu tư trọng điểm, qua đó rút ngắn được thành tích với chuẩn A Olympic Paris 2024.

Điền kinh Việt Nam có năm 2023 với nhiều giải đấu lớn nhưng các chỉ tiêu đều không hoàn thành. Tại SEA Games 32, toàn đội giành 12 Huy chương Vàng, bị Thái Lan vượt mặt sau 3 kỳ liên tục thống trị đường chạy Đông Nam Á.

Đến ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), điền kinh Việt Nam tham dự với 12 tuyển thủ cùng mục tiêu có huy chương. Nhưng các tuyển thủ không thể hoàn thành mục tiêu này. Trong khi đó, tại ASIAD 17, điền kinh Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc và ASIAD 18, đội tuyển có 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.

TS Dương Đức Thủy - nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục Thể thao) cho biết, với nền tảng thể lực và thành tích hiện tại của các vận động viên, điền kinh Việt Nam rất khó để hy vọng vào việc có suất tham dự Olympic Paris 2024.

Sau ASIAD 19, một số vận động viên nghỉ thi đấu đỉnh cao. Đó là cơ hội cho những gương mặt trẻ. Tuy nhiên, thời gian đến Olympic 2024 không còn nhiều, trong khi chúng ta chưa có ai thực sự nổi bật, đủ khả năng gánh trọng trách thay thế các đàn anh, đàn chị.

Nếu không có vận động viên nào đủ đạt chuẩn, chúng ta sẽ phải quay về với suất dự đặc cách như trước đây. Lần gần nhất điền kinh Việt Nam dự Olympic là tại Olympic Tokyo 2020 khi tuyển thủ Quách Thị Lan đi theo suất đặc cách.

Cử tạ là môn cuối cùng thi đấu tính điểm trao vé Olympic 2024 trong năm 2023, đó là Grand Prix ở Doha (Qatar) vào đầu tháng 12 này. Tuy nhiên, những gương mặt chủ lực của cử tạ Việt Nam, bao gồm các đô cử: Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn (61kg nam); Quàng Thị Tâm (59kg nữ), Phạm Đình Thi (49kg nữ) và Phạm Thị Hồng Thanh (71kg nữ) vẫn chưa thể giành vé dự Olympic.

Đáng chú ý, Phạm Thị Hồng Thanh năm nay được tập trung tối đa cho cuộc đua đến Olympic nên lực sĩ này được đặc cách “bỏ qua” SEA Games 32 và ASIAD 19. Nhưng cô không tạo ra sự bứt phá như kỳ vọng tại Doha và tiếp tục phải tích lũy điểm tìm kiếm cơ hội có suất chính thức đến Pháp.

Cua rơ Nguyễn Thị Thật đã giành vé tham dự Thế vận hội 2024. Ảnh: ITN.

Cua rơ Nguyễn Thị Thật đã giành vé tham dự Thế vận hội 2024. Ảnh: ITN.

Bài toán đầu tư trọng điểm

Theo tính toán, nhiều môn của thể thao Việt Nam có thể, hoặc đang trên hành trình giành vé tham dự Olympic 2024.

Kết thúc ASIAD 19, rowing Việt Nam giành tổng cộng 3 Huy chương Đồng và đều ở thành tích của nữ (thuyền bốn nữ hạng nặng một mái chèo, thuyền bốn nữ hạng nặng hai mái chèo, thuyền tám nữ hạng nặng một mái chèo).

Kết quả này tuy không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là 2 Huy chương Bạc, song thành tích của rowing Việt Nam đã đạt mức tiệm cận với chuẩn Olympic. Các tuyển thủ đang nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho những giải đấu tính điểm tiếp theo. Rowing Việt Nam đã có mặt ở 3 kỳ Olympic liên tiếp và mục tiêu là sẽ tiếp tục giành quyền tham dự Olympic Paris 2024.

Theo chương trình thi đấu tại Olympic Paris 2024, boxing sẽ có 13 nội dung tranh chấp huy chương, gồm 7 hạng cân dành cho nam và 6 hạng cân của nữ. Trong bối cảnh Ủy ban Olympic quốc tế cố gắng hướng đến bình đẳng giới, tăng số hạng cân dành cho nữ, boxing Việt Nam đang hưởng lợi nhờ thế mạnh trong hạng mục này.

Bên cạnh Nguyễn Thị Tâm, Huy chương Bạc thế giới 2023, boxing nữ Việt Nam còn có nhiều gương mặt tài năng khác đủ khả năng cạnh tranh vé tham dự Olympic là Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh và Lưu Diễm Quỳnh. Trong đó, Lưu Diễm Quỳnh được xem là võ sĩ mạnh nhất Việt Nam trong nhiều năm qua và mới đây, cô giành Huy chương Đồng ASIAD 19.

Theo ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, thể thao Việt Nam vẫn đang tìm cơ hội giành suất Olympic trong các môn quan trọng khác như điền kinh, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo, cầu lông...

Điền kinh Việt Nam không giành được suất chính thức nào từ kết quả thi đấu SEA Games 32 và ASIAD 19, điều này buộc các tuyển thủ phải nỗ lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024. Điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu trọng tâm với tổ nội dung tiếp sức 4x400m nữ. Đây là nội dung chúng ta đang có triển vọng và năm 2024, tổ này sẽ có chuyên gia người Ukraine.

Thể thao Việt Nam có thể hoàn thành chỉ tiêu về số suất tham dự Olympic 2024, hoặc không hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng đằng sau cả 2 khía cạnh này còn là câu chuyện chiến lược phát triển, cũng như đầu tư trọng điểm.

Sự kém cỏi về các thông số chuyên môn của gương mặt chủ chốt tại ASIAD 19, và hành trình gian nan giành vé đến Pháp chính là dấu hiệu cho thấy rõ ràng hơn về nguy cơ tụt hậu của thể thao Việt Nam.

Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 dự kiến được Bộ VH-TT&DL chủ trì, Cục Thể dục Thể thao thực hiện cuối tháng 12 này, trong đó mục tiêu Olympic cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Nên nhớ, phải giành huy chương Olympic là mục tiêu được ghi rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (chưa được phê duyệt). Trong khi đó, tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam có 18 vận động viên được tham dự.

Khép lại giải đấu trên đất Nhật Bản, chúng ta trắng tay, những gương mặt chủ lực như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ) chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Philippines có 1 Vàng, 2 Bạc, 1 Đồng; Indonesia có 1 Vàng, 1 Bạc, 3 Đồng; Thái Lan có 1 Vàng, 1 Đồng; Malaysia 1 Bạc, 1 Đồng. Và đến giờ, thể thao Việt Nam chưa thấy cửa nào để giành huy chương tại Pháp vào năm tới.

Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 cần phải trả lời được câu hỏi: Làm sao để cải thiện được thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường ASIAD và Olympic? Chúng ta, những người quản lý và điều hành thể thao có thể đổ cho cơ chế, khó khăn trong mô hình, Tổng cục Thể dục Thể thao xuống thành Cục Thể dục Thể thao… dẫn đến thành tích sa sút.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm về sự trì trệ về tư duy, thiếu chiến lược đột phá. Rất nhiều hạn chế, sự yếu kém của thể thao Việt Nam cần được nhìn thẳng, nói thật, chứ không phải đi theo lối mòn cũ để rồi đâu lại vào đấy.

Thể thao Việt Nam từng có nhiều tài năng, được đầu tư lớn như Ánh Viên, song đã thất bại ở mục tiêu vươn đến những sân chơi tầm châu lục và thế giới. Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Vàng Olympic, song nhiều lần thất bại với nội dung sở trường tại đấu trường SEA Games. Vì sao? Đặt lại vấn đề Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh để thấy rằng nếu đầu tư trọng điểm chệch hướng, sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến thành tích của vận động viên nói riêng, và thể thao Việt Nam nói chung. Tại ASIAD 19, nữ vận động viên Shanti Pereira đã mang về 1 Huy chương Vàng (200m), 1 Huy chương Bạc (100m) cho điền kinh Singapore. Vấn đề ở chỗ, Shanti Pereira không phải là “sản phẩm” nhập khẩu, mà đó là thành quả đầu tư trọng điểm của quốc đảo Sư tử.

Shanti Pereira nổi lên ở SEA Games 2015, giành Huy chương Vàng 200m lúc mới 19 tuổi. Tuy nhiên, quá trình phát triển của cô bị đe dọa bởi chấn thương.

Thế nhưng, bằng nỗ lực của bản thân và chiến lược đầu tư của Singapore, Shanti Pereira từng bước vươn lên, giành Huy chương Vàng 200m và Huy chương Bạc 100m tại SEA Games 31.

Đến kỳ SEA Games 32, cô thống trị cả hai nội dung cự ly tốc độ và ở giải điền kinh vô địch châu Á tháng 7 vừa qua, Shanti Pereira tiếp tục phô diễn sức mạnh bằng 2 tấm Huy chương Vàng ở các nội dung này. Và còn đó những thành công ở đấu trường Olympic của các quốc gia khác cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines.

ASIAD và Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đạt được thành tích tại 2 đấu trường này, thể thao Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, và không thể ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch châu lục và thế giới. Muốn thành công, thể thao Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, bài bản, cũng như cơ chế thông thoáng cùng tư duy của thời đại công nghệ mới.

Theo Dự thảo lần 3 chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam phấn đấu có từ 18 - 25 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương tại Olympic 2024; có từ 25 - 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương Olympic năm 2028; phấn đấu có trên 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có Huy chương Vàng tại các kỳ Olympic trong giai đoạn 2031 - 2050.

Phấn đấu đạt từ 3 đến 5 Huy chương Vàng tại ASIAD 2022 (thực tế đoạt 3 Huy chương Vàng, P.V); từ 6 đến 8 Huy chương Vàng tại ASIAD 2026; từ 8 đến 10 Huy chương Vàng tại ASIAD 2030; xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại các kỳ ASIAD giai đoạn 2031 - 2050.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.