Nắm giữ vị trí số 1 Đông Nam Á 2 kỳ SEA Games gần đây và hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 19, song thể thao Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn bởi còn nhiều tồn tại, bất cập trong chiến lược phát triển.
Thành tích khiêm tốn
Thể thao Việt Nam đứng đầu 2 kỳ SEA Games trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, đoạt tổng cộng 341 Huy chương Vàng, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu giành 3 Huy chương Vàng tại ASIAD 19 (mục tiêu đặt ra giành 2 - 5 Huy chương Vàng) từ môn bắn súng (xạ thủ Phạm Quang Huy nội dung 10m súng ngắn hơi nam), môn cầu mây (nội dung đồng đội bốn người nữ), môn karate (nội dung đồng đội kata (biểu diễn nữ).
Có 5 môn tiệm cận “vàng” nhưng chỉ đạt Huy chương Bạc là: Thể dục dụng cụ (nội dung vòng treo đơn môn nam), karate (hạng 61kg nữ), cầu mây (nội dung regu ba người nữ), bắn súng (nội dung 10m súng trường hơi mục tiêu di động cá nhân nam), cờ tướng (đồng đội hỗn hợp nam - nữ).
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam dự 202 nội dung tại ASIAD 19 nhưng chỉ giành được huy chương ở 27 nội dung, tỷ lệ rất thấp và không có gương mặt nào thực sự triển vọng. Nguyễn Thị Oanh giành 4 Huy chương Vàng điền kinh SEA Games 32 không thể cạnh tranh thành tích vào top 3. Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Nguyễn Thị Tâm (boxing), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) hay Nguyễn Thị Thật (xe đạp) thi đấu chưa như kỳ vọng.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, các môn được phân ra theo nhóm đầu tư với nhóm 1 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho Olympic) gồm bắn súng, bắn cung, cử tạ (hạng cân nhỏ), bóng đá, điền kinh (một số nội dung nữ), bơi (một số nội dung nữ), boxing (nam, hạng cân nhỏ); nhóm 2 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho ASIAD) gồm judo, karate, taekwondo, TDDC, vật, đấu kiếm, đua thuyền rowing, wushu, cầu lông, kurash, cờ vua, xe đạp (nữ); nhóm 3 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho SEA Games, Đại hội thể thao trẻ, Đại hội thể thao bãi biển và các Đại hội thể thao quốc tế khác) gồm nhảy cầu, bóng bàn, bóng chuyền, canoeing, golf, bowling, bóng rổ, quần vợt, bi sắt, pencak silat, jujitsu, vovinam, khiêu vũ thể thao, thể dục aerobic, cờ tướng, billiards & snooker, bóng ném, cầu mây, kickboxing và các môn thể thao khác.
Điểm sáng hiếm hoi là tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng, giành 2 Huy chương Đồng nội dung 800m tự do, 400m tự do. Trong đó, thành tích chuyên môn tại 800m tự do đã vượt chuẩn A Olympic để giúp kình ngư Việt Nam đoạt vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) năm 2024.
Đặc biệt, thể thao Việt Nam không chỉ thua xa những nền thể thao hàng đầu châu lục mà còn có vị trí khiêm tốn so với chính những đối thủ Đông Nam Á. Nhìn ra khu vực, Thái Lan giành 12 Huy chương Vàng ASIAD 19, Indonesia (7), Malaysia (6), Philippines (4)... Vậy thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 thành công hay thất bại?
Theo “Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030”, chỉ tiêu thành tích thi đấu quốc tế được xây dựng khá chi tiết. Đối với Đại hội thể SEA Games: Năm 2013 đạt 70 - 90 Huy chương Vàng, xếp hạng 2 - 3 toàn đoàn; các năm 2015, 2017, 2019 xếp hạng 1 - 3 toàn đoàn; giai đoạn 2020 - 2030 phấn đấu xếp hạng 1 - 2 toàn đoàn.
Đối với ASIAD: Năm 2014 đạt 2 - 3 Huy chương Vàng, xếp hạng 15 - 20 toàn đoàn; năm 2018 đạt 10 - 15 Huy chương Vàng, xếp hạng 10 - 15 toàn đoàn; giai đoạn 2020 - 2030 phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục.
Đối với Thế vận hội Olympic: Năm 2016 có 30 - 40 vận động viên tham dự, đạt 1 - 2 huy chương; giai đoạn 2020 - 2030 có 30 - 50 vận động viên tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có Huy chương Vàng.
Như vậy, có thể thấy thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở sân chơi SEA Games, bất ngờ giành Huy chương Vàng Olympic ngay từ năm 2016, do công xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Nhưng chúng ta cách quá xa so với chỉ tiêu đặt ra ở đại hội thể thao châu Á.
Theo thống kê trong 10 kì ASIAD gần nhất, Việt Nam chưa lần nào vươn lên vị trí thứ 4 trong số các nước Đông Nam Á, chỉ đứng thứ 5 hoặc 6. Sự tụt hậu này liên quan đến chiến lược đầu tư cho các môn thể thao, đặc biệt là một số nội dung dự kiến có thể tranh chấp ở các đấu trường lớn. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Philippines đã chú trọng vào đấu trường ASIAD và Olympic trong nhiều năm qua.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT (Nay là Cục TDTT) cho biết, thể thao Việt Nam gặp khó khăn do không xác định mục tiêu cụ thể để tập trung đầu tư mà thay vào đó là sự dàn trải.
SEA Games chắc chắn không thể bỏ được nhưng khi muốn vươn tới thành tích cao hơn ở châu lục hay thế giới thì thể thao Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể tập trung đầu tư nhân lực, nguồn lực vào ASIAD hay Olympic. Có như thế mới cho ra lò những vận động viên chất lượng đủ sức tranh tài ở đấu trường châu lục.
Theo ông Minh, thành tích ở những tấm huy chương tại các kì ASIAD, Olympic đã qua và ASIAD 19 lần này luôn là nỗ lực và điều đáng trân trọng từ sự cống hiến của các huấn luyện viên, vận động viên và ngành thể thao. Nhưng, đã tới lúc, thể thao Việt Nam phải có mục tiêu cụ thể, đầu tư chính xác để nâng cao hơn vị thế.
Trong khi đó, ông Trần Đức Phấn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ, trong chiến lược trình Chính phủ phê duyệt thì ngành thể thao đã xây dựng kế hoạch đầu tư cho ASIAD và Olympic, lấy đấu trường ASIAD làm trung tâm để phấn đấu.
Hy vọng trong thời gian tới đây, thể thao Việt Nam xác định lại mục tiêu và chỉ tiêu, nhiệm vụ để có thể tập trung đầu tư giành Huy chương Vàng tại ASIAD nhiều hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của chúng ta là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu chưa tốt, còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao thành tích với các vận động viên.
Bên cạnh đó, chúng ta bị gánh nặng từ căn bệnh thành tích. Nguồn lực con người và kinh phí đầu tư chỉ vừa đủ, song “ôm đồm” quá nhiều mục tiêu. Điều đó tất yếu khiến thể thao Việt Nam hụt hơi khi bước ra đấu trường lớn.
Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền (bên trái). Ảnh: INT |
Thay đổi như thế nào?
Trên thực tế, không phải đến ASIAD 19 các chuyên gia hay chính người trong ngành thể thao mới nhìn ra vấn đề của thể thao Việt Nam. Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết: Thể thao Việt Nam hiện gặp khó trong xây dựng môn trọng điểm, với 3 yếu tố tác động chính gồm kinh tế, hệ thống tuyển chọn - đào tạo và xu thế thể thao thế giới.
Kể cả khi xác định được môn thể thao trọng điểm, chúng ta cũng chưa xây dựng được kế hoạch phát triển hoàn chỉnh, bài bản. Sự phối hợp giữa thể thao với các ngành y tế, giáo dục chưa tốt, dẫn tới khó tạo bước đột phá trong phát triển thể trạng, đặc biệt là chiều cao của người Việt Nam.
Ngân sách Nhà nước đầu tư cho thể thao còn hạn chế, trong khi giải pháp thu hút tài trợ, nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ VH,TTDL sẽ tiến hành hội nghị tổng kết ASIAD 19 và sự kiện quan trọng được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của ngành thể thao. Hội nghị này sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, những người tâm huyết với thể thao nước nhà nhằm tìm ra giải pháp và định hướng đúng cho thể thao Việt Nam, hướng ra các đấu trường lớn, cụ thể là ASIAD và Olympic.
Đặc biệt, hội nghị cũng nhìn thẳng vào những khó khăn và mặt hạn chế của ngành Thể thao. Những khó khăn về kinh phí, tầm vóc và thể chất của người Việt Nam… sẽ được đặt ra để tìm hướng đi phù hợp.
Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc ngành Thể thao cần phải dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra trách nhiệm mang tính chủ quan như là nguyên nhân hàng đầu của nguy cơ tụt hậu, đồng thời cần có hành động quyết liệt nhằm thay đổi từ ý thức cho đến chiến lược.
Thể thao luôn kêu khó về kinh phí, song những lùm xùm quanh chuyện các vận động viên bóng bàn trẻ khi tập trung đội tuyển bị cắt xén khẩu phần ăn đã chỉ ra còn có rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, giám sát. Và ngoài đội tuyển bóng bàn trẻ, còn vận động viên nào, đội tuyển trẻ khác rơi vào tình trạng bị “ăn chặn” không? Thiếu tiền là một chuyện.
Điều đó ai cũng biết. Nhưng nếu cứ tồn tại dai dẳng câu chuyện như ở đội bóng bàn trẻ vừa qua thì khó có thể tạo ra môi trường lành mạnh cho vận động viên phát triển, chứ chưa nói sâu xa hơn về chất lượng, văn hóa của những người làm thầy.
Ngay cả vấn đề thể chất, thể hình cũng vậy. Các vận động viên của Việt Nam đâu có thua kém các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Tuy nhiên, khi bước ra đấu trường châu lục và kể cả Olympic, chúng ta thua họ rất nhiều. Nguyên nhân do đâu? Tất nhiên, cũng có lý do thuộc về tâm lý, phong độ của vận động viên trong những thời điểm cụ thể.
Nhưng về bản chất, vấn đề nằm ở chiến lược đầu tư và phát triển. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, muốn giúp vận động viên nâng cao về tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ cần phải áp dụng khoa học. Đặc biệt, những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện và thi đấu… ở Việt Nam gần như chưa được quan tâm, chính xác là không có điều kiện.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, thể thao Việt Nam đặt ra rất nhiều mục tiêu “ấn tượng”. Như về thể thao thành tích cao: Đổi mới phương thức đào tạo vận động viên thể thao; củng cố, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo vận động viên; đầu tư trọng điểm, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, y học thể thao tiên tiến, tạo bước đột phá về thành tích trong các bộ môn thể thao, nội dung thi đấu có thế mạnh và phù hợp với thể trạng, tầm vóc; Phấn đấu có từ 18 - 25 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương tại Olympic 2024; có từ 25 - 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương Olympic năm 2028; phấn đấu có trên 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương vàng tại các kỳ Olympic trong giai đoạn 2031 - 2050;
Phấn đấu đạt từ 3 đến 5 huy chương vàng tại ASIAD 2022; từ 6 đến 8 huy chương vàng tại ASIAD 2026; từ 8 đến 10 huy chương vàng tại ASIAD 2030; xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại các kỳ ASIAD giai đoạn 2031 - 2050; Phấn đấu đến năm 2030, bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu khu vực châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á; duy trì tốp đầu tại các kỳ SEA Games và các giải vô địch Đông Nam Á. Đến năm 2050, phấn đấu đứng trong nhóm 8 nước có nền bóng đá phát triển mạnh nhất của châu Á.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư của thể thao Việt Nam có hạn, chủ yếu dựa vào ngân sách (mỗi năm 800 - 900 tỷ đồng), số môn xã hội hóa hoặc chuyên nghiệp hóa chưa nhiều.
Vì vậy, đã đến lúc thể thao Việt Nam rất cần định hướng đúng, đầu tư đúng trọng điểm, thay vì dàn trải. Thay đổi chiến lược đầu tư, vừa tránh lãng phí, vừa có thể giúp tăng tỷ lệ thành công của thể thao Việt Nam khi hướng ra đấu trường lớn.
Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có 15 suất dự Olympic Paris 2024. Sau ASIAD 19, Việt Nam mới chỉ có 3 suất của Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội). Phạm Quang Huy đã giành Huy chương Vàng ASIAD 19, nhưng chưa thể có suất đến Paris năm sau bởi giải đấu này không nằm trong hệ thống thi đấu vòng loại của Olympic. Để giành thêm 12 suất sẽ là một bài toán khó cho ngành Thể thao. Bởi số lượng các môn khả dĩ có vận động viên đến Olympic hiện chỉ giới hạn trong một số môn như Cầu lông, Taekwondo, Rowing, Thể dục dụng cụ.