Thể hiện trách nhiệm với thị trường sách

GD&TĐ - Hy vọng tương lai không xa ngành xuất bản sẽ lớn mạnh để giúp họa sĩ, tác giả không phải lo cơm áo gạo tiền và tập trung sáng tác.

Các họa sĩ trẻ tham gia lớp hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi với sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế. Ảnh: Nhã Nam
Các họa sĩ trẻ tham gia lớp hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi với sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế. Ảnh: Nhã Nam

Sau khi điều phối thành công khóa học đặc biệt và hoàn toàn miễn phí hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi, Nhã Nam đang hướng đến việc xuất bản một cuốn sách tranh về loài chim rẽ mỏ thìa.

Trò chuyện với Báo Giáo dục&Thời đại, ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Nhã Nam cho biết, đây là cách đơn vị này thể hiện trách nhiệm giúp thị trường sách Việt Nam trở nên ngày càng lành mạnh hơn.

- Dù luôn bộn bề với công việc xuất bản nhưng vì sao thời gian gần đây Nhã Nam mở hướng quan tâm đến đội ngũ sáng tạo, trong đó có họa sĩ, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Minh: Nhiều năm nay, nhờ độc giả yêu mến đón nhận, đội ngũ họa sĩ của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã được tiếp thêm động lực và dần trưởng thành.

Nhã Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực minh họa và thiết kế, như cuộc thi thiết kế “Thế giới là một cuốn sách mở”, thiết kế bìa sách “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ”, hay cuộc thi thiết kế lại bìa sách Nhã Nam, với hàng nghìn bài dự thi chất lượng.

Anh Nguyễn Xuân Minh trò chuyện tại triển lãm 'Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa'. Ảnh: Nhã Nam.

Anh Nguyễn Xuân Minh trò chuyện tại triển lãm 'Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa'. Ảnh: Nhã Nam.

“Trong khuôn khổ dự án Pathway in Vietnam, workshop về minh họa sách thiếu nhi do Nhã Nam phối hợp với Pop-Up từ Vương quốc Anh và Hội đồng Anh tại Việt Nam thực hiện, chúng tôi đã tổ chức một buổi giao lưu tại Trường Đại học Văn hóa với các giảng viên: Jan Fearnley, họa sĩ minh họa sách thiếu nhi nổi tiếng tại Vương quốc Anh và Jane Buckley, Giám đốc Nghệ thuật của Nhà xuất bản Simon & Schuster (một trong 5 nhà xuất bản lớn nhất thế giới).

Ban đầu, chúng tôi dự kiến đây sẽ chỉ là một cuộc nói chuyện nhỏ, với khoảng vài chục người tham dự, nhưng vì số người đăng ký quá đông nên hội trường 400 người đã chật kín sinh viên.

Các bạn trẻ bày tỏ sự thích thú khi được nghe các họa sĩ, tác giả nói về hành trình sáng tác của mình, về việc cô đã trở thành một tác giả sách bán chạy như thế nào.

Trong buổi giao lưu, đại diện của Pop-Up Projects cũng chia sẻ về việc một tổ chức phi lợi nhuận như họ đã giúp đỡ các họa sĩ, tác giả như thế nào, các tác giả cần làm gì để được lọt vào mắt các nhà xuất bản, và được xuất bản sách tại Anh.

Họ cho rằng, việc thành lập một tổ chức như thế ở Việt Nam là khả thi và chia sẻ cả cách thành lập tổ chức, kêu gọi vốn từ các nguồn như thế nào để có thể đứng ra hỗ trợ các công trình của tác giả trẻ ra sao…” - Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Nhã Nam.

Từ các cuộc thi trên, nhận thấy tài năng của các bạn độc giả đã vươn xa, chúng tôi cũng mong muốn nâng hoạt động này lên một tầm cao mới.

Tháng 9/2023, Nhã Nam phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam, mời các chuyên gia quốc tế, trực tiếp mở lớp hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi dành riêng cho sinh viên, họa sĩ muốn theo đuổi nghề nghiệp này.

Dự án được chúng tôi ấp ủ từ khá lâu, muốn giúp họa sĩ Việt Nam tiếp xúc với xuất bản thế giới để có thể xuất bản sách ở nước ngoài, đánh dấu thành quả nỗ lực và giúp họ có nhiều cơ hội trong công việc hơn.

Nhóm 15 họa sĩ tham gia dự án lần này đều muốn có tác phẩm được xuất bản. Sau triển lãm “Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa” ở Anh, một số nhà xuất bản tại đây bắt đầu tìm hiểu thông tin liên lạc của các họa sĩ, biết đâu họ sớm tìm được cơ hội hợp tác trong tương lai.

Mong rằng các công ty, nhà xuất bản Việt Nam cũng sẽ liên hệ hợp tác làm sách hoặc mời các họa sĩ tham gia dự án riêng, nhất là các đơn vị làm sách thiếu nhi. Đó là điều Nhã Nam mong muốn và không ngại khi các bạn ấy cộng tác với các đối thủ và trở thành những người cạnh tranh thân thiện, giúp chúng tôi thêm tiến bộ.

Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn xuất bản Việt Nam có thêm nhiều người sáng tác, minh họa cho sách thiếu nhi. Hiện nay, sách cho trẻ từ 0 - 5 tuổi phần lớn đều là sách dịch, nội dung rất hay và cũng bán khá chạy.

Song là trách nhiệm của người làm xuất bản, chúng tôi có suy nghĩ về việc cần cố gắng làm điều gì đó để thay đổi hiện trạng đó, không chỉ giúp họa sĩ nước nhà tiếp xúc với các nhà xuất bản thế giới, mà còn làm thế nào để giới thiệu tác phẩm do người Việt Nam sáng tác, minh họa tới độc giả trẻ nước nhà, từ đó cân bằng tỷ lệ sách dịch và sách của các tác giả trong nước, góp phần giúp thị trường sách Việt lành mạnh hơn.

- Ông có thấy “tham vọng” đó ít nhiều sẽ vấp phải không ít trở ngại vì người Việt vốn sính ngoại?

Tôi nghĩ, độc giả thích đọc và muốn được đọc những tác phẩm hay, dù là của tác giả nước ngoài hay của tác giả Việt Nam thì cũng vậy. Tuy nhiên, với các tác phẩm thuần Việt, sẽ có những thứ rất đặc trưng không họa sĩ, tác giả nước ngoài nào có thể vẽ hay kể được.

Đó là những câu chuyện về làng quê, thế giới cổ tích; những câu chuyện ở nhà, ở trường… mà chỉ ở Việt Nam mới có. Ví dụ như chuyện xông đất ngày Tết, chuyện cúng giỗ ông bà tổ tiên, truyền thống đón Tết ở các vùng núi.

Sách dịch từ nước ngoài không thể thể hiện được những điều đó, vì thiếu trải nghiệm thực tế nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc quan sát bên ngoài còn hiểu sâu về tâm lý, tính cách của người Việt thì không dễ.

Trong dự án lớp học vừa qua, chúng tôi chọn kể về loài chim rẽ mỏ thìa là một câu chuyện mang bối cảnh toàn cầu, nói về vấn đề bảo vệ môi trường, gìn giữ hành tinh song cũng có những yếu tố rất đặc trưng của Việt Nam. Bởi lẽ, loài chim này ở Nga, đến mùa Đông thì di cư về phương Nam, trên đường di cư của chúng có đi qua dải đất hình chữ S của chúng ta.

Chúng bị bẫy, cái bẫy đó người ta cố tình đặt để bắt tất cả các loài chim bay qua mà không cần biết là chim gì, không biết loài này đang dần tuyệt chủng (chỉ còn 200 cặp và hàng năm chỉ có vài cặp đến Việt Nam). Đây là câu chuyện chung của thế giới song phần về Việt Nam còn rất nhiều câu chuyện thú vị, cần được kể, nếu tác giả không phải là một nhà hoạt động môi trường người Việt Nam như Trang Nguyễn thì rất khó có thể viết ra được.

Đồng thời, nếu cuốn sách được minh họa bởi các họa sĩ nước ngoài thì cũng không thể thể hiện bối cảnh một cách tinh tế như thế được. Dù được học tập từ các họa sĩ quốc tế nhưng mỗi họa sĩ Việt Nam trong khóa học vẫn thể hiện những nét riêng của mình.

Các thành viên của lớp học đã được đi đến Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi những chú chim rẽ mỏ thìa trong câu chuyện dừng chân lại trên đường di cư. Vì thời gian trải nghiệm đến đúng vào thời điểm chim rẽ mỏ thìa chưa di cư về nên các học viên được chuyên gia của vườn dẫn đến tận nơi mà chúng nghỉ chân, được chỉ dẫn sinh cảnh, thức ăn… để có thể nắm bắt được các đặc điểm nhằm thể hiện vào trong tác phẩm.

Những trải nghiệm thực tế đó sách dịch không dễ gì thể hiện được nên họa sĩ Việt luôn có một không gian của riêng mình để trổ tài.

Cùng với đó, phong trào thúc đẩy văn hóa đọc đang lên rất cao vì được ủng hộ từ Nhà nước, truyền thông, hy vọng sẽ có chuyển biến nhanh, tốt hơn nữa trong thời gian tới và các tác phẩm của tác giả Việt sẽ ngày càng nở rộ trong tương lai không xa.

Theo tôi, hiện, số người Việt Nam đọc sách đang nhiều lên, nhất là các bạn trẻ không chỉ đọc nhiều, mà còn đọc kỹ, đọc cẩn trọng, có sự đối chiếu so sánh và cả phản biện.

Đây là một tín hiệu tốt cho ngành xuất bản, trong khi đó, các đồng nghiệp của tôi ở các nước phát triển đều đang lo lắng vì chứng kiến sự suy giảm số người đọc sách, mua sách, đặc biệt là thanh thiếu niên ở nước họ.

Tất nhiên, trong những tín hiệu vui đó thì các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cũng cần có thước đo về sự quan tâm của độc giả. Nếu cứ mải mê xuất bản nhưng người đọc chưa quan tâm, mua sách thì nó là hành động lãng phí, vô ích. Đây là công việc nặng nề đối với những người làm xuất bản hiện nay.

Triển lãm 'Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa' được giới thiệu ở Manchester (Anh). Ảnh: Nhã Nam

Triển lãm 'Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa' được giới thiệu ở Manchester (Anh). Ảnh: Nhã Nam

- Thời gian tới sẽ tiếp tục có những thì tương lai cho dự án tương tự chứ, thưa ông?

Tôi thấy ngay sau dự án này cũng có những dự án tương tự được thực hiện bởi những người tâm huyết khác, tất cả đều chung mục đích muốn có nhiều cuốn sách mang nội dung Việt Nam hơn cho thiếu nhi nước nhà.

Ví dụ như workshop của bạn Nguyễn Hữu Quỳnh Hương và chị Hoài Anh cũng đã rất thành công. Chúng tôi hy vọng những chương trình như thế này sẽ tạo ra một làn sóng, để có thêm nhiều dự án tương tự, đẩy nhanh sự phát triển của xuất bản sách tranh cho trẻ em ở Việt Nam.

Nhã Nam sẽ cố gắng bằng nguồn lực tự thân và bằng cách tìm nguồn lực khác để tổ chức thêm các workshop đào tạo không chỉ dành cho họa sĩ mà cho cả các tác giả, tổ chức cuộc thi viết để góp phần tạo nên đội ngũ tác giả trẻ mới để phục vụ độc giả Việt Nam nói riêng.

Chưa có gì chắc chắn, song tôi rất hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm tốt, chất lượng ngày càng cao để phục vụ độc giả trong nước, và cả xuất khẩu sang nước ngoài.

Tác giả Việt Nam viết, vẽ đều không thua kém tác giả nước ngoài chỉ là họ chưa có cơ hội để thể hiện; đồng thời việc truyền thông làm sao người ta biết đến mình. Với những tác phẩm phù hợp, Nhã Nam sẽ cố gắng hết sức để giới thiệu với các đối tác xuất bản của mình ở nước ngoài.

- Phải chăng nguồn lực sáng tạo ở Việt Nam dồi dào nhưng còn bị bỏ quên, lãng phí?

Không hẳn là lãng phí mà là ngành xuất bản chưa biết phát huy hoặc các họa sĩ chưa được biết đến, chưa có sân chơi để kéo họ vào. Xuất bản là ngành tương đối nhỏ, lợi nhuận không hẳn lớn trong khi ai cũng có những nhu cầu cá nhân chính đáng.

Hy vọng tương lai không xa ngành xuất bản nói chung và Nhã Nam nói riêng sẽ lớn mạnh để giúp họa sĩ, tác giả không phải lo cơm áo gạo tiền và tập trung sáng tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.