Đây cũng tín hiệu vui cho thị trường vẽ minh họa sách thiếu nhi.
Sách cho thiếu nhi, đặc biệt vẽ minh họa vốn được coi là “mảnh đất vàng” mời gọi các tác giả khai phá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mảnh đất này gần như bị bỏ hoang, hoặc “cày cấy” cầm chừng. Điều đó dẫn đến một thực trạng đáng buồn là sách cho thiếu nhi ở nước ta hầu hết là nhập khẩu, mua lại bản quyền…
Người Việt nhận Huân chương Carnegie
Để minh họa 'Chang hoang dã - Gấu', họa sĩ Jeet Zdũng đã phải kỳ công vào rừng trải nghiệm để sáng tác. Ảnh: Jeet Zdũng. |
Theo ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi.
Hiện có trên 20 nhà xuất bản và doanh nghiệp tham gia xuất bản sách thiếu nhi. Các nhà xuất bản và đơn vị làm sách đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những cuốn sách, bộ sách đủ sức cuốn hút các em nhỏ với những nội dung, hình ảnh kích thích các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ nhỏ.
“Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” là ấn phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành với tên tiếng Việt “Chang hoang dã - Gấu”. Tác phẩm được bán bản quyền cho Pan Macmillan cùng nhiều nhà xuất bản khác ở hàng chục quốc gia.
Mới đây, giải thưởng Yoto Carnegie diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Barbican (London - Anh), được phát sóng trực tiếp trên toàn nước Anh đã xướng tên họa sĩ Jeet Zdũng ở hạng mục minh họa với những bức tranh vẽ tay bằng màu nước trong “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear”.
Họa sĩ Jeet Zdũng xuất sắc vượt qua 17 ứng viên khác trong vòng sơ khảo và chung khảo để giành giải thưởng. Đây là lần đầu một họa sĩ Việt Nam giành được giải thưởng danh giá Yoto Carnegie - giải thưởng thường niên của Vương quốc Anh được trao cho các tác phẩm xuất sắc dành cho trẻ em và thanh thiếu niên viết bằng tiếng Anh, với mục tiêu tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc đọc sách. Giải thưởng có hai hạng mục: Huân chương Yoto Carnegie cho tác phẩm viết và Huân chương Yoto Carnegie cho tác phẩm minh họa.
“Chang hoang dã - Gấu” là tác phẩm tranh truyện xây dựng dựa trên câu chuyện của tác giả Trang Nguyễn, do họa sĩ Jeet Zdũng vẽ minh họa. Năm 2021, tập truyện tranh này đã vượt qua hàng trăm tác phẩm để nhận Giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia.
Theo Nhà xuất bản Kim Đồng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng Yoto Carnegie đã nhận xét rằng: “Tác phẩm là câu chuyện giàu xúc cảm được khắc họa tinh tế, chứa đựng quan điểm giá trị về bảo tồn tự nhiên. Đồng thời tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ câu chuyện thật của một cô gái trẻ kiên trì theo đuổi sự nghiệp bảo tồn động vật hoang dã”.
Trước khi tập truyện tranh được hoàn thiện, họa sĩ Jeet Zdũng đã vào rừng trải nghiệm và nghiên cứu từng chi tiết. Anh mong muốn “Chang hoang dã - Gấu” sẽ góp phần cung cấp những tri thức thú vị, đúng đắn về động vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã.
Họa sĩ Jeet Zdũng tên thật là Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1988 tại Đà Nẵng. Anh là tác giả truyện tranh và là họa sĩ minh họa trong mảng sáng tác, viết, vẽ sách cho độc giả từ 4 tuổi trở lên.
Tác phẩm của Jeet Zdũng thuộc nhiều thể loại như manga/comic (không lời và có lời), tiểu thuyết đồ họa, sách tranh xoay quanh các chủ đề có nội dung phiêu lưu, quan sát thiên nhiên, văn hóa nghệ thuật dân gian, thể thao, trẻ em...
Cuối tháng 5 vừa qua, cuốn sách mới nhất của anh là “Ba tớ là Runner” và tác giả Bùi Phương Tâm cũng được ra mắt.
Cẩn trọng giấc mơ khác của người Việt
Tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng. |
Sự kiện họa sĩ Jeet Zdũng được xướng tên trong giải thưởng Yoto Carnegie được đánh giá là tín hiệu vui kích cầu thị trường vẽ minh họa thiếu nhi tại Việt Nam. Không chỉ là “mảnh đất vàng”, thị trường vẽ minh họa thiếu nhi nói riêng và sách thiếu nhi nói chung còn là đề tài tiềm năng để các tác giả sáng tác và tỏa sáng.
Giải thưởng Dế mèn lần 4 được tổ chức mới đây đã chứng minh sự quan tâm rất lớn của công chúng đối với mảng văn hóa – nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định rằng, văn học cho thiếu nhi đã có sự khởi sắc. Hầu hết, nhà văn đều có tác phẩm viết cho thiếu nhi, có những nhà văn dành trọn cuộc đời để viết cho trẻ em.
Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết, có nhiều bộ sách gây ấn tượng với sự phong phú về cả nội dung và hình thức, đi vào sở thích của các em nhỏ.
Nhiều nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư, tạo dựng diện mạo mới cho tác phẩm, đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn thông qua các cuốn sách lật mở, sách mùi hương, sách chiếu bóng, sách chuyển động đa ngữ…
Phong phú là vậy nhưng thực tế nước ta vẫn phải “nhập khẩu” nhiều tác phẩm của nước ngoài. Điều này khiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lo ngại rằng, chúng ta đang ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài nhưng nếu không cẩn trọng, các em nhỏ đọc quá nhiều sách dịch sẽ có những giấc mơ khác của người Việt.
Cơ hội để lấp đầy khoảng trống sách thiếu nhi không khó. Tuy nhiên, trong các hội thảo, tọa đàm dành cho các tác giả sáng tác cho thiếu nhi đều có than thở rằng: Sách sáng tác đang phải cạnh tranh với sách dịch.
Tuy nhiên, ngược lại cũng phải thấy rằng vì sách nội địa không đủ hấp dẫn, dễ bão hòa trong thị trường, không gây ấn tượng, không gây ra sự hứng thú săn tìm nên dù có tên trong danh sách xuất bản thì cũng nhanh chóng mất hút.
Cơ hội cho thị trường minh họa sách thiếu nhi luôn như một cuốn sách mở, đòi hỏi câu chuyện hấp dẫn, minh họa tinh tế, đẹp mắt. Nhưng song hành với cơ hội luôn đòi hỏi tài năng, thông điệp và những câu chuyện mang bản sắc.
Trẻ nhỏ sẽ chẳng thể nhớ một câu chuyện không có dấu ấn, sẽ không bao giờ theo đuổi một tập truyện không gợi trí tò mò. Mà những yếu tố ấy, đối với sách thiếu nhi ở nước ta vẫn luôn thiếu và gần như chưa được quan tâm.